Campuchia: Lĩnh vực tài chính hướng đến sự ổn định
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Trung ương Campuchia, lĩnh vực tài chính của Vương quốc này tiếp tục tăng trưởng đáng kể trong suốt nửa đầu năm nay nhờ sự gia tăng về tổng dư nợ và tiền gửi so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó phản ánh sự phát triển ổn định và niềm tin của công chúng tăng dần vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo cùng với xu hướng tăng trưởng mạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cũng đã tăng theo, Khmer Times đưa tin.
Theo đó, trong báo cáo hôm 22/07 của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) về tình hình hoạt động của lĩnh vực tài chính trong nửa đầu năm 2017, tổng dư nợ của toàn ngành tính đến cuối tháng 6 là 18.8 tỷ USD, tăng 20.4%, trong khi tổng tiền gửi đạt 17.4 tỷ USD, tăng 23.4%.
Trong đó, tổng dư nợ đối với các ngân hàng trong nửa đầu năm đạt 15.1 tỷ USD, tăng 18.5% so với cùng kỳ năm trước; tổng tiền gửi đạt 15.7 tỷ USD, tăng 22% trong cùng kỳ. Đối với các tổ chức tài chính vi mô (MFI), tổng dư nợ đạt 3.6 tỷ USD, trong khi tổng tiền gửi đạt 1.7 tỷ USD, tăng 38%.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) đối với các ngân hàng và các MFI cũng tăng lần lượt lên 2.5% và 2% trong nửa đầu năm nay, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của toàn ngành trong cùng kỳ năm trước là 1.46%.
Theo Thống đốc NBC, ông Chea Chanto, xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực tài chính Campuchia trong nửa đầu năm nay diễn ra mạnh mẽ và sự mở rộng đó đã góp phần vào sự bình ổn kinh tế.
Ông phát biểu: “Lĩnh vực tài chính và ngân hàng của Campuchia tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và tính cạnh tranh tăng cao cùng với sự toàn diện tài chính cao hơn”. Ông cho biết thêm, tổng tài sản kết hợp của các ngân hàng trong toàn lĩnh vực bằng 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia, trong đó dư nợ và tiền gửi chiếm lần lượt 92% và 85%. Tuy nhiên, ông Chea Chanto cũng cảnh báo rằng Ngân hàng Trung ương phải duy trì cam kết giảm thiểu rủi ro và theo dõi lĩnh vực này.
Ông nói: “Cần tăng cường chất lượng thông tin tín dụng để giảm thiểu rủi ro tín dụng và thúc đẩy tính minh bạch trong khi chúng ta đang đề ra kế hoạch bảo vệ khách hàng gửi nhằm tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực tài chính”.
Nhận xét về xu hướng gia tăng tỷ lệ nợ xấu, Phó chủ tịch So Phonnary của Acleda Bank cho rằng, tuy tỷ lệ NPL tăng lên 2.5% nhưng đây không phải là mối lo ngại lớn dù rằng chất lượng của các khoản cho vay như thế thể hiện các dấu hiệu suy giảm. Bà cho biết thêm, đối với Acleda, tỷ lệ NPL đã tăng từ mức 0.7% trong 6 tháng đầu năm 2016 lên 1% trong cùng kỳ năm nay.
Bà So Phonnary giải thích: “Nhu cầu và giá cả của các vụ mùa nông nghiệp trong năm nay không được tốt lắm và điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập cũng như khả năng thanh toán của các hộ nông dân là khách hàng vay của chúng tôi. Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay sẽ chậm hơn do các đơn vị cho vay nâng chất lượng các khoản cho vay của họ và hạn chế rủi ro”.
Theo bà So Phonnary, cần xem sự gia tăng của tỷ lệ NPL như một cảnh báo đối với tất cả các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính để họ đẩy mạnh các điều khoản cho vay.
Cố vấn Bun Mony của Hiệp hội Tài chính Vi mô Campuchia (CMA) cho rằng, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của các MFI trong suốt nửa đầu năm nay cho thấy rằng lĩnh vực này đã đáp ứng được nhu cầu tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, ông cũng dự đoán rằng hoạt động cho vay có thể sẽ chậm lại trong nửa năm còn lại do các MFI cân nhắc kỹ lưỡng việc cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp ẩn chứa rủi ro.
Theo ông Bun Mony, với mức trần lãi suất 18%/năm áp dụng đối các khoản vay MFI mới từ tháng 4 có thể làm chậm xu hướng tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay và năm tới. Ông nói: “Trong năm nay, rất khó để thấy được mức trần lãi suất mới tác động đến hoạt động cho vay như thế nào. Tuy nhiên, điều đó sẽ thể hiện rõ hơn về sau này khi đa số các khoản cho vay của chúng ta đều chuyển sang áp dụng mức lãi suất thấp hơn bởi vì hiện nay thị phần lớn của các khoản vay đều vẫn đang được thực hiện theo các mức lãi suất cao hơn”./.
|