Thứ Ba, 15/08/2017 13:37

Xử lý nợ xấu: Từ Nghị quyết đến Luật trong vòng 5 năm?

Nghị quyết 42 liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu được ban hành nhằm giải quyết những vướng mắc một cách kịp thời. Và trong tương lai, xử lý nợ xấu sẽ được xem xét đưa vào Luật, dự báo sẽ mở rộng lối cho công cuộc M&A ngân hàng và cả bất động sản.

VAMC đã quá tải!

Thời gian qua, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15/08/2017 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm), gọi tắt là Nghị quyết 42, được xem là “cứu tinh” cho những điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu. Trong đó, bằng việc cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách được đánh giá là sẽ giúp việc xử lý tốt hơn, tạo nguồn hàng dồi dào cho thị trường M&A.

Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng theo quý (quý 1/2015-quý 2/2017)
(Nguồn: SBV)

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2017 ngày 10/08, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho biết, sau gần 4 năm thực hiện xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) (chính thức hoạt động vào tháng 7/2013), VAMC đã mua được hơn 280,000 tỷ đồng nợ xấu, với hơn 42,000 món nợ của hơn 40 tổ chức tín dụng. Thực tế, kết quả xử lý nợ xấu đến nay được 50,000 tỷ đồng, chiếm 15% nợ xấu đã mua vì có quá nhiều rào cản về xử lý tài sản đảm bảo. Do đó, nợ xấu thực chất vẫn tồn đọng ở các ngân hàng.

Trước bối cảnh này, Nghị quyết 42 được thông qua với nội dung trọng tâm là xử lý tài sản đảm bảo mà tại đây, người cho vay có quyền xử lý tài sản đảm bảo nếu bên vay không hợp tác xử lý nợ xấu. Đây là một tín hiệu xanh cho nền kinh tế nói chung cũng như thị trường tài chính nói riêng.

Đi đến Nghị quyết vì chưa có tiền lệ

Đón nhận Nghị quyết 42 trong sự bất ngờ là vậy, nhưng ít ai biết rõ về nguồn gốc ra đời của Nghị quyết này. Ông Quang có chia sẻ, ban đầu Chính phủ không hề có ý định sẽ ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, mà đơn thuần chỉ trình Luật sửa đổi tín dụng nhằm mục đích xử lý nợ xấu. Song, sau khi xem xét lại, bởi tính cấp bách của vấn đề cũng như do chưa hề có tiền lệ trước đó nên đã quyết định ban hành Nghị quyết riêng biệt quy định rõ về việc xử lý nợ xấu.

Một lý do khác nữa, việc ban hành Nghị quyết cũng là một bước đi nhằm nhanh chóng “cởi trói” cho vấn đề nợ xấu, tránh tình trạng thủ tục hành chính phức tạp. Theo quy định hiện hành, Quốc hội có thẩm quyền để ban hành một Nghị quyết có tính chất tương đương một văn bản luật để đưa ra các quy định khác với quy định trong Luật (đã được Quốc hội thông qua trong các Luật khác), hoặc đưa ra những quy định mới mà Luật chưa quy định.

Theo đó, Nghị quyết 42 sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm và nếu phát huy hiệu quả sẽ được chính thức đưa vào vận hành theo Luật. Song song với quá trình áp dụng Nghị quyết 42 này, hiện Việt Nam cũng đang trong tiến trình sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

“Kỳ vọng rằng, công cuộc xử lý nợ xấu sẽ góp phần thúc đẩy câu chuyện tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng, qua đó gián tiếp thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào”, ông Quang nói thêm.

Chưa hết, một doanh nhân đến từ doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, xử lý nợ xấu liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Trong đó, dự kiến 5 năm sau nếu Nghị quyết 42 giải quyết được phần nào đó vấn đề nợ xấu, cũng sẽ góp phần làm sạch tài sản đảm bảo là đất đai, từ đó thúc đẩy M&A ngành địa ốc phát triển.

M&A ngân hàng có những đặc thù riêng

Liên quan đến M&A lĩnh vực ngân hàng, theo ông Bùi Huy Thọ - Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mang một đặc thù rất riêng, bởi nguồn hàng cho M&A không phải đến từ công tác thoái vốn của Nhà nước mà đến từ hai nguồn gồm (i) khả năng tăng vốn; (ii) và cũng phổ biến nhất trong bối cảnh hiện nay là phát hành riêng lẻ cho các tổ chức tài chính cũng như cho cán bộ công nhân viên.

Trong đó, khác với thoái vốn tại những lĩnh vực khác có quy định rõ ràng, hoạt động ngân hàng đang bị vướng trong việc phát hành thêm cổ phần cho cổ đông khi mà chưa có một quy định rõ ràng nào về việc này. Đơn cử trường hợp định giá, thực tế thị giá của một cổ phiếu ngân hàng rất cao, trong khi đó tất cả các công ty định giá lại xác định giá của cổ phiếu ngân hàng này dưới giá thị trường. Điều này đã gây ra nhiều băn khoăn và e ngại khiến nhà đầu tư nước ngoài hạn chế mua lại cổ phần. Hơn nữa, nếu ngân hàng thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiềm ẩn rủi ro làm thất thoát vốn của Nhà nước, vì bán dưới giá thị trường.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu rằng Việt Nam có cho phép bán đứt những ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài? Trả lời về vấn đề trên, ông Thọ cho biết theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam là 20%, nếu tính tổng các nhà đầu tư nước ngoài thì con số tối đa là 30% vốn của ngân hàng đó. Về quy định cụ thể có nên bán đứt ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài hay không thì chưa được tham luận, song chủ trương của Chính phủ là khuyến khích các nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc tại những ngân hàng yếu kém, trong đó có cả đối tác nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ cũng đang xem xét việc nới room, ông Thọ nói thêm.

Các tin tức khác

>   Trình tự giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (15/08/2017)

>   Sửa đổi, bổ sung về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC (15/08/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng so với ngày trước (15/08/2017)

>   Có tài sản nhưng… không được thế chấp (15/08/2017)

>   Ngân hàng NCB sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường bầu 3 thành viên HĐQT (14/08/2017)

>   Sẽ “bơm” thêm gần 700 nghìn tỷ cho nền kinh tế? (14/08/2017)

>   Có thể nào nhấn thêm một nhịp giảm lãi suất? (14/08/2017)

>   Tỷ giá trung tâm đầu tuần giảm nhẹ (14/08/2017)

>   Vì sao tỷ giá USD/VND chưa… bùng? (13/08/2017)

>   Tháo điểm nghẽn nợ xấu (12/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật