Thứ Sáu, 02/06/2017 17:54

Nỗi ám ảnh bán hàng đa cấp lừa đảo

Mới đây báo chí thông tin về việc công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã bị rút giấy phép kinh doanh. Tôi không phải là một khách hàng của công ty nhưng cái tin ấy làm tôi băn khoăn - nỗi băn khoăn kéo dài 14 năm.

Năm 2003, một anh bạn rủ tôi tham gia mua hàng đa cấp do công ty Sinh Lợi chào bán. Theo đó tôi sẽ mua một món hàng thông qua anh với giá tiền khoảng hơn 3 triệu đồng. Sau đó tôi tiếp tục tìm thêm 3 người nữa tham gia mua hàng tương tự-tôi sẽ được trả lại số vốn ban đầu và những người mua hàng từ tôi sẽ tiếp tục đi tìm người mua hàng khác. Mạng lưới càng phát triển tôi sẽ tiếp tục được hưởng phần trăm từ những người mới tham gia.

Theo lời hẹn của anh bạn, tôi đến buổi “thuyết trình” của công ty và rủ thêm một đồng nghiệp mang theo cả máy ảnh, máy ghi âm.

Buổi thuyết trình được tổ chức ở Trung tâm triển lãm nông nghiệp (Cầu Giấy, Hà Nội). Từ sáng sớm trong khoảng sân rộng của triển lãm đã có cả chục chiếc ô tô khách mang biển số các tỉnh miền núi phía Bắc lấm lem bùn đất tập kết. Từ trên xe bước xuống là những đoàn người mà chỉ qua cách ăn mặc cũng biết hầu hết là người dân lam lũ và một số là người dân tộc thiểu số.

Ước tính có đến cả ngàn người tham gia buổi thuyết trình hôm đó. Tôi và đồng nghiệp tìm người đại diện của công ty. Tiếp chúng tôi là một cô gái người Việt. Khi biết chúng tôi là phóng viên muốn gặp lãnh đạo công ty cô liền giới thiệu một người đàn ông mà theo cô là người Đài Loan (Trung Quốc). Người đàn ông lúc trước vừa nhảy nhót biểu diễn trên sân khấu, khi tiếp chúng tôi cứ luôn miệng nói bằng tiếng nước ngoài. Khi tôi bật máy ghi âm đưa lên và anh bạn nâng máy ảnh lên bấm thì người đàn ông này bật ra tiếng Việt rất sõi: “Ấy không ấy không, tôi không biết gì đâu” rồi đi như chạy ra khỏi phòng.

Bên ngoài người ta vẫn xúm xít thành từng đám vẫn tiếp tục thuyết phục, tư vấn giải thích, chào mời. Những con số trăm triệu, tỷ đồng không ngừng phát ra... Đã có những phụ nữ lần trong thắt lưng thổ cẩm lấy ra bọc tiền gói cẩn thận trong những lần túi ni lon, để đổi lấy những chiếc máy mà chắc chắn họ chẳng khai thác được bất cứ công dụng nào để phục vụ cuộc sống hàng ngày của mình.

Bài báo ngày đó của chúng tôi không được lên trang với một lý do: không có đủ căn cứ để khẳng định hoạt động của công ty Sinh Lợi là trái pháp luật.

Gần 2 năm sau, năm 2005, Chính phủ có văn bản đầu tiên - Nghị định 110/2005/NĐ-CP và Bộ Thương mại có Thông tư số 19/2005/TT-BTM quy định về loại hình bán hàng đa cấp. Cũng vào khoảng thời gian đó, những bài báo của các đồng nghiệp của chúng tôi về các công ty bán hàng đa cấp, nhất là Sinh Lợi, bắt đầu đăng tải trên nhiều tờ báo. Tôi cảm thấy được an ủi phần nào không phải với chính mình mà với những người như chị phụ nữ mặc thổ cẩm ôm chiếc máy hôm nào...

Tôi được biết Sinh Lợi bị phạt, bị tước giấy phép. Nhưng tôi cũng được biết Sinh Lợi “hóa kiếp” thành một Thiên Ngọc Minh Uy mà hoạt động thì vẫn như cũ. Theo thời gian, Sinh Lợi và cả Thiên Ngọc Minh Uy không ngừng mở rộng hoạt động của mình từ Bắc chí Nam từ miền xuôi đến miền ngược. Và đến những ngày này, nhiều thông tin nói rằng Thiên Ngọc Minh Uy thêm một lần “biến hình” thành Nhã Khắc Lâm.

Điều quan trọng nhất của loại hình lừa đảo này là nó biến nạn nhân trở thành người tiếp tay. Người tham gia không chỉ bỏ tiền túi của bản thân mình mà họ phải tiếp tục đi tìm những khách hàng khác làm vật thế thân cho mình.  Khi đã trở thành một mắt xích của tổ chức lừa đảo, việc dừng lại và tố cáo nó bao giờ cũng khó hơn việc tiếp tục đâm lao phải theo lao. Theo thống kê của cơ quan chức năng rong 2 năm 2014 và 2015, Thiên Ngọc Minh Uy đã thu 3.448 tỷ đồng tiền mặt từ những người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Điều đáng mừng là các cơ quan chức năng đã tỏ rõ quyết tâm siết chặt quản lý loại hình kinh doanh dễ bị lợi dụng biến thành một hình thức lừa đảo này. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Song song với việc chuẩn bị trình lên Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã mạnh tay “siết chặt” hoạt động này bằng cách liên tiếp xử lý và rút giấy phép của các doanh nghiệp đa cấp chưa đủ điều kiện hoạt động.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, trước những thông tin về Nhã Khắc Lâm, đã ngay lập tức kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty này.

Đặc biệt, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quôc hội cũng như  đề nghị của Chính phủ và đã bổ sung tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần sự mạnh tay cần thiết để ngăn chặn những hành vi lừa đảo móc túi người dân trên một diện rộng...

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Noi-am-anh-ban-hang-da-cap-lua-dao/307749.vgp

Các tin tức khác

>   Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp được lợi gì? (02/06/2017)

>   Mỹ nhận đơn kiện đề nghị điều tra biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu (02/06/2017)

>   Ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường về TPHCM (02/06/2017)

>   Ngủ ở VN, bị thu tiền Uber ở Nga (02/06/2017)

>   Giả mạo văn bản của Bộ Tài chính và Cục quản lý Công sản (02/06/2017)

>   Nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại EU có xu hướng tăng (02/06/2017)

>   Cần có chủ trương để ổn định nguồn lãi suất cho vay (01/06/2017)

>   Siết cho vay với chính quyền địa phương (01/06/2017)

>   Giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư (01/06/2017)

>   Rà soát thủ tục, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu (01/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật