Thứ Sáu, 11/08/2017 21:20

Giải pháp thu hút ngoại tệ, vàng bền vững, cụ thể

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu các giải pháp huy động vàng, ngoại tệ và đảo chiều dòng vốn quốc tế về Việt Nam.

Có ý kiến đề xuất tăng lãi suất ngoại tệ như là cách thức hữu hiệu để đạt được mục tiêu này. Nhưng tăng lãi suất ngoại tệ giống như buộc chọn giữa ăn nhiều (lãi suất) nhưng phải lo mất ngủ (để chống sự mất giá của đồng nội tệ). Cách tiếp cận huy động ngoại tệ bằng đánh đổi giữa ăn và ngủ được chứng minh là đã làm trầm trọng thêm tình trạng đô la hóa của nhiều nước trên thế giới.

Không thể so sánh lãi suất giữa hai đồng tiền một cách cơ học

Quan sát trong thực tế đối với các đồng tiền mạnh trên thế giới, vẫn chưa có bất kỳ khẳng định liệu lãi suất của một đồng tiền nào đó tăng lên so với các đồng tiền khác thì dòng vốn có chảy vào quốc gia đó hay đảo ngược ra nước ngoài. Kết cuộc này tùy thuộc vào điều gì ẩn đằng sau các hiện tượng tăng (giảm) lãi suất. Ở những nền kinh tế phát triển, lý giải về những nguyên nhân và hậu quả tăng lãi suất một đồng tiền nào đó đã rất phức tạp, đối với một nền kinh tế vẫn còn đang trong quá trình vật vã chống đô la hóa như Việt Nam, hệ lụy lại càng khó đoán định. Nhưng lại là khó đoán định theo chiều hướng xấu thêm nhiều.

Trong một nền kinh tế bị đô la hóa, bản chất lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ (đang lưu hành trong nước) khác nhau đến mức không thể so sánh được. Không thể nói đơn giản tăng lãi suất ngoại tệ thì sẽ thu hút được người gửi tiền. Để người dân chấp nhận gửi ngoại tệ vào ngân hàng, phải cộng thêm vào đó rất nhiều “tỷ lệ hy sinh”. Tỷ lệ hy sinh (được đề cập phần sau bài viết) phải đủ lớn mới hấp dẫn người gửi ngoại tệ. Phải tăng lãi suất lên bao nhiêu cho đủ? Ngay cả khi cộng đủ tất cả yếu tố này vào lãi suất, đến lượt mình, chúng sẽ kích hoạt ngược lại một chuỗi các phản ứng sốc đến chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ, tính thanh khoản của tiền, cung tiền (cả nội tệ và ngoại tệ), kỳ vọng mất giá đồng nội tệ và hàng loạt các cân đối vĩ mô khác. Chưa bàn đến hậu quả đối với đô la hóa, thu hút ngoại tệ bằng cách tăng lãi suất sẽ làm thay đổi hàng loạt các biến số kinh tế và tâm lý của người dân. Liệu NHNN có mạo hiểm lựa chọn cách tiếp cận này trong khi không thiếu gì các giải pháp thay thế khác?

Tăng lãi suất ngoại tệ cần phải đặt đúng trong bối cảnh nền kinh tế đang bị đô la hóa

Bàn về tăng lãi suất ngoại tệ, cũng cần phải đặt chúng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang trong tình trạng đô la hóa. Muốn thế, kinh nghiệm chống đô la hóa thành công của nhiều nước cho thấy, điều quan trọng trước nhất là phải tìm hiểu những nguyên nhân gốc rễ của chúng. Lạm phát cao, kinh tế vĩ mô bất ổn, các chính sách tài khóa và tiền tệ nhiều bất cập đã khiến người dân mất dần niềm tin vào đồng nội tệ. Họ bắt đầu chuyển sang sử dụng ngoại tệ và vàng (gọi chung là đô la hóa) trong các giao dịch thay cho đồng nội tệ. Đô la hóa dưới hình thức này còn gọi là thay thế tiền tệ (currency substitution).

Để người dân tin tưởng hoàn toàn vào đồng nội tệ, Bộ Tài chính cần nghiên cứu phát hành trái phiếu chi trả lãi điều chỉnh theo lạm phát. Nếu điều hành để lạm phát cao, Chính phủ phải trả phần thêm vào này vào lãi suất trái phiếu cho người mua.

Ngoài ra, đô la hóa còn tồn tại dưới hình thức người dân duy trì tài sản ngoại tệ như là cách thức bảo toàn của cải trước sự mất giá của đồng nội tệ, lạm phát và các bất ổn. Đô la hóa dưới hình thức này gọi là thay thế tài sản (asset substitution), thể hiện dưới hình thức tiền gửi ngoại tệ hay còn gọi là đô la hóa tiền gửi.

Cho đến giờ chưa có nghiên cứu nào trên thế giới khẳng định tăng lãi suất ngoại tệ thì sẽ tự động làm cho ngoại tệ dưới dạng thay thế tiền tệ (ngoại tệ dùng trong giao dịch) chảy sang tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng. Đơn giản là vì giữ ngoại tệ cho các giao dịch thay thế tiền tệ mang lại lợi ích ngoại biên lớn hơn nhiều so với gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất (trừ phi tỷ lệ hy sinh cộng vào lãi suất ngoại tệ phải đủ lớn). Trong một nền kinh tế có nhiều hoạt động kinh tế ngầm không dùng tiền mặt và hệ thống luật lệ kiểm soát thị trường tài chính còn nhiều kẽ hở thì tác động ngoại biên của sử dụng đô la trong giao dịch càng lớn. Câu chuyện người Việt bỏ ra hơn 3 tỉ đô la mua nhà ở Mỹ cho thấy điều này.

Bây giờ giả dụ NHNN cố tăng tăng lãi suất ngoại tệ để huy động đô la trong hệ thống ngân hàng thì sao? Hậu quả dễ thấy là sẽ kéo tín dụng ngoại tệ tăng theo, còn gọi là đô la hóa nợ. Quá trình đô la hóa tiền gửi và và đô la hóa nợ trong hệ thống ngân hàng còn được biết đến với tên gọi đô la hóa tài chính. Đô la hóa tài chính đến lượt mình sẽ dẫn đến những tiềm ẩn khó lường cho hệ thống ngân hàng nếu như sai lệch kỳ hạn giữa đô la hóa tiền gửi và đô la hóa nợ ngày càng lớn và mất kiểm soát, còn gọi là hiệu ứng bảng cân đối kế toán. Khủng hoảng ngân hàng và hệ thống tài chính cũng từ đây mà ra.

Đô la, vàng đang nằm trong đầu người dân chứ không phải dưới gầm giường

Bây giờ nếu lập luận, thôi thì tình trạng đô la hóa hiện đang thấp nên nhân cơ hội này tạm thời tăng lãi suất ngoại tệ. Nếu đơn thuần nhìn vào tỷ số tiền gửi đô la trên tổng cung tiền khoảng 10% (theo cách tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, 10% là mức thấp, từ 30% trở lên là cao), thì tỷ số này có đúng là không đáng ngại? Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu suy nghĩ giản đơn như thế có khả năng sẽ rơi vào “bẫy thanh khoản đô la hóa”. Ít nhất là do bốn lý do sau đây:

Thứ nhất, muốn đánh giá chính xác tình trạng đô la hóa (đô la hóa thực tế), cần phải phán đoán tất cả các khía cạnh và các hệ lụy kèm theo của quá trình sử dụng đô la trong giao dịch, trong cất trữ và trong đô la hóa tài chính. Không thể đơn giản dựa vào cách tính của IMF, chỉ dựa duy nhất vào đô la hóa tiền gửi, để rồi từ đó đưa ra các quyết định chính sách thiếu cẩn trọng.

Thứ hai, nói tỷ lệ đô la hóa thấp - chỉ 10% nhưng nếu đảo ngược lại thì sẽ thành tỷ lệ cung tiền trên ngoại tệ là 10 lần. Cung tiền nội tệ bấy giờ sẽ trở thành sức cầu gấp 10 lần nhiều hơn để tranh nhau sở hữu số lượng cung ngoại tệ chỉ có 1, điều này sẽ tạo nên các bất ổn tỷ giá vô cùng lớn mỗi khi nền kinh tế gặp phải những cú sốc.

Thứ ba, bất kỳ lượng ngoại tệ nào đang lưu hành trong nền kinh tế đều được tính chung với cung tiền nội tệ (tỷ lệ cung tiền hiệu dụng). Một đồng ngoại tệ vẫn tạo ra số nhân tiền gấp nhiều lần giống như bất kỳ đồng tiền nào. Nhất là khi chúng được chính thức gắn vào đó mức lãi suất, được cầm cố, thế chấp để quay vòng tiền tệ nhân lên nhiều lần hơn; hay các đề xuất huy động vàng dưới dạng chứng chỉ vàng, rồi được phép cầm cố, thế chấp với hy vọng hấp dẫn người gửi vàng. Tất cả đề xuất trên là cách dễ nhất làm khuếch đại số nhân cung tiền hiệu dụng, đã gây ra những hậu quả vô cùng to lớn trong quá khứ mà NHNN khó lòng kiểm soát hữu hiệu.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất, nói đến đô la hóa là nói đến nỗi ám ảnh về hiệu ứng không thể đảo ngược (ratchet effect). Đây là hiện tượng mà khi lạm phát cao và bất ổn kinh tế thì người dân từ bỏ đồng nội tệ chuyển sang ngoại tệ, nhưng khi lạm phát giảm thấp và kinh tế vĩ mô ổn định họ vẫn không chịu từ bỏ thói quen trước đây. Các nghiên cứu của IMF và nhiều nghiên cứu khác cho thấy chỉ có một số ít các quốc gia thoát khỏi hiệu ứng này. Tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ hay đề xuất huy động vàng do vậy không khác gì “mồi” để nền kinh tế nhanh rơi vào bẫy đô la hóa.

Thay vì đặt câu hỏi hiện đô la (và vàng) đang nằm ở đâu và bao nhiêu trong dân, câu hỏi đúng phải là: đô la hiện đang nằm trong đầu của người dân như thế nào. Nói đến đô la hóa, đừng quên ta đang nói đến hành vi của người dân, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chính các hành vi này mới là yếu tố khó đoán định và gây bất ổn chứ không đơn giản là tỷ lệ đô la hóa cao hay thấp. Tăng lãi suất ngoại tệ không khác gì làm cho “đô la trong đầu” nhớ lại ảo giác nghiện thời xưa. Càng tái nghiện càng khó chữa.

Năm giải pháp cụ thể

Nguyên tắc đầu tiên cần tuân thủ là các giải pháp không được bắt nguồn từ bất kỳ biến số nào có khả năng kích hoạt chuỗi phản ứng tiêu cực của lãi suất cũng như kỳ vọng lạm phát và tỷ giá. Điều nên làm là cô lập các biến số trên (hiện trạng), không để chúng xấu thêm và cùng lúc đó là kéo cả khối hiện trạng sang một trạng thái mới tích cực hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, kiên trì áp dụng mức lạm phát mục tiêu 4% như hiện nay, thậm chí giảm thấp hơn nữa. Để người dân tin tưởng hoàn toàn vào đồng nội tệ, Bộ Tài chính cần nghiên cứu phát hành trái phiếu chi trả lãi điều chỉnh theo lạm phát, xem đây như là cam kết của một chính phủ hành động. Nếu điều hành để lạm phát cao, Chính phủ phải trả phần thêm vào này vào lãi suất trái phiếu cho người mua.

Thứ hai, chế độ tỷ giá phải linh hoạt nhiều hơn để các doanh nghiệp e ngại khi phải vay mượn ngoại tệ, thậm chí nghiên cứu tăng thêm dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ để làm cho chi phí vay mượn ngoại tệ đắt đỏ hơn.

Thứ ba, cần công bố lộ trình kết thúc quan hệ vay mượn ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua bán, được khuyến khích thông qua các hợp đồng mua bán kỳ hạn chốt tỷ giá ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro (cùng với việc triển khai thêm nhiều công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá khác). NHNN sẽ đóng vai “người cho vay cuối cùng” nếu các ngân hàng không đủ ngoại tệ cung ứng cho các hợp đồng ngoại hối kỳ hạn.

Thứ tư, Chính phủ cần lên một danh sách các mặt hàng nhập khẩu không phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế bền vững, các ngân hàng tuyệt đối không được thực hiện giao dịch ngoại tệ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng này.

Thứ năm, cho phép các ngân hàng và các định chế tài chính phát hành các chứng khoán chỉ số hóa theo lạm phát, cùng lúc đó là đẩy nhanh việc phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh để thu hút tiền, vàng vào nền kinh tế.

Tất cả các giải pháp trên cùng với một nền kinh tế vĩ mô ổn định và thị trường tài chính lành mạnh sẽ tự động thu hút nguồn lực ngoại tệ, vàng và đảo chiều dòng vốn ngoại bền vững nhất.

http://www.thesaigontimes.vn/163448/Giai-phap-thu-hut-ngoai-te-vang-ben-vung-cu-the.html

Các tin tức khác

>   EIB: Nghị quyết HĐQT số 432E/2017 ngày 09/08/2017 (11/08/2017)

>   Đại án Ngân hàng Xây dựng: Vay 4.700 tỉ, thiệt hại 2.500 tỉ đồng (11/08/2017)

>   Đất và tiền (11/08/2017)

>   Ngân hàng giữ nguyên giá USD so với ngày trước (11/08/2017)

>   5 quỹ tín dụng nhân dân được cấp phép thành lập (11/08/2017)

>   Sống an vui cùng những sản phẩm bảo hiểm gia đình từ NamABank (11/08/2017)

>   Lãi suất 0% có làm giảm tiền gửi USD tại ngân hàng? (11/08/2017)

>   OCB được thành lập thêm 5 phòng giao dịch (11/08/2017)

>   Mâu thuẫn trong định tội vụ lừa đảo tại Agribank Trà Vinh (11/08/2017)

>   Tiền chảy (10/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật