Sợ minh bạch, nhà đầu tư trì hoãn thu phí tự động không dừng
Báo cáo tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại cuộc họp sáng 5/7, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, thời gian qua Vụ Đối tác công - tư đã mời các nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư ETC họp đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí.
Trong quá trình đàm phán, tất cả các nhà đầu tư BOT đều khẳng định ủng hộ chủ trương áp dụng hình thức thu tự động không dừng. Các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư BOT đều được các bên dự họp thống nhất giải quyết như tiếp nhận các chi phí ETC mà nhà đầu tư BOT đã đầu tư, mức phí dịch vụ bằng từ 50- 70% mức quản lý thu trong hợp đồng BOT, tiếp nhận nhân sự hiện có tại các trạm BOT.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ thu giá.
"Đến nay, mới hoàn thành lắp đặt 13 trạm thu phí và vận hành chạy thương mại 8 trạm. Vụ Đối tác công - tư kiến nghị bộ trưởng yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ với công ty TNHH thu phí tự động (VETC) trước 15/7 để VETC lắp đặt và triển khai trước 15/8/2017. Đồng thời giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện đảm bảo tiến độ", ông Nguyễn Viết Huy nói.
Tiến độ này chậm 3 tháng so với yêu cầu của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, hoàn thành việc ký hợp đồng dịch vụ tất cả các trạm trước ngày 30/4.
Theo đại diện công ty VETC, bên cạnh các trạm đã lắp đặt và vận hành thương mại, hiện công ty đang triển khai lắp đặt hệ thống tại trạm Phước Tượng - Phú Gia. Dự kiến trong tháng 8/2017 sẽ đưa vào vận hành thương mại và đã ký kết hợp đồng dịch vụ với 6 nhà đầu tư BOT.
Đối với các nhà đầu tư BOT khác, VETC cũng đã thực hiện tiếp xúc và đàm phán, nhưng một số các nhà đầu tư BOT đã đưa ra các lý do khác nhau nhằm trì hoãn quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng một trong những nguyên nhân chậm thu phí tự động không dừng chính là sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT và nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai sẽ tiếp tục bị chậm trễ. Nếu không kiểm điểm lại cách thức làm việc thì đề xuất của Vụ Đối tác công tư hoàn thành việc ký hợp đồng dịch vụ trước 15/7 sẽ khó thực hiện.
Bộ trưởng cho biết mình đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc kiến nghị của người dân và doanh nghiệp khi hệ thống này được triển khai và sử dụng hết sức thuận lợi ở Tây Nguyên thì tại các thành phố lớn lại chưa sử dụng được. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ này của xã hội là rất lớn.
"Mục đích cuối cùng của chúng ta là cải thiện các điều kiện cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội và hướng tới những những người tham gia giao thông, đó là những nguyên tắc bất di bất dịch", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Do đó, Bộ trưởng Nghĩa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm trực tiếp về hợp đồng cung cấp dịch vụ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Vụ PPP hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi của các bên theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các nhà đầu tư BOT tập trung ký và triển khai hợp đồng đúng tiến độ do Bộ đặt ra, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
http://vneconomy.vn/thoi-su/so-minh-bach-nha-dau-tu-tri-hoan-thu-phi-tu-dong-khong-dung-20170705041546972.htm
|