Thứ Năm, 27/07/2017 13:01

Bài toán cân đối lợi nhuận - Ngân hàng có giảm lãi suất huy động?

Trong bối cảnh NHNN vừa ra quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên, liệu các ngân hàng có giảm lãi suất huy động hay sẽ tìm cách nào để cân đối đầu vào - ra để tối ưu lợi nhuận của mình?

* NHNN: Giảm 0.25%/năm lãi suất điều hành và 0.5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn từ 10/07

* Giảm lãi suất - Hiệu ứng lan tỏa đến đâu?

Vào ngày 07/07/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định điều chỉnh giảm 0.5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ của tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6.5%/năm. Quy định có hiệu lực từ ngày 10/07/2017.

Sau quyết định này, các ngân hàng cũng đã đồng loạt quán triệt áp dụng. Ngay từ ngày 10/07/2017, Agribank công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6.5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn từ 8.5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên. Một số “ông lớn” khác như Vietcombank, BIDV hay VietinBank cũng chính thức giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Khối ngân hàng thương mại tư nhân cũng rầm rộ thực hiện. VPBank công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) từ 0.5% đến 1%. Hay Sacombank và Eximbank cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ xuống còn 6.5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên.

Sacombank cho biết thêm việc giảm lãi suất này sẽ góp phần cung ứng nguồn vốn đến với các cá nhân, doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên nhanh chóng và kịp thời hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay. Dự kiến đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay của Sacombank trong 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm 6 tháng đầu năm.

Giảm lãi suất cho vay là tin vui với các doanh nghiệp không chỉ thuộc lĩnh vực ưu tiên mà còn cả nền kinh tế với kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay trong toàn hệ thống. Nhưng đứng ở góc độ ngân hàng, hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ tác động trực tiếp đến chính nguồn thu nhập của mình, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận mang về.

Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin – NIM) của nhiều ngân hàng trong năm 2016 bình quân trong khoảng 2.5-3.5%. Với động thái giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0.5%, các lĩnh vực ưu tiên này sẽ tác động không nhỏ đến tỷ lệ NIM của nhiều ngân hàng, liệu các nhà băng có giảm lãi suất huy động để cân đối đầu vào hay không trong khi vẫn đang cạnh tranh gay gắt với từng “chấm” lãi suất và rất nhiều chương trình khuyến mãi tung ra?

Tỷ lệ NIM của các ngân hàng trong năm 2016
ĐVT: %
NIM đo lường chênh lệch giữa thu nhập lãi (cho vay, đầu tư… - đầu ra) và chi phí lãi phải trả (huy động, trái phiếu… - đầu vào) của ngân hàng.

Hiện tăng trưởng cho vay đang cao hơn huy động vốn, tính đến 20/06/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5.89% (cùng kỳ năm trước tăng 8.23%), trong khi đó tăng trưởng tín dụng đạt 7.54%. Mặc dù hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản nhưng theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia là được hỗ trợ nhiều từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước khi giải ngân vốn đầu tư ngân sách chậm. Các ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư nên để giải bài toán cạnh tranh huy động vốn với cân đối lợi nhuận là không hề dễ.

Cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, phân khúc khách hàng mục tiêu của các ngân hàng đều không giống nhau. Với các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, trọng trách gánh nặng hơn lên vai các “ông lớn” Agribank, Vietcombank, BIDV hay VietinBank.

Khi chính thức công bố giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn, Agribank cho biết sẽ chủ động, mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tính đến 31/05/2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 800,000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.

Với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần còn lại, tác động của việc giảm lãi suất cho vay còn tùy thuộc nhiều vào tỷ trọng cho vay những lĩnh vực ưu tiên của từng ngân hàng.

Như trường hợp của VPBank đã ngay lập tức giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (áp dụng cho khách hàng cá nhân) ngay từ ngày 13/07/2017. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng tại VPBank giảm 0.1% xuống còn 4.8-6.1%/năm.

Còn tại Ngân hàng SCB, ông Chiêm Minh Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ cho biết về lãi suất đầu vào, SCB luôn tuân thủ theo đúng mức trần quy định của NHNN đối với kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên đối với các kỳ hạn khác, SCB cân đối với lãi suất thị trường, tuân thủ theo quy tắc lãi suất đầu vào hợp lý nhằm có lãi suất đầu ra thích hợp. Trong quá trình hoạt động, SCB tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đó, việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn vừa qua không làm giảm đi lợi nhuận ngân hàng. Ông Dũng cũng cho biết thêm, đối với các lĩnh vực ưu tiên, SCB đã có những sản phẩm, chính sách dành cho đối tượng khách hàng này nhưng hiện tại Ngân hàng chưa có nhiều khách hàng tham gia các lĩnh vực này.

Ở một động thái khác, HDBank ngay từ ngày 10/07 lại tăng lãi suất huy động tiền gửi từ 0.3-0.5% với kỳ hạn 1-5 tháng lên 5.5%/năm (tuy nhiên kỳ hạn 13 tháng lại giảm 0.2% xuống 7.2%, kỳ hạn 15 tháng giảm 0.05% xuống 7.4%). Còn Ngân hàng Eximbank triển khai chương trình mới áp dụng từ 18/07 với lãi suất (trả lãi cuối kỳ) tăng 0.7-1% so với mức thông thường trước đó lên 5.4-5.5% kỳ hạn 1-3 tháng, 6.6% kỳ hạn 6 tháng và 6.9% kỳ hạn 12 tháng./.

Các tin tức khác

>   Tổ chức thẻ Visa thăm và làm việc với Sacombank (27/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng (27/07/2017)

>   Chuyển động giao dịch VPBank: Tiếp nối con sóng gom hàng khủng trước giờ chào sàn (26/07/2017)

>   Doanh nghiệp siêu nhỏ: Không còn khó khăn khi vay vốn ngân hàng (27/07/2017)

>   Sacombank thôi nhiệm Phó TGĐ Dương Hoàng Quỳnh Như (27/07/2017)

>   Tội phạm ngân hàng nhiều do sở hữu chéo, lợi ích nhóm (26/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng, ngân hàng giữ nguyên giá USD (26/07/2017)

>   Triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” (26/07/2017)

>   Cảnh báo chất lượng quản lý rủi ro tài chính (26/07/2017)

>   Từ lãi suất USD 0% đến kỷ lục 42 tỷ USD dự trữ ngoại hối (25/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật