Dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo - không dễ
Mới đây, Bộ Tài chính đã từ chối đề xuất của Tập đoàn Dệt may (Vinatex), nơi Nhà nước còn nắm 53,49% cổ phần, về việc sử dụng số cổ phiếu từ nhiều công ty con để làm tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản vay 105 triệu đô la Mỹ mà Bộ Tài chính cho vay lại từ cuối năm 2015. Vì sao?
Theo báo cáo trình Thủ tướng, Vinatex đề xuất nhiều vấn đề trong đó có nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, hai vấn đề được dư luận quan tâm là tập đoàn này đề nghị Chính phủ cho phép thoái hết 52,49% vốn nhà nước còn lại tại đây (trị giá khoảng 1.675 tỉ đồng); và đề nghị cho phép sử dụng số cổ phiếu của một số công ty con mà tập đoàn đang nắm giữ để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay có tổng giá trị 105 triệu đô la Mỹ (khoảng 2.383 tỉ đồng) từ ADB qua Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa chấp nhận đề nghị này khiến việc giải ngân đang bị ách lại.
Muốn hiểu vì sao Bộ Tài chính lại không dễ chấp nhận đề nghị của Vinatex cần phải hiểu rõ bản chất khoản vay này là gì và vì sao phải thận trọng với đề nghị của Vinatex. Thực ra, số cổ phiếu mà Vinatex mang ra làm tài sản đảm bảo là từ các công ty may Việt Tiến, dệt may Hòa Thọ... hiện đang có giá trị cao hơn mệnh giá do các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, tỷ suất lợi nhuận tốt.
Vào cuối năm 2015, Vinatex và hai doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác được Chính phủ phê duyệt tham gia chương trình cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty (gọi tắt là dự án 2) do ADB tài trợ. Mục đích chính của dự án này là hỗ trợ cải cách và đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua việc tái cấu trúc các khoản nợ, sáp nhập, thoái vốn khỏi doanh nghiệp.
Nội dung chính của dự án này là ba doanh nghiệp, trong đó có Vinatex (lúc đó đã trở thành công ty cổ phần từ tháng 1-2015 - NV) sẽ được sử dụng vốn vay ADB để tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn thành dài hạn nhằm giảm thiểu sức ép trả nợ, giúp làm lành mạnh các chỉ tiêu tài chính. Vinatex được vay 105 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn vay thông thường (OCR) qua Bộ Tài chính, ủy thác cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân.
Theo báo cáo của ban quản lý chương trình (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính), đến hết năm 2016, dự án đã giải ngân cho Vinatex gần 61,7 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 1.400 tỉ đồng để tái cơ cấu nợ. Với lần giải ngân tiếp theo, trị giá khoảng 11 triệu đô la, Vinatex chuyển sang đề nghị dùng cổ phiếu là tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính không chấp thuận nên đợt giải ngân này hiện đang bị “treo” lại.
Theo Vinatex, từ khi giải ngân đến nay, nơi này phải dùng tiền mặt làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, đồng thời vẫn phải trả phí cam kết với ngân hàng đối với khoản chưa được giải ngân khiến cho hoạt động của doanh nghiệp gặp khó.
Trong khi đó, theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan, cổ phiếu của các công ty đại chúng có thể được cầm cố theo quy định. Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch đảm bảo cũng đã cho phép cầm cố cổ phiếu.
Song theo quy định của Luật Doanh nghiệp (điều 85, khoản 1) thì “cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
Do đó, cổ phiếu không hàm chứa quyền hành động đối với công ty hoặc các quyền phát sinh từ phần vốn góp. Người nhận thế chấp, tài sản đảm bảo chưa chắc được nhận quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức và quyền được hưởng khối tài sản còn lại của công ty nếu trong trường hợp công ty phá sản. Các quyền phát sinh từ hợp đồng khác đối với công ty phụ thuộc vào việc ai đứng tên trên sổ cổ đông đó.
Thực ra, cổ phần mới là đối tượng của giao dịch đảm bảo chứ không phải cổ phiếu. Cổ phiếu chỉ là hình thức để thể hiện cụ thể quyền cổ phần của người sở hữu nhưng người nhận thế chấp sẽ chỉ nhận giấy chứng nhận cổ phần của bên đảm bảo chứ chưa thể thay thế các quyền của bên đảm bảo. Bộ luật Dân sự cũng quy định biện pháp đảm bảo bằng tài sản chỉ trao cho bên nhận thế chấp một số quyền nhất định đối với tài sản đảm bảo chứ bên đảm bảo vẫn giữ quyền sở hữu tài sản đó.
Như vậy, các quy định dù cho phép dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo nhưng thực chất các quy định tại các luật khác nhau lại không đồng thời thừa nhận việc chuyển giao quyền sở hữu cho bên nhận đảm bảo.
Nói như vậy để cho thấy rằng, việc Bộ Tài chính và VDB không chấp nhận số cổ phiếu mà Vinatex mang ra làm tài sản đảm bảo là có cơ sở, nhất là khi số cổ phiếu đó luôn có rủi ro theo quy luật của thị trường. Lấy gì để đảm bảo số cổ phiếu đó ở mức giá cao đủ để thế chấp cho tổng khoản vay có giá trị lên đến 2.383 tỉ đồng của Vinatex?
Trường hợp cổ phiếu rớt giá, không may Vinatex gặp khó khi trả nợ thì lấy gì để bổ sung tài sản đảm bảo cho đủ. Nếu trường hợp Bộ Tài chính phải đứng ra trả nợ thay cho Vinatex thì chuyện này còn rắc rối hơn nữa vì sẽ có rất nhiều người phải chịu trách nhiệm.
Mặt khác, Bộ Tài chính hay VDB không phải là ngân hàng thương mại đứng ra kinh doanh khoản vay từ ADB cho Vinatex vay lại và không hưởng lợi nhuận cao để chấp nhận đi kèm với rủi ro. Để có thể thế chấp số cổ phiếu nêu trên một cách hợp lệ, nguồn tin từ Bộ Tài chính nói với TBKTSG rằng bộ đã yêu cầu VDB và Vinatex ký hợp đồng chuyển giao quyền tài sản đối với số cổ phiếu mang ra đảm bảo để VDB có quyền định đoạt trong các trường hợp biến động trả nợ hoặc biến động giá cổ phiếu.
Hơn nữa, chỉ khi VDB và Vinatex xây dựng hoàn chỉnh cơ chế giám sát đối với khoản vay này, trong đó có cơ chế giám sát tài chính, giám sát tài sản đảm bảo thì bộ mới cho phép VDB giải ngân.
Việc siết chặt đầu ra tài chính của các doanh nghiệp đã từng là DNNN là việc làm cần thiết, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình hoạt động theo công ty cổ phần, để đảm bảo sự công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung - vốn rất ít khi tìm được nguồn vốn rẻ để tái cơ cấu tài chính. Cái gì cũng có cái giá riêng của nó là vì thế.
http://www.thesaigontimes.vn/163453/Dung-co-phieu-lam-tai-san-dam-bao---khong-de.html
|