Pimco: Khả năng xảy ra suy thoái vào năm 2022 là 70%
Nhà đầu tư nên dè chừng một cuộc suy thoái trong 5 năm tới bằng cách tích trữ tiền mặt cho ngày mà cổ phiếu và trái phiếu bị “bán đổ bán tháo” – như chúng thường vẫn bị trong các cuộc suy thoái, Washington Post cho hay.
Đây là một dự báo của Pacific Management Investment Co., hay còn gọi là Pimco, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực quỹ tương hỗ trái phiếu.
Giám dốc điều hành công ty Pimco Emmanuel Roman
|
“Nhà đầu tư nên sử dụng các đợt tăng mang tính chu kỳ để tạo dựng tiền mặt nhằm có cái mà dùng khi các thị trường tiến hành điều chỉnh và các rủi ro được định giá lại”, theo báo cáo triển vọng thực tế thường niên của Pimco vừa được công bố hôm thứ Tư vừa qua.
Công ty đang quản lý lượng tài sản có giá trị lên đến 1.51 ngàn tỷ USD này hiện dự báo xác xuất xảy ra suy thoái trong 5 năm tới là 70%.
Trong ngắn hạn, họ dự báo đề xuất thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ không có nhiều cải cách mà nghiêng về việc cắt giảm thuế.
Mặc dù thế giới đang có sự bấp bênh, nhưng báo cáo của Pimco vẫn nhận thấy đồng euro sẽ tiếp tục tồn tại. Họ cho rằng Italy sẽ ở lại khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone). Ngoài ra, Pimco dự báo nước Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2% và lạm phát 2%.
“Tất cả 3 rủi ro chủ chốt mà chúng tôi thấy sắp xảy ra – đó là tỷ lệ nợ tăng, việc không thể sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ trong cuộc suy thoái kế tiếp và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy – đã trở thành hiện thực hoặc là đã trở nên thực tế hơn. Có ai từng nghĩ rằng nước Anh sẽ chọn cách ủng hộ Brexit, Donald Trump sẽ được bầu làm Tổng thống Mỹ, Italy sẽ không chọn con đường cải cách và các thị trường lại thích những điều đó không chứ?”, báo cáo viết.
Báo cáo trên là sản phẩm của một diễn đàn kéo dài 3 ngày do công ty Pimco tổ chức hồi tháng 5 năm ngoái, bao gồm các nhà đầu tư của công ty, các chuyên gia phân tích, các nhà quản lý và các diễn giả, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ben S. Bernanke, và cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet.
Theo Pimco, giá cổ phiếu và trái phiếu hiện quá đắt vì có “nhiều tin tốt lành” được phản ánh vào thị trường. Các cổ phiếu đã liên tục leo lên những mốc cao kỷ lục suốt vài tháng qua, nhờ được tiếp sức bởi các kỳ vọng rằng Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thị trường cũng được hưởng lợi nhờ lợi nhuận doanh nghiệp trong quý 1 khá mạnh.
Nước Mỹ đã trải qua 11 cuộc suy thoái trong 70 năm qua kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, với lần gần đây nhất là năm 2008. Như vậy, nếu tính theo chu kỳ 5 năm thì 2020 sẽ là đợt tiếp theo.
Pimco, vốn nổi tiếng với các quỹ trái phiếu có thu nhập cố định của mình, cho rằng khi một cuộc suy thoái xảy ra, các chính phủ sẽ hết sức khó khăn để tìm giải pháp vì lãi suất hiện đang ở mức quá thấp. Cả Fed và ECB đều đã tạo ra các khoản vay có lãi suất thấp (easy money) bằng cách giảm lãi suất xuống mức gần 0%.
“Trái với những đợt suy thoái trước, hiện không có nhiều công cụ có thể sử dụng được trong bộ công cụ chính sách”, Richard Clarida, một trong những tác giả của báo cáo và cũng là Giám đốc điều hành của Pimco, cho biết. Clarida gọi việc thiếu chọn lựa về chính sách tiền tệ cũng giống như là “lái xe mà không có một vỏ xe dự phòng”.
Clarida chia sẻ: “Mọi người cần nhớ rằng vào năm 2001, Fed đã giảm lãi suất 5 điểm phần trăm. Trong cuộc suy thoái tiếp theo, Fed sẽ không có cơ hội để giảm 5 điểm phần trăm nữa”.
“Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn nói là các thị trường hiện được nới lỏng quá mức”, Clarida nói./.
|