Đề xuất tăng thuế VAT, “Chính phủ cần thận trọng”
Trong cuộc họp báo chiều 15/8 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố định hướng sửa 5 luật về thuế với nhiều đề xuất tăng, từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đến giá trị gia tăng (VAT)...
Về lý do đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế VAT hiện tại 10% là tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Do đó, Bộ đề nghị nâng mức thuế VAT theo hai phương án. Phương án một, tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án hai, tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ đề nghị cân nhắc phương án một.
Thuế VAT của Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
“Chắc chắn khi đưa ra nội dung này, phản ứng của dư luận xã hội sẽ có nhiều chiều. Nhưng đây mới là định hướng sửa đổi chính sách, tới đây, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và người dân, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ đề xuất cụ thể”, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi nói.
Theo ông Thi, khi nợ công tăng cao thì các quốc gia, kể cả các nước phát triển, đều có xu hướng tăng cường thuế gián thu như thuế VAT. Phần lớn các nước phát triển áp dụng thuế suất thuế VAT rất cao. Chẳng hạn, thuế VAT trung bình mà các nước EU áp dụng năm 2000 là 19%, đến năm 2014 đã lên tới 21,5%.
Nhìn sang các nước lân cận Việt Nam, hiện tại, mức thuế VAT tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đang dao động từ 6-12%. Trong đó Malaysia là 6%; Thái Lan, Singapore là 7%; Lào, Campuchia và Indonesia cùng là 10%; riêng Philippines là 12%.
Tại một số nền kinh tế châu Á khác, Đài Loan đang đánh thuế VAT 5%, Nhật Bản 8%, Hàn Quốc 10%, Trung Quốc là 17%, Ấn Độ lên tới 18%.
Nếu so với một số quốc gia trong nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), thì Canada (5%) và Thụy Sỹ (8%) đang có mức thuế VAT thấp hơn Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quốc gia G20 khác lại cao hơn đáng kể, như Mexico (16%), Brazil (17%), Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (cùng 18%), Đức (19%), Anh và Pháp (cùng 20%), Hà Lan và Tây Ban Nha (cùng 21%), Italia (21%)...
Thuế VAT tại nhiều nước thường được giữ ổn định để kích cầu, nhưng cũng sẽ tăng nếu nước đó gặp khó khăn về kinh tế. Chẳng hạn, sau khi chịu khủng hoảng kinh tế 2007-2008, có đến 14 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) quyết định tăng thuế VAT trong hai năm 2009 - 2010.
Tại Nhật Bản, nước này đã giữ nguyên mức thuế VAT 3% trong một giai đoạn khá dài. Trong nỗ lực giảm nợ công, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề ra lộ trình tăng thuế VAT lên 5-8% từ tháng 4/2014 và 8-10% vào tháng 10/2015. Tuy nhiên, việc tăng thuế khá mạnh này cũng vấp phải sự phản đối từ dư luận, đồng thời góp phần khiến sức mua của người dân sụt giảm, trong bối cảnh kinh tế Nhật vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát. Đến nay, Nhật Bản vẫn chưa thực hiện giai đoạn hai của lộ trình tăng thuế VAT.
“Người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”
Đánh giá về đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, Chính phủ cần thận trọng.
Theo ông, người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng, nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn trong thu nhập.
"Tăng thuế VAT, vì vậy, sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”, ông nói.
Ở một góc độ khác, ông Tự Anh phân tích: “Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, thì nguồn thu từ thuế VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn là 21,3%, VAT cũng mới chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU”.
“Điều này cũng ngụ ý, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách”, ông nói.
http://vneconomy.vn/tai-chinh/de-xuat-tang-thue-vat-chinh-phu-can-than-trong-20170818110319393.htm
|