Thứ Hai, 14/08/2017 13:00

Có thể nào nhấn thêm một nhịp giảm lãi suất?

Chính phủ lại vừa yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm thêm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong cuộc họp thường kỳ tháng 7 diễn ra hôm 03/08. Nhiệm vụ giảm thêm lãi suất liệu có khả thi trong bối cảnh hiện nay hoặc thời gian tới?

Trái ngược với những dự báo, nhận định vào cuối năm 2016 và thời điểm đầu năm, mặt bằng lãi suất trong 7 tháng đầu năm nay vẫn tương đối ổn định, ngoại trừ một vài thời điểm đầu năm có chút áp lực khi một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đột biến so với mặt bằng lãi suất thị trường khi đó và căng thẳng thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định trở lại và trong thời điểm hiện nay, đang có những yếu tố có thể giúp các ngân hàng nhấn thêm một nhịp giảm lãi suất.

Những điều kiện vĩ mô hỗ trợ

Diễn biến lạm phát là một trong những yếu tố bất ngờ nhất trong năm nay, khi đã liên tiếp giảm nhiệt sau khi tăng đột biến trong tháng đầu năm. Giá dầu vẫn ổn định ở mức thấp chứ không tăng vọt như một số dự báo cho năm nay, trong khi giá lương thực thực phẩm giảm mạnh thời gian qua đã kéo chỉ số giá tiêu dùng có 2 tháng ở mức âm liên tiếp. Tính đến cuối tháng 7, chỉ số CPI chỉ mới tăng 0.31% so đầu năm và tăng 2.52% so cùng kỳ năm 2016, còn cách khá xa so với mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay. Còn nếu tính theo lạm phát cơ bản loại trừ lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý, thì lãi suất cơ bản đến tháng 7 chỉ mới tăng 1.3% so cùng kỳ. Như vậy, với lãi suất các ngân hàng đang niêm yết cho kỳ hạn 1 năm trở lên từ 7 – 8% thì lãi suất thực tính theo thời điển hiện nay vẫn ở mức khá cao.

Diễn biến tỷ giá USD/VNĐ trong nước cũng đi ngược với các dự báo đầu năm, khi tiếp tục được kiểm soát ổn định dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có 2 lần liên tiếp nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong 6 tháng đầu năm nay. Dù ít nhiều chịu áp lực do nhập siêu quay trở lại, nhưng tỷ giá trung tâm so với đầu năm chỉ tăng gần 1.3%, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm  trong 7 tháng qua. Với tiền đồng vẫn giữ được giá trị tương đối so với USD và mặt bằng lãi suất của tiền đồng cao hơn nhiều so với USD, thì việc nhấn thêm một nhịp giảm lãi suất VNĐ là vẫn có thể chấp nhận được, nhất là khi thời gian qua dòng tiền USD từ dân cư tiếp tục chuyển dịch sang nắm giữ VNĐ do có tỷ suất sinh lời cao hơn.

Thanh khoản hệ thống - một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chính sách lãi suất, hiện nay cũng cho thấy thiên về hướng hỗ trợ cho việc giảm lãi suất nhiều hơn. Cụ thể, sau những tháng đầu năm có chút căng thẳng, thanh khoản tính đến hiện nay đã dồi dào trở lại. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tiếp giảm từ nửa cuối tháng 5 cho đến nay và hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong năm nay. Lãi suất cho vay qua đêm đang xoay quanh 0.5% và dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong quý 3 và đầu quý 4, trước khi có thể tăng lên trở lại do nhu cầu thanh khoản cuối năm.

Với việc NHNN bơm VNĐ ra hệ thống để mua USD và kết quả là dự trữ ngoại hối theo thống kê đã tăng thêm 1 tỷ USD, cộng thêm vốn đầu tư công giải ngân chậm, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước nằm tại các ngân hàng tăng mạnh thời gian qua, thì thanh khoản của các ngân hàng dồi dào là điều thấy rõ. Điều này đã giúp tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm nay dù tăng mạnh và cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn, nhưng không gây quá nhiều áp lực lên nguồn vốn huy động của các ngân hàng.

Chẳng những vậy, với nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng tiếp tục mạnh tay đầu tư trên thị trường trá phiếu Chính phủ (TPCP). Thống kê cho thấy, chỉ mới 7 tháng nhưng Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công gần 141 ngàn tỷ đồng TPCP, đạt 77% kế hoạch phát hành trong năm nay. Đáng lưu ý là tỷ lệ đăng ký đấu thầu so với tỷ lệ gọi thầu luôn ở mức rất cao, phản ánh nhu cầu mua rất lớn từ các ngân hàng, bất chấp lãi suất trên thị trường trái phiếu liên tiếp giảm xuống trong 7 tháng qua. Với lượng trái phiếu cần phải phát hành trong thời gian còn lại của năm chỉ còn 25% kế hoạch đặt ra, trong khi lợi suất TPCP các kỳ hạn có khả năng tiếp tục đi xuống cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.

Cần thêm bàn tay định hướng của nhà điều hành

Dù hiện tại có khá nhiều yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm, tuy nhiên, để điều này có thể xảy ra, có lẽ cần phải có thêm động thái định hướng của nhà điều hành. Hôm 10/07 vừa qua, NHNN đã quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt như giảm 0.25% lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng, đồng thời giảm 0.5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, tuy nhiên dường như thị trường đang còn chờ đợi thêm một điều hơn thế nữa.

Giảm dự trữ bắt buộc hoặc trần lãi suất tiền gửi là một trong những giải pháp để định hướng và tác động trực tiếp đến mặt bằng lãi suất hiện nay, tuy nhiên khả năng sử dụng hai giải pháp trên là không cao. Do tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay đã ở mức tương đối thấp, cụ thể tỷ lệ đối với huy động dưới 12 tháng hiện tại là 3% và trên 12 tháng là 1%, được áp dụng từ tháng 9/2011 cho đến nay. Đối với trần lãi suất tiền gửi, có lẽ nhà điều hành không muốn can thiệp vào chính sách lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay, khi mà còn một số ngân hàng vẫn đang niêm yết lãi suất tiền gửi kịch trần ở mức 5.5%.

Giải pháp thứ hai có thể xem xét là giảm lãi suất đấu thầu trên thị trường mở (OMO) và đây cũng là điều kỳ vọng lớn nhất của thị trường hiện nay. Trong thời gian qua, thị trường mở là một trong những kênh chủ yếu mà NHNN cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng và đặc biệt các ngân hàng cũng thường xuyên giao dịch qua kênh này.

Do đó, một số giải pháp khác có thể thay thế như NHNN tiếp tục giảm thêm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu thêm 0.25 – 0.5% trong thời gian tới để định hướng thị trường. Mặc dù lãi suất tái cấp vốn sau đợt giảm 0.25% vừa qua đã xuống mức 6.25% và lãi suất tái chiết khấu còn 4.25%, tuy nhiên mức lãi suất tái cấp vốn trên nếu so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng vẫn còn cao hơn từ 0.75 – 1.75%, trong khi lãi suất tái chiết khấu dù thấp hơn nhưng muốn vay phải cần có một lượng giấy tờ có giá tương ứng, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể tiếp cận vốn qua kênh này.

Giải pháp thứ hai có thể xem xét là giảm lãi suất đấu thầu trên thị trường mở (OMO) và đây cũng là điều kỳ vọng lớn nhất của thị trường hiện nay. Trong thời gian qua, thị trường mở là một trong những kênh chủ yếu mà NHNN cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng và đặc biệt các ngân hàng cũng thường xuyên giao dịch qua kênh này. Lãi suất trên thị trường mở thời gian qua ổn định tại mốc 5%, tương đương với mức lãi suất huy động tiền gửi 1 tháng bình quân của các ngân hàng. Nếu có thể giảm lãi suất trên thị trường mở thì các ngân hàng sẽ có thêm kênh tiếp cận thanh khoản với chi phí rẻ hơn, do đó dễ có động lực giảm lãi suất huy động đầu vào./.

Các tin tức khác

>   Tỷ giá trung tâm đầu tuần giảm nhẹ (14/08/2017)

>   Vì sao tỷ giá USD/VND chưa… bùng? (13/08/2017)

>   Tháo điểm nghẽn nợ xấu (12/08/2017)

>   Sacombank được cung cấp dịch vụ thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ (12/08/2017)

>   Sở hữu chéo ngân hàng vẫn “chằng chịt” (12/08/2017)

>   Giải pháp thu hút ngoại tệ, vàng bền vững, cụ thể (11/08/2017)

>   EIB: Nghị quyết HĐQT số 432E/2017 ngày 09/08/2017 (11/08/2017)

>   Đại án Ngân hàng Xây dựng: Vay 4.700 tỉ, thiệt hại 2.500 tỉ đồng (11/08/2017)

>   Đất và tiền (11/08/2017)

>   Ngân hàng giữ nguyên giá USD so với ngày trước (11/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật