Thứ Năm, 27/07/2017 16:20

Muôn nẻo đường tiền ra đi

Hơn 3 tỉ đô la Mỹ là số tiền mà người Việt đã chi ra để mua nhà ở Mỹ từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017 theo dữ liệu vừa được Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ công bố. Số tiền ấy (và số tiền để mua bất động sản ở những nước khác như Canada, Úc, châu Âu, Singapore...) đã được chuyển ra khỏi Việt Nam như thế nào?

Không chính thức...

Ở đây không đề cập đến việc chuyển ngân lậu qua một số tiệm vàng. Từ nhiều năm nay, một số tiệm vàng nhận chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng và thu phí cao. Mức phí có thể xê dịch tùy theo số tiền chuyển và tùy theo nước đến. Theo nhân viên kinh doanh ngoại hối của một tổ chức tín dụng, trước đây tiệm vàng thường lấy phí 3-4% tổng giá trị tiền gửi đi. Sau này khi việc chuyển tiền qua ngân hàng và những kênh khác “dễ thở” hơn, phí chuyển tiền của tiệm vàng giảm xuống và hiện còn khoảng 1-2%.

Ngoài tiệm vàng, không ít đơn vị chi trả kiều hối cũng nhận chuyển tiền theo dạng cấn trừ hai đầu. Công ty kiều hối sử dụng tiền của khách hàng ở Việt Nam cần chuyển đi để chi trả cho khách hàng trong nước nhận kiều hối từ nước ngoài, còn tiền kiều hối ở nước ngoài, thay vì chuyển về Việt Nam, họ dùng để chuyển cho thân nhân ở nước sở tại của khách hàng chuyển tiền trong nước qua.  

Rất khó để ước lượng số tiền mà một số đơn vị chi trả kiều hối cấn trừ hai đầu. Chúng có thể chỉ là những món nhỏ vài ngàn đô la Mỹ/món, nhưng cũng có khi lên đến hàng chục ngàn đô la Mỹ, thậm chí hàng trăm ngàn đô la Mỹ/món. Với số tiền chuyển ra hàng triệu đô la Mỹ, người gửi, như lời của một nhân viên có mười năm làm việc ở bộ phận kinh doanh ngoại hối ngân hàng, nhờ cậy đến các công ty xuất nhập khẩu.

Thí dụ một doanh nghiệp xuất khẩu 10 triệu đô la Mỹ hàng hóa sang Mỹ. Về nguyên tắc, tiền thanh toán sẽ được chuyển về tài khoản của doanh nghiệp xuất khẩu mở tại một ngân hàng ở Việt Nam. Trên thực tế bên xuất có thể thỏa thuận với đối tác nhập khẩu chỉ trả 5-7 triệu đô la Mỹ vào tài khoản của họ ở Việt Nam, còn 5-3 triệu đô la Mỹ kia trả vào một tài khoản khác ở Mỹ cho những mục đích khác nhau. Cơ quan thuế có thể kiểm tra tiền về Việt Nam và nhận ra sự thiếu hụt. Lúc này bên xuất sẽ không thiếu lý do, như trả tiền tư vấn, chia sẻ tiền khuyến mãi bán hàng với bên mua... Thậm chí hai bên nhập và xuất có thể thỏa thuận về giá hàng hóa xuất và nhập (trên hóa đơn và trên thực tế) mỗi lần sao cho phù hợp và một khoản tiền nào đó được chuyển vào tài khoản ở Mỹ. Tài khoản ở Mỹ có thể dưới tên cá nhân ông chủ doanh nghiệp xuất khẩu, hay thân nhân, hay ai đó...

Những năm trước, ở thời điểm diễn ra các “cơn sốt” vàng, ngoại tệ, việc các doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ ngoại tệ trên tài khoản ở nước ngoài để lách quy định kết hối là “chuyện thường ngày ở huyện”. Giờ các “cơn sốt” ngoại tệ đã lùi vào dĩ vãng, nhưng chuyện để tiền trên tài khoản nước ngoài của một số nhà xuất khẩu không phải không còn.

Và chính thức

Nếu bạn có thân nhân ở nước ngoài (bố mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cháu chắt), quy định quản lý ngoại hối hiện hành cho phép bạn gửi tối đa 7.000 đô la Mỹ/năm cho mỗi người dưới dạng trợ cấp thân nhân. Khi ra ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền, bạn xuất trình các giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt, ngân hàng sẽ bán ngoại tệ cho bạn theo tỷ giá chuyển đổi niêm yết và bạn trả phí chuyển tiền chừng 0,2%.

Bạn có khả năng lặp lại hành động chuyển tiền ấy ở nhiều ngân hàng khác nhau, thậm chí ở các chi nhánh khác nhau của một ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam không có một dữ liệu chung để cập nhật và kiểm soát việc chuyển tiền đó (nếu có, cũng không chắc các ngân hàng chia sẻ cho nhau - NV). Một vị khách kể ông đã chuyển tiền cho con ở nước ngoài như thế ba lần trong một tháng ở ba chi nhánh của một ngân hàng, mà ngân hàng đó vẫn không phát hiện ra.

Giả sử ông chuyển tiền theo cách trên ở 10-20 ngân hàng khác nhau, mỗi lần 7.000 đô la Mỹ, thì thân nhân của ông cũng nhận được đủ tiền để mua một căn hộ nhỏ hoặc nửa căn hộ lớn!

Thực tế chỉ ra những người có ý định mua nhà ở Mỹ hay nước ngoài thường không áp dụng cách thức chuyển tiền cỏn con như vậy. Họ chuyển tiền theo dạng định cư. Theo quy định pháp luật, những người định cư ở nước ngoài được quyền mang theo tài sản và có thể được chuyển tài sản (tiền) ra một hoặc nhiều lần, miễn là họ chứng minh đầy đủ tiền đó là tiền “sạch” như bán tài sản (nhà cửa, đất đai, phương tiện đi lại...) và đã thực hiện đủ nghĩa vụ thuế. Phí chuyển tiền định cư qua ngân hàng dao động từ 0,2-0,6% tổng tiền chuyển, tùy theo từng ngân hàng. Có ngân hàng yêu cầu người chuyển tiền ra đi phải gửi tiết kiệm 3-6 tháng trước khi chuyển, nhưng cũng có ngân hàng không đòi hỏi gửi tiền trước.

Phổ biến hơn cả hiện nay là chuyển tiền theo phương thức cho, biếu, tặng. Quy định không giới hạn số tiền chuyển, song “nếu bạn cho, biếu, tặng số tiền quá lớn thì hẳn ngân hàng sẽ phải tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành” - phó tổng giám đốc một tổ chức tín dụng bật mí. Anh bán một căn nhà ở Việt Nam (căn nhà đó trên giấy tờ sổ hồng, sổ đỏ thuộc sở hữu của anh, tức có nguồn gốc tài chính rõ ràng), đóng thuế xong, anh có thể làm thủ tục cho tiền con anh ở Mỹ hay nước nào đó (con anh du học ở nước ngoài và trong thời gian học, con có quyền mua nhà để ở...). Ông phó tổng giám đốc trên cho biết: “Thường số tiền chuyển theo cách cho, biếu, tặng khoảng 300.000-500.000 đô la Mỹ/người, đủ để mua nhà ở Mỹ, Úc hay Singapore”.

Mỗi năm có hàng tỉ đô la Mỹ chuyển ra nước ngoài

Số liệu thống kê sơ bộ (chưa đầy đủ) của các ngân hàng cho thấy gần đây mỗi năm số tiền chuyển du học (học phí và sinh hoạt phí) từ Việt Nam sang các nước khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, đi nước ngoài chữa bệnh 2-3 tỉ đô la Mỹ. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn khẳng định ước tính số tiền chuyển theo dạng định cư, cho biếu tặng, cũng không dưới vài tỉ đô la Mỹ/năm. Đấy là chuyển theo đường chính thức và hợp pháp.

http://www.thesaigontimes.vn/162919/Muon-neo-duong-tien-ra-di.html

Các tin tức khác

>   Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm sắp hầu tòa, bị truy tố 4 tội danh (27/07/2017)

>   Bức tranh tín dụng tiêu dùng (27/07/2017)

>   Bài toán cân đối lợi nhuận - Ngân hàng có giảm lãi suất huy động? (27/07/2017)

>   Tổ chức thẻ Visa thăm và làm việc với Sacombank (27/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng (27/07/2017)

>   Chuyển động giao dịch VPBank: Tiếp nối con sóng gom hàng khủng trước giờ chào sàn (26/07/2017)

>   Doanh nghiệp siêu nhỏ: Không còn khó khăn khi vay vốn ngân hàng (27/07/2017)

>   Sacombank thôi nhiệm Phó TGĐ Dương Hoàng Quỳnh Như (27/07/2017)

>   Tội phạm ngân hàng nhiều do sở hữu chéo, lợi ích nhóm (26/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng, ngân hàng giữ nguyên giá USD (26/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật