Vốn đầu tư công: Nghẽn từ đầu vào, nền kinh tế mất cả triệu tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, nếu các đơn vị đủ hồ sơ thì ngành tài chính cam kết có thể giải ngân vốn đầu tư xây dựng trong một ngày. Thế nhưng, thực tế, sau nửa năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt 30% dự toán.
Hệ quả, như lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, có hàng trăm nghìn tỷ đồng bị tồn lại. Thậm chí, nếu tính rộng hơn, con số này lên tới triệu tỷ đồng.
Trách nhiệm ở hai bộ
Báo cáo tại buổi sơ kết ngành tài chính 6 tháng sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tính toán, sau 6 tháng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước mới đạt 29,5%.
Thậm chí, theo báo cáo, với vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch mới giao được 10,4% dự toán. Tiến độ giải ngân nguồn vốn này thậm chí đạt khoảng 1,8% dự toán. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức giải ngân này là kém xa bởi 6 tháng năm 2016, giải ngân từ vốn trái phiếu Chính phủ đạt 21,8% dự toán.
Nguyên nhân chủ yếu được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu lên là do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn. Thậm chí theo ông, tới hết tháng Tư năm nay, vẫn còn tới 3.600 tỷ đồng chưa giao kế hoạch.
Ngoài ra, nguyên nhân khác được Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải tổng kết là một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu,...
Ở góc độ địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự bức xúc về việc chậm bố trí vốn đầu tư công. Theo ông, việc quyết định bố trí vốn năm 2017 được tiến hành muộn nên khó giải ngân. Thậm chí, ông khẳng định, tới 28/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có quyết định giao vốn cho thành phố.
Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá đây là một trong những điểm yếu then chốt của cơ quan chức năng và có tác động tiêu cực tới sản xuất, thu ngân sách và cả thu nhập người lao động.
Theo Phó Thủ tướng, nếu tính cả vốn năm trước chuyển sang năm nay thì hiện đang có khoảng 300.000 tỷ đồng tồn lại. Ông khẳng định, đây chỉ là “vốn mồi” để huy động thêm nguồn lực từ xã hội. Bởi vậy, nếu khoản 300.000 tỷ đồng này được đẩy ra, nền kinh tế thậm chí có thể có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Con số này theo ông là lớn bởi GDP từ đầu năm tới nay cũng chỉ khoảng 2 triệu tỷ đồng.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chính, Bộ Tài chính cũng có một phần trách nhiệm ở đây,” Phó Thủ tướng nói.
Không giao hết vốn, đề nghị cắt
Tiếp thu những ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nêu vấn đề, muốn giải ngân thì trước hết phải giao được vốn. Sau khi giao vốn, các đơn vị còn một loạt khâu phải thực hiện như đấu thầu, chọn nhà thầu, xây dựng rồi mới thanh toán vốn.
Trog khi ấy, Bộ trưởng khẳng định “ta giao vốn là quá chậm.” Tình hình theo người đứng đầu ngành tài chính không chỉ mới trong năm nay mà đã xuất hiện từ năm ngoái.
Riêng với vốn từ trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng tính toán, 50.000 tỷ đồng vốn này hiện mới giao được 5.000 tỷ đồng. Với tiến độ ấy, Bộ trưởng nghi ngờ, nếu hiện tại giao vốn thì việc giải ngân chưa chắc có thể xong trong năm nay.
“Nếu để tình trạng này thì không ăn thua, kém hiệu quả,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận ngành tài chính có một phần trách nhiệm trong phối hợp giải ngân vốn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, ngành tài chính cam kết, nếu các đơn vị đủ hồ sơ thì có thể được giải ngân trong một ngày.
Nói về hướng xử lý, Bộ trưởng cho rằng, riêng khoản 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ nếu không giao hết sẽ đề nghị cắt bởi theo ông “đã giao đâu mà triển khai.”
Ông cũng nói thêm, vấn đề này có lẽ chỉ giới hạn thêm một vài ngày nữa tránh tình trạng, để tới cuối năm mới giao rồi kéo dài tới năm sau./.
http://www.vietnamplus.vn/von-dau-tu-cong-nghen-tu-dau-vao-nen-kinh-te-mat-ca-trieu-ty-dong/454607.vnp
|