Thứ Sáu, 11/08/2017 13:01

Lãi suất 0% có làm giảm tiền gửi USD tại ngân hàng?

Quyết định giảm lãi suất huy động USD về 0% của NHNN áp dụng từ gần cuối 2015 và cơ chế tỷ giá mới từ đầu 2016 nhằm ổn định tỷ giá, chống đô la hóa nhưng tiền gửi tiết kiệm bằng USD tại các ngân hàng vẫn ở mức cao.

Quyết định giảm lãi suất huy động USD đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức áp dụng từ ngày 18/12/2015. Tại thời điểm đó, giải thích về quyết định này, NHNN cho biết việc giảm lãi suất tiền gửi bằng USD với khách hàng cá nhân nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Sau đó không lâu, đến ngày 04/01/2016, NHNN chính thức áp dụng cơ chế mới là tỷ giá trung tâm xác định dựa trên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường và giá trị của đồng nội tệ so với 8 đồng tiền tham chiếu. Cơ chế mới này nhằm giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Tuy nhiên, cho đến nay, lượng tiền gửi USD (có kỳ hạn và gửi tiết kiệm) tại hệ thống ngân hàng Việt Nam dù có trồi sụt nhưng vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng.

Tiền gửi có kỳ hạn và tiết kiệm ngoại tệ của khách hàng tại Vietcombank, BIDV và VietinBank
ĐVT: Tỷ đồng

Xét trong toàn hệ thống ngân hàng thì lượng tiền gửi huy động ngoại tệ (chủ yếu là USD) tập trung nhiều nhất tại Vietcombank (HOSE: VCB), BIDV (HOSE: BID) và VietinBank (HOSE: CTG).

Tại thời điểm cuối 2015 khi quyết định giảm lãi suất huy động USD về 0% vừa có hiệu lực nửa tháng, lượng tiền gửi USD tại các nhà băng này vẫn tăng đáng kể so với đầu năm, trong đó mức tăng tại BIDV là 27%, tại Vietcombank là 11%. Đến cuối năm 2016, khoản mục này có sụt giảm nhẹ tại Vietcombank và VietinBank (BIDV giảm mạnh hơn).

Tính đến giữa năm 2017, tiền gửi ngoại tệ (có kỳ hạn/tiết kiệm) tại Vietcombank và BIDV đã tăng trở lại. Trong đó, BIDV tăng 25% so với đầu năm lên gần 34,250 tỷ đồng, Vietcombank tăng 7% lên 74,890 tỷ đồng. VietinBank mặc dù giảm 4% nhưng vẫn ở mức cao với gần 28,230 tỷ đồng.

Diễn biến tỷ giá USD tại Vietcombank qua các năm
ĐVT: đồng/USD
Tỷ giá năm 2014 tăng 0.37%, năm 2015 tăng 5.3%, năm 2016 tăng 1.1% và đến đầu tháng 8/2017 lại giảm nhẹ 0.1%.

Từ khi áp dụng cơ chế mới, tỷ giá tại Vietcombank chỉ tăng 1.1% trong năm 2016 và thậm chí giảm 0.1% từ đầu năm đến nay (tỷ giá trung tâm tăng 1.2%). Trong khi đó, lãi suất tiền gửi VNĐ từ 4-8% tùy kỳ hạn và từng ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, tiền gửi USD (của tổ chức và dân cư) tại hệ thống các ngân hàng vẫn ở mức cao.

Mới đây, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS, trong quý 3/2017, tỷ giá và thị trường ngoại hối được dự báo duy trì trạng thái ổn định. Tuy nhiên, VCBS cho rằng 6 tháng cuối năm, đồng USD sẽ tăng giá trở lại do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ được duy trì và các chính sách dần đi vào quỹ đạo hoạt động kèm theo số liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện. CTCK này dự báo mức giảm giá của VNĐ sẽ là khoảng 2% trong năm nay và thời điểm biến động mạnh nhiều khả năng sẽ rơi vào quý cuối năm.

Quan hệ mua-bán ngoại tệ: Ngân hàng vẫn lãi lớn

Về phía ngân hàng, hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn mang về khoản lãi đáng kể và tăng trưởng trong những năm gần đây.

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối
ĐVT: Tỷ đồng
(VietinBank đã loại trừ lãi kinh doanh vàng từ 2014-2016)

Trong đó, Vietcombank đứng đầu về lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng từ 1,345 tỷ trong năm 2014 lên 1,850 tỷ vào 2016. Khoản lãi này phần lớn đến từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ kinh doanh (riêng công cụ tài chính phái sinh tiền tệ thường gây lỗ cho Vietcombank). Trong nửa đầu năm 2017, Vietcombank mang về 1,065 tỷ đồng lãi từ kinh doanh ngoại hối.

Tương tự như Vietcombank, VietinBank cũng thường lỗ từ nghiệp vụ phái sinh tiền tệ, và lãi từ kinh doanh ngoại hối chủ yếu đến từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay. Riêng trong năm 2015, thời điểm tỷ giá biến động mạnh, lãi từ hoạt đông này của VietinBank chỉ đạt khoảng 15 tỷ đồng (chủ yếu do lỗ từ phái sinh tiền tệ khá lớn). Đến nửa đầu năm 2017, lãi từ kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng đã tăng lên hơn 350 tỷ đồng.

Còn với BIDV, Ngân hàng này chỉ bị lỗ nghiệp vụ phái sinh tiền tệ năm 2014. Lãi từ kinh doanh ngoại hối của BIDV cũng tăng lên hơn 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017./.

Các tin tức khác

>   OCB được thành lập thêm 5 phòng giao dịch (11/08/2017)

>   Mâu thuẫn trong định tội vụ lừa đảo tại Agribank Trà Vinh (11/08/2017)

>   Tiền chảy (10/08/2017)

>   Trước ngày chào sàn, LienVietPostBank xin ý kiến giới hạn room ngoại ở mức 5% (10/08/2017)

>   Thêm vốn cho ngư dân khai thác thủy sản xa bờ (10/08/2017)

>   Giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ (10/08/2017)

>   Tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực (10/08/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng so với ngày trước (10/08/2017)

>   Tăng trưởng tín dụng: Tốt nhưng vẫn cần kiểm soát! (10/08/2017)

>   Tra cứu tiền gửi tiết kiệm online Sacombank (09/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật