Thứ Năm, 27/07/2017 13:15

Bức tranh tín dụng tiêu dùng

Sự phát triển của cho vay tiêu dùng là điều kiện thiết yếu để đẩy lùi các hoạt động tín dụng đen trong nền kinh tế.

Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất tín dụng cho hoạt động kinh doanh nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với lãi suất mà người dân phải trả khi vay tín dụng đen. Tuy nhiên, xu hướng phát triển gần đây của cho vay tiêu dùng đặt ra một số thách thức cần lưu ý.

Tiềm năng phát triển từ cả phía cầu lẫn phía cung

Hiện nay, ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng (TDTD) có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển, xét trên cả hai phía cầu và cung.

Xét về phía cầu, Việt Nam có quy mô dân số trên 92 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.186 đô la Mỹ vào năm 2016 (theo Ngân hàng Thế giới), là một thị trường tiêu dùng rất lớn. Thêm vào đó, quy mô của thị trường này tăng liên tục và ổn định với tốc độ tăng trung bình trên 6%/năm trong vòng 30 năm qua. Tăng trưởng thu nhập khá cao và ổn định làm kỳ vọng về thu nhập trong tương lai có độ tin cậy cao; kinh tế vĩ mô ổn định làm cho rủi ro vay nợ giảm là hai yếu tố quan trọng để người dân sẵn sàng tăng vay nợ để tiêu dùng. Cơ cấu dân số trẻ với 70% nằm trong độ tuổi 15-64 cũng là yếu tố thuận lợi cho việc phát triển TDTD, do họ luôn sẵn sàng vay để chi tiêu.

Nếu lấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng như là biến đại diện cho mức độ tiêu dùng của nền kinh tế, thì tỷ trọng tiêu dùng của Việt Nam liên tục tăng cao, từ 52,5% vào năm 2005 lên đến đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Giai đoạn 2010-2016 nền kinh tế rơi vào suy giảm tăng trưởng và tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012 nhưng từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016 (nếu trừ chênh lệch tiêu dùng của người nước ngoài ở Việt Nam với tiêu dùng của người Việt ở nước ngoài thì tỷ lệ trên cũng còn đến 76,4% GDP).

Phát triển thị trường cho vay tiêu dùng cần phải phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để làm sao tiêu dùng là động lực thúc đẩy đầu tư trong nước chứ không phải tiêu dùng làm suy giảm đầu tư.

Theo số liệu của cơ quan thông tin kinh tế EIU của tạp chí The Economists thì tổng mức tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân ở Việt Nam năm 2015 chiếm khoảng 67% GDP. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Singapore là 37%, Anh là 65%, Đức là 54% và Nhật Bản là 59%. Tại các nước châu Á thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất (xem biểu đồ).

Xét về phía cung, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã giúp các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng giải quyết được hai vấn đề cơ bản trong phát triển thị trường cho vay tiêu dùng, đó là: tiếp cận khách hàng và đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng. Báo cáo của Công ty Appota công bố ngày 25-4-2017 cho thấy, Việt Nam có hơn 49 triệu người kết nối Internet (52% dân số), 38 triệu người dùng mạng xã hội và phần lớn những người sử dụng Internet và mạng xã hội là giới trẻ. Thông qua Internet và mạng xã hội, các bên cung cấp dịch vụ TDTD dễ dàng tiếp cận được khách hàng của mình hơn rất nhiều so với trước kia. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng cho phép các tổ chức cung cấp TDTD có thể thu thập được những thông tin cần thiết về khách hàng một cách nhanh nhất và nhờ đó ra quyết định cho vay nhanh chóng nhưng lại giảm thiểu được rủi ro cho vay. Thêm vào đó, tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang tăng trưởng chậm lại gây áp lực lên các tổ chức tín dụng, khiến họ chuyển hướng dần sang phát triển cho vay tiêu dùng để bù đắp cho sự giảm sút này.

Trong giai đoạn 2011-2014 tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt xấp xỉ 30%/năm, và tăng vọt lên 59% vào năm 2015 trước khi giảm xuống còn 10,8% vào năm 2016. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng được cấp cho khách hàng năm 2015 là 583.000 tỉ đồng, tương đương với 20,5% giá trị tiêu dùng cuối cùng của cá nhân và hộ gia đình. Nếu không tính các khoản vay mua nhà và sửa chữa nhà ở (như thông lệ thống kê của các nước) thì tổng mức dư nợ cho vay tiêu dùng năm 2015 đạt 272.241 tỉ đồng, tương đương 6,62% GDP. Tỷ lệ này vượt qua Trung Quốc (6%) và Nhật Bản nhưng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác như Mỹ (17%), châu Âu (14%), Hàn Quốc (trên 20%).

Thách thức kiểm soát rủi ro vĩ mô và vi mô

Trên khía cạnh vĩ mô, Việt Nam đang là nước tiêu dùng cao, cho vay tiêu dùng tăng nhanh càng đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng. Khi tiêu dùng cao thì tỷ lệ tiết kiệm trong nước sẽ giảm xuống, làm cho đầu tư nội địa cũng giảm xuống và kết quả là tăng trưởng kinh tế giảm xuống (nếu các điều kiện khác không thay đổi). Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, sự gia tăng của tiêu dùng nội địa sẽ chủ yếu được đáp ứng bằng nhập khẩu hơn là kích thích đầu tư trong nước để đáp ứng nhu cầu đó. Thị trường ô tô Việt Nam là một ví dụ cụ thể về trường hợp này. Nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng mạnh ở Việt Nam trong 20 năm qua nhưng hầu như không làm thay đổi năng lực sản xuất ô tô nội địa tại Việt Nam. Như vậy, cầu tiêu dùng chủ yếu rò rỉ ra thị trường nước ngoài mà không có tác động nhiều làm tăng trưởng kinh tế trong nước. Như vậy, phát triển thị trường cho vay tiêu dùng cần phải phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để làm sao tiêu dùng là động lực thúc đẩy đầu tư trong nước chứ không phải tiêu dùng làm suy giảm đầu tư.

Nghiên cứu của chúng tôi về sản lượng tiềm năng cho thấy, Việt Nam đang tiệm cận mức sản lượng tiềm năng và định hướng chính sách cần nhằm vào cải thiện về cung chứ không phải cầu, tức là cần tăng tiềm năng cạnh tranh của nền kinh tế hơn là tăng nhu cầu để khuyến khích mở rộng sản xuất.

Trên khía cạnh vi mô, tốc độ tăng cho vay tiêu dùng đã giảm mạnh trong năm 2016 cho thấy áp lực cạnh tranh bắt đầu tăng lên. Dưới áp lực cạnh tranh giành thị phần, các tổ chức cho vay tiêu dùng thường có xu hướng chạy đua theo số lượng và không quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực an toàn. Bài học kinh nghiệm về khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc năm 2003 là một ví dụ điển hình. Khi các tổ chức cho vay tiêu dùng gia tăng cho vay mà không tính đến khả năng trả nợ của khách hàng sẽ dẫn đến việc vay nợ quá mức và khách hàng sẽ bị rơi vào bẫy nợ nần. Đặc biệt là tại Việt Nam, khi người đi vay chủ yếu là người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Họ không có đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và rất dễ sa vào bẫy nợ nần. Khi hàng loạt khách hàng rơi vào bẫy nợ nần và không có khả năng trả nợ thì chính bản thân các tổ chức tín dụng cũng sẽ phải trả giá vì không thể thu lại các khoản cho vay.

Do đó, để cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, không chỉ cần có hành lang pháp lý bảo vệ các tổ chức cho vay tiêu dùng mà còn phải đặt yêu cầu bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao. Các nước có những quy định khác nhau trong bảo vệ người đi vay mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm. Quy định của Malaysia đối với thẻ tín dụng: hạn mức tín dụng không được quá hai lần thu nhập hàng tháng của chủ thẻ, số thẻ được sở hữu trên toàn hệ thống phụ thuộc vào mức thu nhập chủ thẻ (36.000 RM/năm thì không được mở quá hai thẻ). Brunei quy định tổng dư nợ tín dụng tại tất cả các ngân hàng của một cá nhân không được quá 60% thu nhập hàng năm. Singapore quy định các tổ chức tín dụng phải thông báo đầy đủ các rủi ro trong việc cho vay quay vòng, cho vay mua nhà thế chấp...

Các nước cũng yêu cầu các thông tin trên hợp đồng tín dụng phải rõ ràng, dễ hiểu và phải đảm bảo người vay nợ hiểu hết các điều khoản ghi trong hợp đồng trước khi cầm bút ký vay nợ. Hầu hết các nước đều quy định cấm đưa các thông tin khó hiểu, mập mờ hoặc sai lệch đối với khách hàng.

http://www.thesaigontimes.vn/162924/Buc-tranh-tin-dung-tieu-dung.html

Các tin tức khác

>   Bài toán cân đối lợi nhuận - Ngân hàng có giảm lãi suất huy động? (27/07/2017)

>   Tổ chức thẻ Visa thăm và làm việc với Sacombank (27/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng (27/07/2017)

>   Chuyển động giao dịch VPBank: Tiếp nối con sóng gom hàng khủng trước giờ chào sàn (26/07/2017)

>   Doanh nghiệp siêu nhỏ: Không còn khó khăn khi vay vốn ngân hàng (27/07/2017)

>   Sacombank thôi nhiệm Phó TGĐ Dương Hoàng Quỳnh Như (27/07/2017)

>   Tội phạm ngân hàng nhiều do sở hữu chéo, lợi ích nhóm (26/07/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng, ngân hàng giữ nguyên giá USD (26/07/2017)

>   Triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” (26/07/2017)

>   Cảnh báo chất lượng quản lý rủi ro tài chính (26/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật