Nếu đánh thuế bất động sản: Giá trị đủ lớn rồi mới tới số lượng
Nhiều nước thu nhập trung bình (như Thái Lan) không đánh thuế sở hữu tài sản, mà chỉ thu thuế thu nhập tạo ra từ tài sản và mua bán tài sản, hoặc thuế chuyển nhượng tài sản.
Nếu có áp dụng thuế sở hữu tài sản, thì tài sản bị đánh thuế chủ yếu là bất động sản (đất đai và nhà), và phải có giá trị vượt một ngưỡng nhất định. Với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện trung bình thấp của Việt Nam, đánh thuế sở hữu tài sản một cách rộng rãi là chưa phù hợp. Nếu áp dụng, thì chỉ nên áp dụng đối với tầng lớp thực sự giàu và nhóm đầu cơ bất động sản.
Nếu mục đích của thuế tài sản, cụ thể ở đây là bất động sản, là nhằm giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, chống đầu cơ, và nguồn thu thuế được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, tiện ích công cộng... ở nơi phát sinh nguồn thu thì có thể cân nhắc áp dụng. Ngược lại, nếu mục đích của thuế chỉ là để trang trải cho tiêu dùng, bù đắp cho thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do chi tiêu lãng phí của Nhà nước thì không nên. Tuy nhiên, nếu có thì việc đánh thuế tài sản cần phải được chuẩn bị kỹ về phương pháp tính thuế sao cho đúng đối tượng và đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật chứ không chỉ đơn giản là đánh thuế căn nhà thứ hai.
Nếu đơn thuần là đánh thuế căn nhà thứ hai thì chưa chắc sẽ giúp chuyển dòng tiền sang sản xuất - kinh doanh thay vì đầu cơ vào bất động sản. Khi triển vọng kinh doanh bấp bênh, đầy rủi ro và rào cản, dòng tiền có thể chuyển sang các loại tài sản khác mà Nhà nước không thể đánh thuế được như ngoại tệ hay vàng. Cầu về nhà ở còn giúp phát triển sản xuất ở các ngành xây dựng và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, còn cầu về ngoại tệ hay vàng giấu dưới gầm giường sẽ là những tài sản “chết”.
Đánh thuế căn nhà thứ hai cũng chưa hẳn là một giải pháp công bằng. Nó có thể làm giảm sự bất công bằng giữa người chưa có nhà và người có nhiều nhà, nhưng lại có thể làm tăng bất công giữa những người có nhà. Khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, phần đông dân số sẽ có khả năng sở hữu một căn nhà trở lên. Người sở hữu một căn biệt thự 1.000 mét vuông trong các khu đô thị xa hoa sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai căn nhà 40 mét vuông trong ngõ hẻm lại phải nộp loại thuế này. Ở Việt Nam, ngoài chức năng làm chỗ ở và tích trữ tài sản, sở hữu bất động sản còn là biện pháp để người dân phòng thủ trước rủi ro lạm phát gây ra bởi các đợt tăng trưởng nóng về tiền tệ và tín dụng. Nếu không tính toán kỹ, việc đánh thuế tài sản không những không giúp làm giảm, mà có khi còn gia tăng chênh lệch giàu nghèo bởi nó làm yếu đi khả năng phòng ngừa rủi ro của tầng lớp trung lưu.
Một khi tiền thuế của người dân chưa được chi tiêu một cách tiết kiệm và hiệu quả, mọi cải cách thuế, dù là với mục đích tốt đẹp lâu dài, sẽ khó nhận được sự ủng hộ của người dân.
|
Do vậy, thuế tài sản, nếu áp dụng, thì trước hết phải căn cứ vào giá trị của bất động sản mà một cá nhân sở hữu, sau đó mới tính đến số lượng (số căn nhà hoặc số mét vuông sở hữu). Chỉ nên đánh thuế đối với những cá nhân/tổ chức sở hữu nhiều nhà ở và tổng giá trị nhà ở đó phải đạt giá trị đủ lớn. Tức là, chỉ nên đánh thuế tài sản với những người thực sự giàu, tránh đánh vào tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, để chống hiện tượng đầu cơ bất động sản ở một nơi này mà không làm cản trở sự phát triển của ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản ở một nơi khác, thì việc xác định giá trị và số lượng nhà ở để áp thuế cũng nên phân theo địa phương. Một cá nhân nếu sở hữu quá nhiều nhà có giá trị lớn ở một đô thị chật chội như Hà Nội thì chịu thuế, nhưng nếu anh ta sở hữu thêm nhà ở nơi khác đang cần sự phát triển thì không nên đánh thuế đối với bất động sản ở nơi đó. Nói tóm lại, giá trị bất động sản tính thuế nên được tính theo địa phương, và mốc giá trị tối thiểu để tính thuế cũng nên khác nhau giữa các địa phương.
Chúng ta đang viện dẫn nhiều thông lệ quốc tế, thậm chí là thông lệ ở các nước phát triển, để gia tăng các khoản thu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc sử dụng các khoản thu này lại không được đúng mục đích như các nước trên thế giới. Thuế môi trường phải dùng để bảo vệ môi trường, thuế đánh vào sở hữu nhà ở phải dùng để phát triển cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, công viên... ở các địa phương nơi chúng phát sinh, chứ không phải dùng để tài trợ cho tượng đài, hiệp hội và vô số các khoản mục lãng phí khác. Với ngân sách ngày càng thâm thủng như hiện nay, chẳng có gì để đảm bảo các loại thuế trên sẽ được sử dụng đúng mục đích tốt đẹp của nó.
Cải cách hệ thống thuế phải song hành với cải cách hệ thống chi ngân sách. Một khi tiền thuế của người dân chưa được chi tiêu một cách tiết kiệm và hiệu quả, mọi cải cách thuế, dù là với mục đích tốt đẹp lâu dài, sẽ khó nhận được sự ủng hộ của người dân.
http://www.thesaigontimes.vn/163646/Neu-danh-thue-bat-dong-san-Gia-tri-du-lon-roi-moi-toi-so-luong.html
|