Lối đi cho nhà sản xuất nhỏ
Mối quan hệ vốn không cân bằng giữa các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nhỏ đang dần thay đổi khi có thêm nhiều hệ thống siêu thị ra đời. Với bối cảnh mới này, các doanh nghiệp nhỏ được nhận định sẽ có cơ hội đến với hàng trăm triệu người tiêu dùng, không chỉ 95 triệu người tại Việt Nam nếu chấp nhận đi đường vòng, lấy ngắn nuôi dài.
Bộ phận phụ trách thu mua của Lotte Mart đến từ Hàn Quốc làm việc với đại diện Công ty Gỗ Đức Thành để tìm kiếm các sản phẩm từ Việt Nam xuất khẩu vào hệ thống siêu thị này. Ảnh: Minh Tâm
|
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (SanHaFood), nhận xét các nhà bán lẻ nước ngoài ở thời điểm hiện tại đã thay đổi cách làm so với lâu nay. Theo đó, họ đã tỉ mỉ hơn, tìm hiểu người tiêu dùng kỹ hơn và đã đồng hành với các nhà sản xuất nhỏ hơn. Đây là những nhà bán lẻ có kinh nghiệm, chuyên môn toàn cầu nên các doanh nghiệp nhỏ khi hợp tác làm ăn sẽ học hỏi được rất nhiều để hoàn thiện sản phẩm cũng như quản trị của mình. Vấn đề là doanh nghiệp phải tự tin, thẳng thắn, chịu học hỏi.
Nhỏ phải có võ
Ông Nguyễn Vũ Thuận, Giám đốc phụ trách việc mua thực phẩm, trưng bày của hệ thống siêu thị MM Mega Market (tiền thân là Metro Cash & Carry), cho biết chính sách của nhà bán lẻ Thái Lan hiện hành là ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và một trong những biểu hiện của chính sách này là việc ưu tiên lựa chọn các nhà sản xuất chưa có thương hiệu để hợp tác làm hàng nhãn riêng (mang thương hiệu của siêu thị nhưng gia công tại nhà sản xuất) và hai bên cùng đứng tên trên sản phẩm. Nhà bán lẻ sẽ thực hiện giám sát nhà máy, tư vấn hoàn thiện quy trình sản xuất, trình bày bao bì... Nhờ vậy, các nhà sản xuất sẽ hiểu được cách nhà bán lẻ vận hành, hiểu về ngành hàng, về thị trường, những kiến thức mà doanh nghiệp có thể thiếu hụt khi quá chăm bẵm vào sản xuất. Qua quá trình này, doanh nghiệp sẽ dần hoàn thiện và từ từ phát triển sản phẩm của mình.
Là một doanh nghiệp đã gia công nhãn hàng riêng cho siêu thị nhiều năm với sản lượng làm cho siêu thị chiếm khoảng 15% tổng hàng tiêu thụ nội địa, ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam (VinaCacao), nhìn nhận làm hàng nhãn riêng là kế “đứng trên vai người khổng lồ”. Theo ông đây chính là cơ hội cho những người sản xuất nhỏ được xuất hiện trên sân khấu, thay vì chỉ “quanh quẩn trong cánh gà khi chưa tạo dựng được thương hiệu. Qua quá trình này, doanh nghiệp học hỏi để “khôn lên” và từ từ chuyển thành thương hiệu của mình. Tất nhiên, ảnh hưởng mà doanh nghiệp phải gánh chịu là các sản phẩm hiện có, giống với hàng nhãn riêng của nhà sản xuất sẽ không có cơ hội xuất hiện trên quầy kệ của siêu thị.
Tuy nhiên, để không bị nhà bán lẻ “bóp chết” thì doanh nghiệp nhỏ phải “có võ”. Theo ông Liêng, với những nhà sản xuất công nghệ phẩm thì đó chính là việc phải hiểu rõ điều kiện pháp lý sản xuất, nắm chắc trong tay nguyên lý sản phẩm. “Vấn đề là, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là của nhà sản xuất chứ không phải nhà bán lẻ. Đây chính là hai cơ sở pháp lý mạnh mẽ để thương lượng khi hợp tác. Còn chuyện bị đẩy hàng tương tự khỏi quầy kệ, ưu tiên hàng nhãn riêng thì đương nhiên. Trong trường hợp này thì phải tạo ra sản phẩm khác biệt. Muốn vậy thì khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm phải mạnh, nắm được khẩu vị khách hàng”, ông Liêng nói với TBKTSG.
Cũng theo ông Liêng, trong xu hướng hữu cơ mà toàn thế giới đang quan tâm thì các doanh nghiệp nhỏ ở lĩnh vực sản xuất liên quan đến nông sản phải lấy được chứng thư Organic của những tổ chức lớn. Đây chính là lợi thế cạnh tranh về nguồn gốc nguyên liệu của những nhà sản xuất Việt Nam vốn không mạnh về công nghệ và cũng không có thương hiệu hàng trăm năm như các tập đoàn trên thế giới.
Đại diện Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (sở hữu chuỗi Lotte Mart) thì khẳng định, một trong những điểm khác biệt, lợi thế cạnh tranh của chuỗi này tại Việt Nam so với các nhà bán lẻ khác là sự hợp tác, đồng hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nguyên tắc quan trọng nhất để một sản phẩm được bày bán tại hệ thống này chính là sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại chứ không phải các yếu tố khác. Tất nhiên, các điều kiện kèm theo sau đó còn là chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh và giao hàng toàn quốc.
Cơ hội đến với thị trường hàng trăm triệu dân
Tháng 6 vừa qua, Lotte Mart đã xuất khẩu lô hàng nhãn riêng thương hiệu Choice L mà hệ thống này hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam sang thị trường Myanmar. Lô hàng lần này gồm 100 mặt hàng có giá trị hơn một tỉ đồng. Trước đó, năm 2016, Lotte Mart Việt Nam đã xuất khẩu sang Lotte Mart Hàn Quốc số hàng trị giá 1.300 tỉ đồng và sang Lotte Mart Indonesia, Lotte Mart Trung Quốc số hàng trị giá 100 tỉ đồng. Những mặt hàng xuất khẩu bao gồm hàng thủy sản, hàng quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Năm 2017 này, theo ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam, công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam phải đạt 2.000 tỉ đồng. Theo đó các mặt hàng thực phẩm tươi sống, gồm cả trái cây như chuối, xoài, thanh long... cũng sẽ được tăng cường bên cạnh các sản phẩm chuyên dùng cho sinh hoạt hàng ngày thuộc nhãn hàng riêng Choice L. Ngoài ra, trong thời gian tới, Lotte Mart cũng sẽ phát triển thêm dòng sản phẩm nhãn hàng riêng mang thương hiệu Choice L Premium bày bán tại các siêu thị tại Việt Nam và xuất khẩu sang các siêu thị cùng hệ thống.
Việc tăng cường xuất khẩu hàng nhãn riêng như Lotte Mart đang làm là một điểm mới trên thị trường. Những năm vừa qua, việc này được thực hiện với các sản phẩm mang thương hiệu chính thức của nhà sản xuất và thường là những cái tên đã ít nhiều ghi dấu trên thị trường trong nước cũng như đã xuất khẩu. Vì vậy, đây được coi là một lối đi cho các nhà sản xuất nhỏ đang làm hàng nhãn riêng bước chân ra thị trường khu vực và thế giới.
Ông Liêng cho biết, theo cách hợp tác này, mỗi tháng công ty ông xuất đi từ một đến hai container loại 20 feet, tuy chưa nhiều nhưng đã mang lại những giá trị nhất định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Vũ Thuận thuộc MM Mega Market, chiến lược của công ty ông là không chỉ phục vụ thị trường 95 triệu dân Việt Nam mà là 600 triệu dân của khu vực Đông Nam Á khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) đã vận hành. Vì vậy, các nhà sản xuất khi đưa hàng vào MM Mega Market Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng mang thương hiệu của mình qua hệ thống điểm bán của nhà bán lẻ. Bên cạnh đó, những nhà sản xuất nhỏ hợp tác làm hàng nhãn riêng cũng có cơ hội tương tự khi nhà bán lẻ cung cấp hàng cho hệ thống ở các quốc gia khác nhau. Trong thời gian qua, theo ông Thuận, các sản phẩm rau củ quả do các nông hộ ở Đà Lạt, Lâm Đồng sản xuất (có sự hỗ trợ về quy trình sản xuất của MM Mega Market) đã được xuất sang các siêu thị trong tập đoàn. Công ty này cũng đã kết nối với doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 1.200 tấn thanh long sang 700 siêu thị Big C tại Thái Lan (có chung chủ sở hữu với MM Mega Market và khác chủ sở hữu với hệ thống Big C Việt Nam) và đang tiếp tục để đưa các mặt hàng khác như cá ba sa phi lê đông lạnh, trái bơ, khoai lang giống Nhật...
Tuy nhiên, đại diện MM Mega Market nhận xét, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam lại chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường xuất khẩu đang hướng tới. Do vậy, nhà bán lẻ này vừa kết nối vừa phải tư vấn về chất lượng, quy cách, bao bì... để hoàn thiện sản phẩm, phù hợp với thị trường.
Ông Yoon Byung Soo lưu ý, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu mà nhà bán lẻ mang đến, các nhà sản xuất cần phải tập trung cải thiện hai vấn đề: chất lượng đồng nhất và bao bì, đóng gói tốt hơn. Đây là hai yếu tố mà các nhà sản xuất nhỏ và vừa đang rất yếu. Chẳng hạn như câu chuyện bao bì, các doanh nghiệp ở Việt Nam thường sử dụng những màu chói như đỏ, xanh, trong khi xu thế của thế giới chủ yếu chỉ sử dụng màu đen hoặc một đến hai màu không quá chói. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng cần phải có giá cả cạnh tranh hơn các nước trong khu vực cũng như hiểu được thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu.
http://www.thesaigontimes.vn/162175/Loi-di-cho-nha-san-xuat-nho.html
|