Thứ Năm, 01/06/2017 16:01

Tín dụng đen: Ma trận ảo “siết cổ” người vay

Trước hàng loạt thủ tục rườm rà của các ngân hàng thương mại, nhiều người sẵn sàng chấp nhận vay tín dụng đen để lấy vốn sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng dù biết lãi suất cho vay của loại hình này luôn ở mức “cắt cổ”.

Đa số người đi vay tín dụng đen là người có thu nhập thấp, sinh viên, người làm nghề tự do không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập và mục đích sử dụng vốn, hoặc ở những vùng sâu, vùng xa thiếu kiến thức về pháp luật.

Tín dụng đen “giăng bẫy” như rắn bắt mồi, Ảnh: T.L

Tín dụng đen “giăng bẫy” như rắn bắt mồi

Nhanh, gọn, nhẹ và luôn đi kèm rủi ro là những từ được dùng để mô tả sơ lược về thị trường tín dụng đen hiện nay. Người vay chỉ cần có: Chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc những giấy tờ có giá là có thể nhanh chóng vay được số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, chỉ sau 5 phút ‘alo’.

Chính nhờ sự gọn nhẹ này nên tín dụng đen được khá nhiều người lựa chọn và thường giao dịch ở các hình thức như “cắm” giấy tờ cá nhân, sổ đỏ, đăng ký ô tô, xe máy,… với lãi suất 50%, 80% đến vô cùng – tùy đối tượng, tùy hình thức vay.

Tuy nhiên, đi kèm với sự nhanh chóng, gọn nhẹ của hình thức cho vay này là những rủi ro khó lường. Đầu tiên phải kể đến mức lãi suất “trên trời” mà các khách hàng buộc phải chấp nhận khi đi vay và những khoản phí không có trong giấy vay nợ hoặc thỏa thuận ban đầu khiến tiền lãi có khi còn cao gấp 5-7 lần số tiền gốc.

Theo chia sẻ của một số “nạn nhân”, nếu từ chối thanh toán những khoản lãi “trời ơi” không rõ từ đâu đến thì khách hàng sẽ lập tức biến thành “con nợ” và sẽ liên tục bị cảnh cáo, đe dọa bởi dân giang hồ. Nếu “con nợ” chưa kịp trả thì bước tiếp theo sẽ là các biện pháp mạnh hơn như ngày đêm quấy nhiễu, ném chất bẩn vào nhà. Thậm chí có những băng đảng đòi nợ thuê còn kéo đến ăn ở trong nhà con nợ cả tháng trời hoặc mắc võng, làm đám ma giả trước cửa nhà con nợ, thậm chí chém giết, uy hiếp con nợ và người nhà con nợ…

Tuy nhiên, do tín dụng đen là loại hình kinh doanh phi pháp nên khi vướng vào những rắc rối kể trên thì đa số “nạn nhân” cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” hoặc ra sức oằn lưng trả nợ cho các ‘ông trùm’.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban tài chính Quốc Gia, “phía sau tín dụng đen là cả hệ thống đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, gây gánh nặng tâm lý lên toàn xã hội. Họ có thể dùng cả dao búa đè vào cổ người vay bất cứ lúc nào nên nhiều người đã phải bỏ trốn khỏi chỗ ở, thậm chí trốn cả ra nước ngoài. Tín dụng đen là ung nhọt của xã hội”.

Thoát khỏi ‘bóng ma’ mang tên tín dụng đen

Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, để khắc phục tình trạng tín dụng đen lộng hành, quấy nhiễu cuộc sống người dân thì phải có biện pháp giải quyết vấn đề từ gốc, tức là phải khắc phục, giải tỏa nguồn vốn vay cho người dân mà cụ thể là phải thúc đẩy sự tham gia và phát triển của các mô hình công ty tài chính tiêu dùng để người dân có thêm nhiều lựa chọn vay vốn bên cạnh các hình thức truyền thống như ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng nhà nước.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự phát triển của các công ty tài chính sẽ giúp ngăn chặn các hình thức tín dụng đen, giảm thiểu tối đa những hoạt động cho vay bất hợp pháp, bắt chẹt người dân đặc biệt là ở những khu vực khó khăn có nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ dùng cho mục đích tiêu dùng nhanh.

Dù sinh sau đẻ muộn hơn các loại hình tài chính ngân hàng khác, nhưng hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng đã chứng minh được những ưu điểm vượt bậc như cho vay không cần thế chấp, thời gian giải ngân nhanh chóng, thủ tục gọn nhẹ hơn nhiều so với ngân hàng mà chi phí cho vay hợp lý, được NHNN bảo hộ.

Theo ước tính của một số chuyên gia, giá trị tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có thể lên đến 15 tỷ USD/năm và còn tiếp tục tăng nhờ quy mô dân số lớn, tỷ lệ dân số trẻ cao.

Còn theo các số liệu mới nhất, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình ở mức 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3%.

Thông tư 39 và 43 của NHNN về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và cho vay tiêu dùng dù đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản rõ ràng, góp phần thúc đẩy phát triển CTTC bền vững và lành mạnh nhằm mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và nền kinh tế.

TS. Nguyễn Thùy Dung - Viện Quản trị kinh doanh cho hay các CTTC hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Hơn nữa, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi nên đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng trong tương lại gần, vì thế nên cần có động thái giảm lãi suất, tăng chất lượng dịch vụ, đầu tư cho công nghệ và phát triển các điểm giao dịch. Đặc biệt, để vay tiêu dùng lành mạnh có “đất” phát triển tốt, đẩy lùi các hình thức vay vốn phi chính thức tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các cơ quan chức năng nên thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân về tài chính cá nhân”.

http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/tin-dung-den-ma-tran-ao-siet-co-nguoi-vay-669787.bld

Các tin tức khác

>   Tỷ giá trung tâm giữ nguyên, USD ngân hàng giảm nhẹ (01/06/2017)

>   Vốn lại chảy mạnh vào ngân hàng? (01/06/2017)

>   Nháo nhào vì bị ‘dọa’ đóng tài khoản ngân hàng (01/06/2017)

>   Điều chỉnh vốn một số dự án (31/05/2017)

>   Ba phiên liền ngân hàng không cần “vay nóng” (31/05/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh (31/05/2017)

>   Lãi suất ngân hàng liệu có giảm thêm trong năm nay? (31/05/2017)

>   Tỷ giá trung tâm ngày 31/5 lên mức 22,396 đồng/USD (31/05/2017)

>   NamABank thu hút hơn 26,000 khách hàng trong ngày hội bán hàng 2017 (31/05/2017)

>   Moody’s nâng xếp hạng BCA của Vietcombank lên “b1” (30/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật