Thứ Năm, 24/08/2017 21:06

Đánh đổi tín dụng

“Việc gia tăng tín dụng quá nhanh có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ biến động của lạm phát có thể chưa đến ngay do hiện tại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bảy tháng đầu năm mới chỉ ở mức 0,31% so với cuối năm ngoái, nhưng nợ xấu sẽ lại “vượt chỉ tiêu” nếu các ngân hàng không kiểm soát chặt chẽ đường đi của đồng vốn đã giải ngân. Đối với ngân hàng, quan trọng bây giờ không phải chỉ là tín dụng, lợi nhuận, mà còn là xử lý nợ xấu” - phó tổng giám đốc một ngân hàng trong tốp 4 tổ chức tín dụng hàng đầu, đề nghị không nêu tên, nhận xét.

Đối với ngân hàng, quan trọng bây giờ không phải chỉ là tín dụng, lợi nhuận, mà còn là xử lý nợ xấu.

Theo ông, nâng hạn mức tín dụng từ 18% lên 20%, thậm chí 22% trong năm nay nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP có thể dẫn đến đánh đổi sự phát triển bền vững, lâu dài của những chỉ tiêu vĩ mô, đặc biệt sự ổn định của thị trường tiền tệ mà chúng ta đã phải rất khó khăn mới đạt được thời gian qua.

“Ông lớn” đến giới hạn

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có công ty tài chính được mệnh danh là “nhà máy xử lý tín dụng” với 1.600 người làm công việc thu hồi nợ chưa kể các đại lý thu hồi nợ mà ngân hàng cộng tác (đây là số người chuyên đi thu nợ, chứ không phải số nhân viên chung chung khoảng 10.000-15.000 người tùy thời vụ của riêng công ty tài chính - NV), dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 20-21% so với 26% năm ngoái. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, “Chúng tôi không chạy theo tăng trưởng tín dụng “nóng” bằng mọi giá”.

Câu chuyện của lãnh đạo các ngân hàng hiện nay là chất lượng tín dụng, không phải tỷ lệ tăng trưởng cho vay cao chót vót. Có lẽ đã quá thấm thía bài học chạy theo tăng trưởng tín dụng 22-24%/năm những năm trước 2010, để rồi sau đó là hậu quả của nợ xấu, một số ngân hàng cho biết đã chốt tín dụng bình quân cho kế hoạch năm năm ở mức 15-18%/năm.

Tuy nhiên trên thực tế không cần phải đợi đến khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã tăng tín dụng hơn hẳn cùng kỳ trong nửa đầu năm nay. Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, tín dụng sáu tháng đầu năm 2017 tăng 11,2% so với cùng kỳ, tỷ lệ dư nợ trên tiền gửi của khách hàng đã lên đến 97,8% với số dư nợ tuyệt đối ngày 30-6-2017 là 793.605 tỉ đồng. Ở Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cùng thời gian nửa đầu năm nay, tín dụng tăng 10,2% so với cùng kỳ và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi khách hàng đến ngày cuối cùng của tháng 6-2017 là 104,2% (nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2017 VietinBank).

Với việc “bơm” tín dụng thêm từ 10-12% trong năm tháng cuối năm, tương đương khoảng 550.000-660.000 tỉ đồng, liệu các lĩnh vực sản xuất có hấp thụ được khối lượng tiền khổng lồ như vậy trong thời gian ngắn.

Sở dĩ dư nợ của BIDV cao gần bằng tiền gửi của khách hàng và dư nợ cho vay của VietinBank đã vượt tiền gửi của khách hàng, do cả hai có các nguồn bù đắp cho vốn huy động như phát hành giấy tờ có giá, vay các tổ chức tín dụng khác, các khoản nợ Chính phủ và NHNN. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của VietinBank (trang 30) chỉ rõ ngân hàng vay NHNN theo hồ sơ tín dụng 4.508 tỉ đồng, đồng thời có 21.262 tỉ đồng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước. Ở BIDV, báo cáo tài chính cho biết tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước là 30.456 tỉ đồng, ngoài ra có tiền gửi của Bộ Tài chính 5.042 tỉ đồng.

Tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước ở các ngân hàng lớn không có gì lạ. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện kho bạc đang gửi ở các tổ chức tín dụng tới 143.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính liên tục phát hành trái phiếu chính phủ, nhưng giải ngân cho đầu tư công và thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản rất chậm, nên kho bạc luôn trong trạng thái thừa tiền. Tiền kho bạc lại được gửi ở ngân hàng thương mại, rồi ngân hàng thương mại cho vay ra qua kênh tín dụng. Như vậy, rủi ro của đầu tư công (như sử dụng vốn không hiệu quả hoặc kém hiệu quả) đã được chuyển sang cho tín dụng ngân hàng gánh vác.

Nợ xấu sẽ “phình to”?

Bốn ngân hàng lớn gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đang đảm đương khoảng 50% tín dụng cho nền kinh tế. Trong số này, hiện chỉ Vietcombank có tỷ lệ cho vay trên huy động ở mức 79,1% theo báo cáo tài chính bán niên 2017 VCB. Nhưng Vietcombank đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II. Việc phát hành cổ phiếu cho đối tác nước ngoài, quỹ GIC của Singapore, vẫn chưa được phê duyệt. Nếu không tăng đủ vốn, Vietcombank không thể tăng hạn mức cho vay khách hàng và không thể đẩy mạnh tín dụng.

Không dễ để tìm báo cáo tài chính của Agribank để nắm rõ dư nợ tại đây. Tuy nhiên, theo giới ngân hàng, dư nợ tuyệt đối của Agribank không thấp hơn của VietinBank, BIDV. Dư địa cho vay dựa thuần túy vào vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế của BIDV, VietinBank, Agribank tạm thời không còn. Còn nếu muốn gia tăng huy động vốn, cả ba phải nâng lãi suất tiết kiệm, điều này sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến mặt bằng lãi suất chung.

Quan trọng hơn việc “bơm” tín dụng thêm từ 10-12% trong năm tháng cuối năm (tín dụng đã tăng khoảng 10% đến cuối tháng 7-2017 theo NHNN) sẽ đưa vào nền kinh tế 550.000-660.000 tỉ đồng. Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất liệu các lĩnh vực sản xuất có hấp thụ được khối lượng tiền khổng lồ như vậy trong thời gian ngắn. Nếu không, tiền sẽ chảy vào bất động sản, chứng khoán và gây nên các “cơn sốt” giá ảo như đã từng diễn ra trong quá khứ. Thứ hai giả sử các ngân hàng quản lý tốt vốn giải ngân và tỷ lệ nợ xấu của dòng tiền mới “bơm” ra ở mức thấp, thí dụ tối đa 3% tổng vốn vay (như đòi hỏi hiện nay của cơ quan quản lý), thì chỉ riêng số nợ xấu tăng thêm của năm nay sẽ ước chừng 33.000-36.300 tỉ đồng. Trích đủ dự phòng rủi ro cho số này, lợi nhuận các ngân hàng sẽ teo tóp, chưa nói đến nợ xấu dồn ứ khoảng 600.000 tỉ đồng toàn hệ thống chưa giải quyết xong.

Chúng ta đã rất vất vả để kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, vàng; một số chỉ số vĩ mô nhất là tăng trưởng GDP có thể chưa như mong muốn, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế không thể “thần tốc” chỉ bằng đồng vốn ngân hàng. Nếu chỉ chăm chăm dựa vào tiền của tổ chức tín dụng mà bản chất là tiền vay của dân, thì các năm sau để duy trì GDP, tín dụng phải đưa ra nhiều hơn nữa, cao hơn nữa. Kết quả sau cùng của vòng xoáy tín dụng như kinh nghiệm thực tiễn trong quá khứ đã phơi bày là khủng hoảng tài chính - ngân hàng và kinh tế.

http://www.thesaigontimes.vn/163904/Danh-doi-tin-dung.html

Các tin tức khác

>   Sẽ xử lý hình sự gian lận, rửa tiền bằng tiền ảo (24/08/2017)

>   Vì sao hoãn xử vụ bầu Kiên kiện công ty cũ đòi 190 tỉ đồng? (24/08/2017)

>   Sửa đổi Thông tư 36: Sẽ làm rõ quy định về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu (24/08/2017)

>   Sửa đổi Thông tư 36: NHTM sẽ không được đề cử người tham gia HĐQT tại TCTD mà NHTM đã mua cổ phiếu (24/08/2017)

>   Sửa đổi Thông tư 36: NHNN sẽ giãn lộ trình tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (24/08/2017)

>   Nhiều ngân hàng tăng giá USD (24/08/2017)

>   Sacombank: Niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu hoán đổi với SouthernBank (23/08/2017)

>   VPBank: 7 tháng lãi trước thuế 4,166 tỷ đồng, tín dụng tăng 13.9% (23/08/2017)

>   Tỷ giá USD vẫn yên ắng (23/08/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng, các ngân hàng vẫn giữ nguyên giá USD (22/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật