'Có tiền vào thì sắt vụn mới thành nhà máy được'
“Muốn bán nhà máy thay vì bán sắt vụn thì phải có tiền vào đó thì sắt vụn mới thành nhà máy được. Không đưa tiền vào thì giải quyết được gì, ai người ta mua” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.
Vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án nên giờ chưa được triển khai.
Đây là thực tế được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nêu ra tại cuộc họp về xử lý các dự án thua lỗ của PVN tại Bộ Công Thương, chiều 7-7.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN, cho biết các dự án thua lỗ của PVN đang trong tình trạng khó khăn, dòng tiền và chi phí đều không còn nên để triển khai đều cần tiền. Vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án nên giờ chưa được triển khai. Hiện mọi dự án đều có phương án triển khai nhưng đều cần sự phê duyệt tài chính Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án tài chính.
“Đối với Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất, PVN đã có hướng xử lý, quyết định đóng quyết toán hợp đồng nhưng sẽ cần sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ. Đặc biệt, dự án cần vốn vay của ngân hàng, nếu không có sự chỉ đạo của Chính phủ thì việc thanh toán hợp đồng và tái cơ cấu khoản vay sẽ là vấn đề lớn” - ông Sơn nói.
Theo ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc PVN, Chính phủ yêu cầu không cấp thêm vốn vào những dự án thua lỗ, trong nội bộ PVN đã đưa ra thảo luận nhiều. Những người trực tiếp xử lý thì muốn có tiền nhưng ngay trong nội bộ cũng lo ngại rằng sẽ vi phạm pháp luật khi sử dụng nguồn vốn của PVN, bởi đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định đích cuối cùng trong việc xử lý các dự án thua lỗ này là thoái ra được. Tuy nhiên, khởi động lại xong rồi thoái vốn và thoái vốn trong trạng thái nhà máy đang hoạt động thì sẽ có lợi hơn là bán nhà máy ở trạng thái “bất động”.
“Muốn bán nhà máy thay vì bán sắt vụn thì phải có tiền vào đó thì sắt vụn mới thành nhà máy được. Không đưa tiền vào thì giải quyết được gì, ai người ta mua” - Thứ trưởng Vượng nói.
Ông Vượng cho biết với dự án Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Riêng dự án nhà máy NLSH Bình Phước, PVN và phía nhà máy cần làm việc với đối tác để sớm khởi động lại dự án. Bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.
Trong khi đó, với dự án Ethanol Phú Thọ, thống nhất phương án dừng dự án và tiến hành phá sản công ty. Đồng thời đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình dừng và phá sản này.
Với dự án xơ sợi Đình Vũ - PVTEX, Bộ Công Thương cho biết phương án đưa ra là hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại dự án, sau đó thực hiện chuyển nhượng vốn. Với Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được lựa chọn phương án cho phá sản.
Với việc quyết toán con tàu 104.000 tấn, do giá trị nhà máy và đối tác đưa ra chênh lệch khá lớn nên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo Vụ Tài chính - Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.
http://plo.vn/kinh-te/co-tien-vao-thi-sat-vun-moi-thanh-nha-may-duoc-713893.html
|