Thứ Năm, 01/06/2017 10:13

Vốn lại chảy mạnh vào ngân hàng?

Mặc dù tín dụng tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay, nhưng thanh khoản của hệ thống vẫn ổn định, thậm chí những diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu, thị trường mở và thị trường liên ngân hàng còn cho thấy dấu hiệu thanh khoản đã dồi dào trở lại.

Những dấu hiệu cho thấy thanh khoản dồi dào

Lãi suất liên ngân hàng đang giảm nhanh trong những ngày gần đây, diễn biến trên có dấu hiệu tương tự như cùng kỳ năm 2016, khi ở mức cao đầu năm và sau đó giảm nhanh về mức thấp kể từ tháng 5 trở đi. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy thanh khoản ngân hàng đang dồi dào trở lại. Cụ thể theo thống kê của NHNN đến ngày 26/5 lãi suất qua đêm đã giảm từ mức cao trên 4% về còn 2.84%, là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2017 đến nay; lãi suất kỳ hạn 1 tuần ở 2.93%; 2 tuần giảm còn 3.13%; 1 tháng giảm còn 3.55%.

Do lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 (huy động từ dân cư) thường bị kiểm soát và điều chỉnh theo các mệnh lệnh hành chính hoặc các chính sách quy định về trần lãi suất, nên lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 (liên ngân hàng) đôi khi không liên thông với nhau, trong khi lãi suất trên thị trường 2 thường phản ánh chính xác hơn nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng, do đó với diễn biến lãi suất trên thị trường 2 giảm nhanh cho thấy khả năng thanh khoản của hệ thống đang dồi dào trở lại.

Ngoài dấu hiệu trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ có tỷ lệ thành công ở mức cao cũng cho thấy mức độ vốn dồi dào của các ngân hàng. Từ đầu năm đến 29/5, lượng trái phiếu phát hành thành công trên thị trường sơ cấp là hơn 115 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu lên đến 77%, trong khi tỷ lệ đăng ký đặt thầu/ giá trị gọi thầu ở mức rất cao là 244%. Đáng lưu ý là các phiên đấu thầu trái phiếu dài hạn có tỷ lệ thành công cao hơn ngắn hạn, dù lãi suất các phiên trúng thầu gần đây tiếp tục giảm xuống.

NHNN cũng đã giảm lượng thanh khoản hỗ trợ cho các ngân hàng qua thị trường mở và liên tục hút ròng trên thị trường tín phiếu trong các tuần gần đây. Tính đến 26/5, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố đứng ở mức 2,175 tỷ đồng và sẽ đáo hạn toàn bộ trong tuần này, trong khi thời điểm đầu năm nay lượng vốn lưu hành trên kênh này lên đến vài chục nghìn tỷ đồng, có thời điểm lên cả trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Nếu thanh khoản tiếp tục dư thừa, không loại trừ khả năng NHNN quay trở lại phát hành tín phiếu với số lượng lớn để hút tiền về, điều đã xảy ra trong năm 2016.

Dòng vốn chảy mạnh vào ngân hàng?

Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất huy động thị trường 1 của các ngân hàng lớn vẫn ổn định ở mức thấp thì lãi suất của các ngân hàng nhỏ tiếp tục điều chỉnh tăng lên ở các kỳ han ngắn lẫn trung dài hạn, điều này giúp dòng vốn từ khu vực dân cư ưu tiên ưu tiên lựa chọn các ngân hàng nhỏ, thậm chí một số khách hàng có thể chọn rút tiền từ các ngân hàng lớn sang các ngân hàng nhỏ để được hưởng lãi suất cao lên.

Theo thông lệ hàng năm cho thấy kể từ quý 2 trở đi, dòng vốn thường chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng, sau khi tăng chậm trong quý 1 trước đó. Đặc biệt với diễn biến thị trường ngoại hối ổn định, cụ thể tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay chỉ tăng hơn 1%, trong khi tỷ giá niêm yết của các NHTM thậm chí còn giảm so với đầu năm, dẫn đến kênh đầu tư ngoại hối gần như không có sóng do đó khó thu hút nhà đầu tư. Thực tế cũng cho thấy nguồn vốn huy động VNĐ của các ngân hàng tăng, nhưng huy động ngoại tệ lại giảm cho thấy dòng vốn tiếp tục dịch chuyển từ ngoại tệ sang VNĐ.

Thị trường vàng trong nước cũng tiếp tục trầm lắng, dù giá vàng thế giới có những giai đoạn phục hồi đáng kể nhưng giá vàng trong nước ít có sự biến động. Hiện tại giá vàng thế giới đang giao dịch quanh 1,265 USD/ oz, tuy nhiên giá vàng SJC trong nước chỉ giao dịch quanh 36.5 triệu/ lượng kể từ đầu tháng 5 đến nay, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay đã thu hẹp đáng kể chỉ còn quanh 1,6 triệu/ lượng, cho thấy rủi ro thu hẹp chênh lệch giá khi đầu tư vào vàng miếng trong nước là khá cao.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đang ở vùng kỷ lục và có thể đối mặt với rủi ro điều chỉnh trở lại, trong khi thị trường bất động sản quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh đã nguội trở lại sau khi Chính quyền thành phố cho biết chưa có định hướng chuyển đổi các huyện xung quanh lên quận. Với các kênh đầu tư trên đang có nhiều hạn chế thì kênh tiền gửi ngân hàng có thể tiếp tục được ưu tiên lựa chọn, nhất là khi lạm phát những tháng gần đây cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt càng giúp kênh tiền gửi ngân hàng tăng sức hấp dẫn.

Theo Tổng cục thống kê, lạm phát tháng 5 đã giảm 0.53% so với tháng trước và chỉ còn tăng 3.19% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay. Lạm phát đã hạ nhiệt dần kể từ tháng 2 đến nay khi có mức tăng so với tháng trước giảm dần qua các tháng, cụ thể tháng 1 tăng đến 0.46% so với tháng 12/2016, nhưng đến tháng 2 chỉ còn tăng 0.23% so tháng 1, tháng 3 tăng 0.21%, tháng 4 đứng yên và tháng 5 vừa rồi giảm mạnh đến 0.53%.

Các ngân hàng nhỏ có lợi thế về lãi suất giúp thanh khoản cân bằng

Thông thường lãi suất trên thị trường 2 được xác định bởi các ngân hàng lớn do là những người cho vay chủ chốt trên thị trường nhờ có nguồn vốn dồi dào, do đó lãi suất liên ngân hàng sẽ ở mức cao khi nhu cầu vốn từ các ngân hàng nhỏ lên cao. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất huy động thị trường 1 của các ngân hàng lớn vẫn ổn định ở mức thấp thì lãi suất của một số ngân hàng nhỏ tiếp tục điều chỉnh tăng lên ở các kỳ hạn ngắn lẫn trung dài hạn, điều này giúp dòng vốn từ khu vực dân cư ưu tiên lựa chọn các ngân hàng nhỏ, thậm chí một số khách hàng có thể chọn rút tiền từ các ngân hàng lớn sang các ngân hàng nhỏ để được hưởng lãi suất cao hơn.

Diễn biến trên được duy trì sẽ giúp thanh khoản của các ngân hàng cân bằng trở lại. Và với nguồn vốn huy động từ thị trường 1 tăng ổn định, các ngân hàng nhỏ sẽ giảm động lực vay mượn trên thị trường 2 từ đó đẩy lãi suất trên thị trường này giảm trở lại. Thống kê cho thấy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống chậm hơn cho vay. Trong khi hoạt động tín dụng thể hiện sự tăng trưởng tốt ở cả VNĐ và ngoại tệ, thì ở tăng trưởng huy động vốn sự sụt giảm của nguồn vốn ngoại tệ đã làm tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn nói chung bị giảm xuống, dù tăng trưởng tiền gửi VNĐ vẫn thể hiện sự tích cực.

Với thanh khoản VNĐ dồi dào nếu hỗ trợ lãi suất trên thị trường 2 duy trì xu hướng giảm, thì thời gian tới sẽ lan tỏa sang thị trường 1, dẫn đến các ngân hàng có cơ hội tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay hoặc thậm chí có cơ hội giảm thêm theo định hướng của nhà điều hành.

Các tin tức khác

>   Nháo nhào vì bị ‘dọa’ đóng tài khoản ngân hàng (01/06/2017)

>   Điều chỉnh vốn một số dự án (31/05/2017)

>   Ba phiên liền ngân hàng không cần “vay nóng” (31/05/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh (31/05/2017)

>   Lãi suất ngân hàng liệu có giảm thêm trong năm nay? (31/05/2017)

>   Tỷ giá trung tâm ngày 31/5 lên mức 22,396 đồng/USD (31/05/2017)

>   NamABank thu hút hơn 26,000 khách hàng trong ngày hội bán hàng 2017 (31/05/2017)

>   Moody’s nâng xếp hạng BCA của Vietcombank lên “b1” (30/05/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tiếp tục phá đỉnh, USD ngân hàng đi xuống (30/05/2017)

>   Sacombank sẽ giải quyết các tồn đọng như thế nào? (30/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật