Thứ Năm, 01/06/2017 18:07

Siết cho vay với chính quyền địa phương

Chính phủ đã siết lại việc cho vay nguồn vốn nước ngoài với chính quyền địa phương trong bối cảnh vốn ODA sẽ hết được hưởng lãi suất và cơ chế ưu đãi từ 1-7 tới.

Theo Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28-4-2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ khi không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày.

Nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các khoản vay lại vốn ODA, vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tại thời điểm xem xét khoản vay lại.

Hơn nữa, Nghị định quy định các dự án được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn vay thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án đó phải được bố trí vốn đối ứng.

Những điều kiện này là ngặt nghèo hơn so với trước đây, khi vốn ODA thường được cho vay theo kiểu “cấp phát”, hay đúng hơn là “xin-cho” với chính quyền địa phương sau khi được Chính phủ vay lại.

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nói tại cuộc họp báo chiều 31-5 của Bộ Tài chính: “Bây giờ vay ưu đãi ít đi, thì Chính phủ phải có cơ chế cho vay lại với chính quyền địa phương”.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2004-2015, Việt Nam vay nước ngoài khoảng 45 tỉ đô la Mỹ, trong đó gần 29,5 tỉ đô la Mỹ chi cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Trong phần chi cho địa phương, có tới 92,2% số vốn được chi dưới dạng vốn cấp phát, chỉ 7,8% nguồn vốn được cho địa phương vay lại.

Ông Thảo giải thích, giai đoạn trước có nhiều địa phương thực hiện dự án ODA chú trọng vào lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo, hạ tầng nên không mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngân sách.

“Địa phương nào cũng mong muốn được cấp phát ODA nhiều để đỡ áp lực cho ngân sách địa phương”, ông nói.

Theo Bộ Tài chính từ năm 2010 khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt.

Từ tháng 7-2017, Việt Nam không còn được vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) theo điều kiện ODA, sau đó sẽ đến các đối tác phát triển khác; Việt Nam phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường.

Bộ Tài chính khẳng định, cơ chế cấp phát cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, chưa đảm bảo sự hỗ trợ đồng đều của Trung ương tới các địa phương. Một số địa phương lớn được hỗ trợ nhiều, địa phương nhỏ khó khăn hơn được hỗ trợ ít (do quy mô của dự án nhỏ hơn). Cơ chế cấp phát chưa khuyến khích các địa phương phát huy tối đa tính chủ động để đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu.

Đồng thời, Luật Ngân sách nhà nước 2015, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 đã chính thức quy định quyền vay nợ của địa phương thông qua các quy định về bội chi, hạn mức nợ...

Vì vậy, đây là lúc để siết lại các quy định cấp phát hiện nay.

Hiện nay mới chỉ có 13 địa phương tự cân đối được thu chi và điều tiết về trung ương, các địa phương khác còn nhiều khó khăn, một số địa phương đặc biệt khó khăn.

http://www.thesaigontimes.vn/160881/Siet-cho-vay-voi-chinh-quyen-dia-phuong.html

Các tin tức khác

>   Giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư (01/06/2017)

>   Rà soát thủ tục, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu (01/06/2017)

>   Đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng về 12 đại án (01/06/2017)

>   DOC nhận đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam (01/06/2017)

>   Mỹ ra kết luận sơ bộ về thiệt hại trong vụ điều tra chống bán phá giá với tủ đựng dụng cụ (01/06/2017)

>   Khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Thăng Long (01/06/2017)

>   Úc chấm dứt một phần điều tra chống bán phá giá nhôm ép nhập khẩu từ Việt Nam (01/06/2017)

>   Hướng nào cho hai dự án tổng vốn 300 ngàn tỷ? (01/06/2017)

>   Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2017 (01/06/2017)

>   TPHCM: Kiến nghị không đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng trên địa bàn (01/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật