Vốn đầu tư rót vào KCN, KKT tăng mạnh
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trong nước cam kết vào các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) trên cả nước trong 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, theo Vụ Quản lý các khu kinh tế.
Vốn đầu tư trong và ngoài nước rót vào các KCN, KKT trong 6 tháng qua tăng cao. Trong ảnh là bên ngoài của một nhà máy nước ngoài tại KCN Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Quốc Hùng
|
Cụ thể báo cáo mới nhất của Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 20-6, các KCN, KKT thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả vốn đầu tư đăng ký trên tăng khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ.
Hàn Quốc là quốc gia có nhiều dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn được cấp phép đầu tư trong các KKT và KCN trong nửa đầu năm nay. Cụ thể như Kolon Industries thuộc tập đoàn đa ngành Kolon được cấp phép đầu tư dự án sản xuất sợi lốp xe ô tô KVT-1 tại KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Với vốn đầu tư 220 triệu đô la Mỹ, Kolon Industries Inc cho biết sẽ phát triển dự án có quy mô 36.000 tấn/năm.
Trước đó, ông Park Dong Moon, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành Kolon Industries, cho biết tập đoàn có kế hoạch phát triển dự án tại KCN Bàu Bàng với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu đô la Mỹ. Và đây là một dự án đầu tư rất lớn mà công ty ông đã mất khoảng 2 năm khảo sát tại các nước châu Á để tìm địa điểm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm 2017 đến ngày 20-6, cả nước có 1.183 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong và ngoài KCN với tổng vốn đăng ký 11,83 tỉ đô la Mỹ và có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,14 tỉ đô la Mỹ, với mức tương ứng là tăng 57,9% và tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2016.
|
"Chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở sản xuất vải bố vỏ xe ô tô với quy mô lớn, có tính cạnh tranh cao, công suất khoảng 6.000 tấn/tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xem xét và tiếp tục đầu tư sản xuất túi khí ô tô tại đây", ông Park nói.
Dự kiến nhà máy này sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất vào giữa năm 2018 nhằm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Và đây sẽ là cơ sở sản xuất vải bố vỏ xe ô tô thứ 3 của Kolon Industries, sau hai nhà máy đang hoạt động ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thì dự án mở rộng nhà máy của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (tổng mức đầu tư 2,5 tỉ đô la Mỹ), 100% vốn của Hàn Quốc tại KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là dự án có vốn nước ngoài đăng ký cao nhất trong 6 tháng qua.
Về đầu tư trong nước, trong cùng thời gian trên có 385 dự án đầu tư mới và gần 140 dự án đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn tại các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái với tổng vốn đăng ký của khối doanh nghiệp này chỉ đạt 14.500 tỉ đồng với gần 450 dự án.
Điểm nhấn của nguồn vốn đầu tư trong nước thời gian này theo Vụ Quản lý các khu kinh tế đó là dự án nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát tại KKT Dung Quất, Quảng Ngãi, chiếm hơn một nửa tổng vốn đăng ký của đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 60.000 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất 4 triệu tấn/năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn sẽ được chia làm hai giai đoạn và hoàn thành trong bốn năm. Dự án này được Tập đoàn Hòa Phát đề xuất trên cơ sở kế thừa dự án khu liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian đã được cấp phép đầu tư phát triển hơn 10 năm nay nhưng bị đình trệ trong việc triển khai xây dựng mà nguyên nhân chính là không đáp ứng về năng lực tài chính.
Với kết quả thu hút đầu tư trên cho thấy các nhà đầu tư sản xuất, chế biến đang đầy mạnh đầu tư vào các KCN, KKT.
Tính đến tháng 6-2017, cả nước có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.
Số lượng các KKT ven biển đã thành lập trên cả nước là 16 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 2 KKT (KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập. Trong 16 KKT ven biển có 36 KCN, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.
Nguồn: Vụ Quản lý các khu kinh tế
|
http://www.thesaigontimes.vn/162364/Von-dau-tu-rot-vao-KCN-KKT-tang-manh.html
|