Không thấy đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế với cá nhân kinh doanh
Trong định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNDN) thuộc dự án một luật sửa năm luật thuế đang chuẩn bị trình Chính phủ (để đưa ra lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 5-2018) lần này không thấy đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế với các cá nhân kinh doanh như Bộ Tài chính từng đề cập.
Cá nhân kinh doanh xác định doanh thu để đóng thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng. Trong ảnh: một sạp hàng trong Chợ Hội An, Quảng Nam.
|
Trước đó, vào năm 2015, Bộ Tài chính đã từng đề xuất phương án các cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 150 triệu đồng/năm, tức 12,5 triệu đồng/tháng sẽ không phải đóng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng.
Ngưỡng chịu thuế theo đề xuất này tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành, Luật số 71/2014/QH13 (doanh thu từ 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,4 triệu đồng/tháng trở lên, cá nhân kinh doanh đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ nhất định, tùy theo mặt hàng, loại hình kinh doanh).
Theo giải trình của Bộ Tài chính ở thời điểm đó, sở dĩ có đề xuất này là do quá trình thực hiện luật, các địa phương phản ánh rằng mức doanh thu 100 triệu đồng/năm đối với cá nhân kinh doanh để xác định không thuộc diện nộp thuế là thấp.
Bởi lẽ, doanh thu để tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (không tính trừ các chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh).
Trong khi đó, với cá nhân làm công ăn lương, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-7-2014 đã điều chỉnh tăng. Trong đó, ngưỡng chịu thuế tăng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,2 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/người. Điều đó có nghĩa là tính trung bình, một cá nhân có một người phụ thuộc thì mức thu nhập không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đã là 151,2 triệu đồng/năm.
Bộ Tài chính lúc đó nhấn mạnh, thực hiện phương án điều chỉnh kể trên sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho các cá nhân kinh doanh, giúp các cá nhân kinh doanh có thêm nguồn lực để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc nâng mức miễn thuế này cũng sẽ đảm bảo sự tương quan phù hợp về mức giảm trừ giữa cá nhân kinh doanh và các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác.
Vậy nhưng, trong báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN được trình lại lần này (lần kể trên chưa được Quốc hội đưa ra xem xét), Bộ Tài chính không nhắc lại đề xuất này.
Trao đổi với TBKTSG Online xung quanh câu chuyện này, một chuyên viên thuế nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, cơ quan soạn thảo đã không tìm được tiếng nói chung giữa các tỉnh, thành về đề xuất tăng ngưỡng chịu thuế của cá nhân kinh doanh. Bởi lẽ, với địa phương như TPHCM, 100 triệu đồng/năm là thấp nhưng với các tỉnh khác, con số này lại là cao.
Trở lại với dự án sửa luật, tuy không nhắc lại đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế với cá nhân kinh doanh nhưng Bộ Tài chính lại kiến nghị hàng loạt quy định mới với cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương. Chẳng hạn như thay đổi bậc tính thuế lũy tiến hay nâng số tiền chịu thuế của khoản thu nhập vãng lai (từ 5 triệu đồng mới bắt đầu đánh thuế 10%, thay vì chỉ 2 triệu đồng như lâu nay).
Nếu đề xuất về bậc thuế và ngưỡng chịu thuế thu nhập vãng lai cho người làm công, ăn lương được thông qua trong khi ngưỡng chịu thuế cho cá nhân kinh doanh vẫn giữ ở mức 100 triệu đồng/năm thì rõ ràng càng có khoảng cách và bất hợp lý về mức giảm trừ giữa cá nhân kinh doanh và các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác.
Lâu nay, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm được đánh giá là thấp, thậm chí là tận thu với cá nhân kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người kinh doanh tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thuế, từ không đăng ký kinh doanh đến không kê khai đúng doanh thu thực tế trong bối cảnh cơ chế kiểm soát còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến…
http://www.thesaigontimes.vn/164005/Khong-thay-de-xuat-nang-nguong-chiu-thue-voi-ca-nhan-kinh-doanh.html
|