Ung dung bán trái phiếu chính phủ
Các ngân hàng, tổ chức tài chính thừa tiền, giá vốn xuống thấp khiến sức cầu trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) không giảm. Bộ Tài chính đã và đang “ung dung” bán TPCP với lãi suất thấp hơn năm trước.
Thị trường thuận lợi
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 6-6-2017, đã có 122 phiên đấu thầu TPCP được tổ chức với tổng khối lượng trúng thầu đạt 121.016 tỉ đồng. Trong số đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 103.396 tỉ đồng, đạt 56,4% kế hoạch năm; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam huy động được 6.220 tỉ đồng và Ngân hàng Phát triển huy động được 11.400 tỉ đồng.
Tuy tổng khối lượng trúng thầu giảm 36% so với cùng kỳ năm 2016 (năm khối lượng TPCP phát hành đạt mức kỷ lục) song một số chỉ tiêu khác lại rất tích cực.
Thứ nhất, về kỳ hạn, tất cả trái phiếu gọi thầu đều có kỳ hạn từ năm năm trở lên. So với năm 2016, kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP đã được kéo dài hơn - đạt 13,8 năm, tăng 5,53 năm. Năm nay, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến trái phiếu kỳ hạn dài. Tỷ lệ trúng thầu của các kỳ hạn từ 15 năm trở lên chiếm tới 45,8% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường. Một trong những nguyên nhân là do sự tham gia tích cực của khối công ty bảo hiểm, vốn ưa thích kỳ hạn dài. Xu hướng này cho thấy cơ cấu nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển tích cực, mở rộng từ khối các ngân hàng sang khối các công ty bảo hiểm và nhà đầu tư khác.
Thứ hai, mức độ quan tâm và nhu cầu của thành viên, nhà đầu tư về TPCP khá cao, thể hiện qua khối lượng đặt thầu toàn thị trường gấp 3,14 lần so với khối lượng gọi thầu, cao hơn so với mức 2,46 lần của cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ trúng thầu trên khối lượng gọi thầu toàn thị trường đạt 76,87%, thấp hơn 5,46% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, kỳ hạn 20 năm có tỷ lệ trúng thầu/khối lượng gọi thầu cao nhất - đạt 94,6%, tiếp đến là kỳ hạn 15 năm - 88,62%, kỳ hạn 30 năm - 87,23%. Tỷ lệ trúng thầu thấp nhất là kỳ hạn năm năm, chỉ đạt 59,3%.
Trong các yếu tố hỗ trợ khiến thị trường TPCP thuận lợi, đầu tiên phải kể đến việc thừa vốn tiền đồng trong các tổ chức tín dụng.
|
Thứ ba, lãi suất trúng thầu trong năm tháng đầu năm 2017 giảm trên tất cả các kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn năm năm giảm từ mức 5,28%/năm cuối năm 2016 xuống còn 5,05%/năm tính đến ngày 6-6-2017 (giảm 0,23%/năm). Các kỳ hạn còn lại có mức giảm từ 0,11-0,71%/năm so với cuối năm 2016. Trong đó, kỳ hạn 20 năm có lãi suất giảm mạnh nhất - giảm 0,71%/năm, tiếp đến là kỳ hạn 15 năm - giảm 0,56%/năm, kỳ hạn 30 năm - giảm 0,43%/năm so với cuối năm 2016. Với kết quả này, Bộ Tài chính đã hạ thấp được đáng kể giá vốn huy động cho ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh bán nhiều hơn các loại trái phiếu dài hạn.
Các yếu tố hỗ trợ khiến thị trường TPCP thuận lợi, đầu tiên phải kể đến việc thừa vốn tiền đồng trong các tổ chức tín dụng (TCTD). Lãi suất liên ngân hàng từ đầu năm đến nay chỉ tăng nhẹ lên mức đỉnh trên 5%/năm rồi giảm liên tiếp trong những tuần qua. Trong hai tuần vừa rồi, giá vốn tiền đồng cho vay lẫn nhau giữa các TCTD giảm với biên độ mạnh 1-2 điểm phần trăm đối với tất cả các loại kỳ hạn. Tất cả các kỳ hạn cho vay hiện đều giảm về 2-2,5%/năm.
Trong xu thế này, lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn và đều đã thấp hơn so với hồi đầu năm.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn đang mua ròng trên 13.000 tỉ đồng trên thị trường TPCP thứ cấp.
Vẫn câu hỏi về tính hiệu quả
Các ngân hàng, tổ chức tài chính đều dự đoán các yếu tố trên thị trường đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà phát hành TPCP. Do vậy, lãi suất trúng thầu trái phiếu các kỳ hạn sẽ đứng ở mức cũ hoặc có xu thế giảm nhẹ, tức Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gặp thuận lợi trong việc thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu nội tệ thu hút vốn cho ngân khố quốc gia.
Vấn đề hiện nay với thị trường TPCP là tốc độ giải ngân vốn vay bằng TPCP vẫn chậm. Tức là, vốn vay rồi, Bộ Tài chính phải trả lãi cho các tổ chức mua TPCP, nhưng tiền vẫn nằm im ở đó chưa đưa vào sử dụng được. Đây là yếu tố mất điểm của TPCP Việt Nam trong mắt nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp và cũng là điểm trừ rất lớn của thị trường.
Theo báo cáo Bộ Tài chính công bố tuần rồi, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 5 ước tính đạt 23.049,7 tỉ đồng, bao gồm: vốn trung ương 5.145 tỉ đồng; vốn địa phương 17.904,7 tỉ đồng. Tính chung năm tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 88.800 tỉ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Tài chính nhận định: “Tình hình giải ngân và thực hiện các nguồn vốn trong năm tháng đầu năm còn chậm, cần tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển”.
Cũng theo báo cáo mới nhất này, trong giai đoạn 2010-2016, Chính phủ đã phát hành trên 1.277.000 tỉ đồng TPCP với tốc độ tăng bình quân 36%/năm, một tốc độ tăng khá lớn so với nhiều quốc gia mặc dù một phần do “kích cỡ” thị trường trái phiếu nội tệ Việt Nam còn tương đối nhỏ. Bên cạnh đó, trong năm tháng đầu năm, tổng vốn ODA, vốn ưu đãi (cam kết) từ các nhà tài trợ nước ngoài đạt 36,6 tỉ đô la Mỹ. Tính đến cuối năm 2016, Bộ Tài chính cho rằng các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội Tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Vấn đề vẫn được dư luận quan tâm hàng đầu hiện nay là ngưỡng nợ công thật sự (được tính toán đầy đủ) của Việt Nam đã tới đâu và hiệu quả sử dụng vốn vay thật sự đang như thế nào, trong đó bao gồm nợ vay qua kênh TPCP.
http://www.thesaigontimes.vn/161645/Ung-dung-ban-trai-phieu-chinh-phu.html
|