Sacombank sẽ giải quyết các tồn đọng như thế nào?
Quá trình xử lý sau sáp nhập đã ảnh hưởng đến Sacombank với lợi nhuận trước thuế hợp nhất kiểm toán năm 2016 chỉ còn hơn 155 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì là hoạt động dịch vụ, hệ thống mạng lưới, khách hàng của Sacombank đã tăng trưởng tích cực.
Thông tin từ đại diện Ngân hàng cho thấy, khi có cơ chế và thời gian, Sacombank sẽ rút ngắn xử lý các tồn đọng xuống còn 3-5 năm.
Điểm nhấn từ hoạt động dịch vụ
Trong năm 2016, thu nhập từ lãi và các khoản tương tự của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) đạt 17,868 tỷ đồng, giảm khoảng 1,000 tỷ đồng so với BCTC trước kiểm toán. Đại diện HĐQT của nhà băng này cho biết, hoạt động chủ lực của Ngân hàng là cho vay vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên năm 2016 Sacombank đã dừng lãi dự thu từ năm 2015 cùng với việc thoái lãi dự thu từ việc bán nợ cho VAMC.
Theo đó, kế hoạch ban đầu của Sacombank là dừng các khoản lãi dự thu đến tháng 3/2016, còn đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt dừng các khoản dự thu đến cuối năm 2015 (tạm khoanh lại các khoản dự thu từ 2015 về trước và phân bổ theo thời gian) nên Ngân hàng có điều chỉnh lại trên BCTC, dẫn đến chênh lệch so với trước kiểm toán. Khoản chênh lệch này chỉ là về hạch toán, còn xét về dòng tiền, khoản thu nhập lãi thực nhận trong năm của Sacombank là 17,851 tỷ đồng, không chênh bao nhiêu so với trước kiểm toán.
Trong hoạt động này, thu nhập lãi thuần của Sacombank đạt hơn 4,020 tỷ đồng.
Đặc biệt, thu dịch vụ của Sacombank có sự tăng trưởng nổi bật 22% với khoản lãi 1,430 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22% (tăng tỷ trọng 8% so với đầu năm), chủ yếu tăng ở mảng khách hàng cá nhân, ngân hàng điện tử, thẻ giúp tăng thị phần của Ngân hàng.
Trong đó, hoạt động thẻ của Ngân hàng vẫn nằm trong top 5 trên thị trường, lượng khách hàng tăng hơn 620,000 người, số lượng khách hàng hiện hữu hơn 3.3 triệu người, tăng trưởng 23%. Thu từ dịch vụ thẻ rút ngắn khoảng cách đáng kể so với thu dịch vụ các mảng khác và đạt 395 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận thẻ của Sacombank đạt 427 tỷ, tăng 39% so với năm 2015.
Về ngân hàng điện tử, tổng số lượng người dùng (user) internet banking thanh toán đạt gần 764,000 user, tăng 46%. Trong năm đã có hơn 1.5 triệu lượt ủy thác thanh toán hóa đơn thành công. Thu từ dịch vụ ngân hàng điện tử của Sacombank đạt 171 tỷ đồng, tăng 47%.
Hoạt động thanh toán nội địa của Ngân hàng đạt doanh số 7.85 triệu tỷ đồng, tăng 22%, phí thanh toán nội địa đạt 451 tỷ đồng, tăng 23%. Sacombank cho biết biểu phí của Ngân hàng được cải thiện giúp thu dịch vụ thanh toán quốc tế đạt 367 tỷ đồng, tăng 14%.
Tổng thu nhập hoạt động trong năm 2016 của Ngân hàng đạt 6,530 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi phí của Sacombank là 5,678 tỷ đồng, còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 696 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết, do trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank phải tập trung mọi nguồn lực nhằm tái cơ cấu, xử lý những tồn đọng một cách triệt để, quy mô lợi nhuận trước thuế 2016 đạt hơn 155 tỷ đồng.
Cần thời gian và cơ chế hỗ trợ
Tính đến cuối năm 2016, toàn hệ thống Sacombank có 564 điểm giao dịch (552 điểm tại Việt Nam, 8 điểm tại Campuchia và 4 điểm giao dịch tại Lào).
Các chỉ tiêu hoạt động chính của Ngân hàng vẫn tăng trưởng đáng kể so với đầu năm. Tổng tài sản của Sacombank đạt 332,023 tỷ đồng, tăng 14%.
Ngân hàng cho biết huy động vốn từ khách hàng cũng tăng trưởng 11.7%, đạt 291,654 tỷ đồng. Trong đó chiếm tỷ trọng 87% là huy động từ dân cư và từ tổ chức kinh tế là 13%. Sacombank cho biết đã thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định về chính sách huy động vốn, kéo giảm lãi suất tại các đơn vị mới sáp nhập xuống ngang với mặt bằng lãi suất chung (từ 6.15% xuống 5.77%).
Dư nợ tín dụng của Sacombank đạt 237,918 tỷ đồng, tăng 18.3%. Ngân hàng cho biết đã giám sát chặt việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, giảm dần tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản (giảm 1.9%) và chứng khoán (giảm 0.2%). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 6.81%. Với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu, Sacombank “nghiêm khắc” hơn với các khoản cho vay mới phát sinh và kiểm soát nợ xấu chỉ 1-1.5%.
Trong năm, Ngân hàng cho biết đã tự xử lý nợ 1,992 tỷ, thu hồi được 516 tỷ đồng trái phiếu VAMC, thu hồi các khoản phải thu quá hạn trong hoạt động đầu tư, thanh lý tài sản đã nhận cấn trừ nợ, thu hồi 540 tỷ đồng.
Sacombank cho biết có thể xử lý được nợ xấu với điều kiện có thời gian và cơ chế hỗ trợ. Trong đó, thời gian theo phương án thận trọng Sacombank trình NHNN phê duyệt là 10 năm (từ 2015 đến 2025). Tuy nhiên, nội bộ Ngân hàng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề cơ bản xuống còn 3-5 năm nếu các điều kiện về kinh tế, vĩ mô và hệ thống ngân hàng thuận lợi, ổn định (sau 3 năm có thể giải quyết khoảng 70% và sau 5 năm cơ bản sẽ xử lý dứt điểm).
Nhiều nợ xấu của Ngân hàng có tài sản đảm bảo là bất động sản, hiện thị trường đang có giao dịch tích cực sẽ giúp Sacombank thu hồi gần đủ nợ gốc và một phần tương đối lãi dự thu.
Các vấn đề chính của đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt cho Sacombank là khoanh lãi dự thu từ 2015, trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản cấn trừ nợ và được phân bổ theo năng lực tài chính của Ngân hàng.
Để giải quyết các vấn đề trên, Sacombank định hướng tiếp tục phát huy thế mạnh của mình từ hệ thống hoạt động, mạng lưới, uy tín, thương hiệu, niềm tin của khách hàng… Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ tập trung nguồn lực xử lý nhanh và hiệu quả tài sản tồn đọng, nợ xấu. Sacombank cho biết NHNN đánh giá tính khả thi của phương án dựa trên nền tảng hoạt động tốt từ nội lực của Ngân hàng và chấp thuận đề án./.
|