Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp được lợi gì?
Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản nước ta đã có những bước tiến vượt bậc; hiện nay Việt Nam vẫn duy trì được 10 mặt hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu hằng năm từ 1 tỷ USD trở lên. Nông nghiệp hiện nay đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước; có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới như: Gạo, tiêu, cà phê, cao su... Tuy nhiên, Việt Nam đa phần xuất hàng thô, chưa gia tăng chế biến theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu mạnh cho ngành nông sản.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất: Việt Nam đang thiếu lực lượng chủ công để phát triển nông nghiệp, đó chính là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ trọng rất thấp xoay quanh khoảng 6% tổng đầu tư cả nước.
Theo báo cáo của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội: “Tính đến thời điểm này, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ tính riêng năm 2016 xuất khẩu rau, củ, quả đã đạt 2,4 tỷ USD, vượt giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo (2,2 tỷ USD), chưa kể các mặt hàng được cho là có sản lượng xuất khẩu thuộc hàng nhất, nhì thế giới như hồ tiêu, hạt điều, cà phê... thế nhưng xét về mặt giá trị xuất khẩu thì giá trị các mặt hàng này đang ở mức khá thấp”.
Cũng tại diễn đàn này ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Hiện nay, cơ cấu mặt hàng đã thay đổi, trong đó sản phẩm công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị xuất khẩu. Thế nhưng, cả nông nghiệp và công nghiệp đều gặp khó khăn là hàm lượng chế biến không được sâu, đây là nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam chưa nâng cao được giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Đó là chưa kể một số mặt hàng còn gặp vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu tố then chốt quyết định việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới”.
Doanh nghiệp nông nghiệp là đội quân chủ lực cho sản xuất nông sản thực phẩm Organic (hữu cơ); bảo đảm nông sản thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xu hướng của thế giới trong những năm gần đây là sử dụng nông sản, thực phẩm hữu cơ (Organic); con người quay về với thiên nhiên, chọn những sản phẩm thiên nhiên thuần khiết nhất cho sức khỏe gia đình, thời đại an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Nông sản thực phẩm hữu cơ là thực phẩm phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Có sự khác biệt với nông sản thực phẩm sạch là nông sản thực phẩm thu được từ nguồn nuôi trồng, vẫn sử dụng “đầu vào” là hóa chất như thuốc trừ sâu, chất hóa học tổng hợp... nhưng việc sử dụng hóa chất được thực hiện đúng “quy trình” để sản phẩm ra thị trường chỉ còn dư lượng độc hại dưới mức cho phép, không gây tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng (thực phẩm an toàn).
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để chứng nhận là hữu cơ, nông sản phải được nuôi trồng, bảo quản và chế biến trong điều kiện không dùng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, công nghệ sinh học và phóng xạ hóa học. Nhãn “Organic” dùng cho sản phẩm có ít nhất 95% thành phần hữu cơ.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBI) trong 5 năm (2010-2015) diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ ở Việt Nam đã có hơn 76.000 ha, tập trung tại một số tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Cà Mau, Bến Tre... con số còn quá ít.
Tuy nhiên, để nông dân ngày càng phát triển sản xuất theo hướng sản xuất, canh tác ra nông sản thực phẩm hữu cơ bảo đảm sức khỏe con người, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, không ai khác hơn chính là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (doanh nghiệp nông nghiệp).
Chỉ khi có doanh nghiệp đặt hàng, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá cao, người nông dân mới dám sản xuất.
Đơn cử Vinamilk đã đầu tư trang trại bò sữa tại Lâm Đồng (từ năm 2015) tiêu chuẩn Organic (đạt chuẩn thế giới). Để được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, mọi quy trình từ con giống đến sản xuất sữa Vinamilk phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn “3 không” (Không thuốc trừ sâu, không sử dụng hormone tăng trưởng, không dư lượng kháng sinh).
Năm 2016 Công ty Cổ phần Vinamilk đã đạt được chứng nhận canh tác, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert-EU); hiện Vinamilk đang phát triển mạnh việc cung ứng rau và trái cây Organic ra thị trường thông qua các kênh phân phối như Coop-Mart.
Với sự dẫn dắt của Công ty Vineco, hàng nghìn hộ nông dân tỉnh Lâm Đồng tham gia sản xuất nông sản sạch.
Tại Hội thảo “Lan tỏa mô hình sản xuất nông sản sạch” được Công ty Vineco (Tập đoàn Vin Group), GS. TS. Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam nhận xét, “Dù còn những khó khăn, nhất là vốn đầu tư lớn, nhưng với sự đồng hành của các doanh nghiệp như Vineco vừa hỗ trợ sản xuất về vốn vừa giúp tiếp cận các công nghệ sản xuất hiện đại của Israel, nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng vào điều kiện thực tế và sản xuất ra nông sản sạch không hề thua kém gì Israel”.
Doanh nghiệp nông nghiệp là đội quân chủ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khắt khe của thế giới (EU, Mỹ, Nhật...) xuất khẩu cần đồng bộ một loại với số lượng lớn, cùng một loại giống tốt như nhau. Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được bảo đảm và được nước sở tại công nhận; kể cả bảo đảm tiêu chuẩn trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.
Do đó, cần có doanh nghiệp nông nghiệp chủ động triển khai đặt hàng cho người nông dân sản xuất theo đơn hàng: Chọn giống, sản xuất trên quy mô lớn; quản lý theo tiêu chuẩn chặt chẽ trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu...
Thậm chí doanh nghiệp cần tổ chức những khóa huấn luyện, hướng dẫn người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp; bên cạnh đó còn có những hợp đồng bao tiêu sản phẩm của người nông dân theo một giá sàn (theo thỏa thuận) nhất định, bảo đảm quyền lợi của người nông dân trong bất cứ biến động thị trường lên xuống nào.
Theo TS. Lê Văn Bảnh - Nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thương hiệu nói chung phải gắn với doanh nghiệp nông nghiệp cụ thể “Nếu nói xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì có vẻ mông lung quá. Vì ai làm? Ai sẽ giữ hình ảnh thương hiệu đó? Chúng ta thấy các thương hiệu lớn trên thế giới mang tính đại diện cho quốc gia nhưng gắn với doanh nghiệp cụ thể. Chính các doanh nghiệp mới làm nên thương hiệu và giữ cho nó bền vững, phát triển. Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo là cần thiết nhưng Nhà nước cần đưa ra chủ trương và chính sách hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện”.
Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ thông qua, Việt Nam cần ưu tiên chọn 3 giống gạo đặc sản: Giống Jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản hỗ trợ phát triển thành công thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong việc xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam, không ai khác hơn là doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngày 25/1/2016 tại tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc trời đã triển khai bộ tiêu chuẩn SRP tại Việt Nam.
SRP ra đời dưới sự liên kết giữa chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Viện Lúa quốc tế (IRRI) vào năm 2013, hiện có khoảng 30 thành viên, gồm đại diện các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là thành viên), viện khoa học, nhà thương mại, tổ chức chứng nhận và công ty xuất khẩu gạo uy tín.
SRP có 46 tiêu chí và 8 vấn đề trên các chu kỳ của cây trồng gồm quản lý đồng ruộng; chuẩn bị canh tác; sử dụng nước; quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh; thu hoạch; sau thu hoạch; sức khỏe, an toàn, quyền lợi của người lao động.
Khi có chứng nhận SRP, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đàm phán được giá gạo xuất khẩu cao hơn.
Gần 20 con cá ngừ được chọn lọc từ hàng trăm con cá ngừ đại dương do ngư dân Bình Định đánh bắt theo công nghệ mới của Nhật Bản đã xuất khẩu thành công sang chợ cá Osaka - Nhật Bản, thông qua Công ty Kato Hitoshi General Office Co. Ltd thu mua tại tỉnh Bình Định, giá mua cao hơn gấp 4 lần so với giá bán nội địa, mở hướng đi mới cho ngư dân miền Trung trong thời hội nhập.
Công ty TNHH Xuất khẩu Trái cây Nhiệt đới do anh Phùng Văn Hiền làm giám đốc, cơ sở sản xuất chôm chôm tại xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Công ty đã đưa trái chôm chôm từ vườn nhà xuất khẩu trực tiếp đến khách hàng Anh, Mỹ. Sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang Mỹ, trong sản xuất việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu phải theo danh mục được dùng và đúng liều lượng; phun đúng cách, ngoài ra còn phải ghi chép đầy đủ ngày phun, liều phun để kiểm soát nữa.
Chúng ta còn phải cạnh tranh với các nước khác như: Malaysia, Thái Lan, Mexico, Chile... cũng có chôm chôm vào thời điểm tương tự.
Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp là biện pháp tốt nhất giải quyết bền vững vấn đề “được mùa-mất giá; được giá-mất mùa”.
Đề cập về vấn đề lợn hơi không xuất được sang Trung Quốc, đại diện Cục Chăn nuôi cho hay: Năm 2016 Việt Nam đã xuất khẩu lợn thu về gần 1 tỷ USD, chủ yếu sang Trung Quốc. Song do báo chí trong nước đưa tin rầm rộ quá, nên giá Trung Quốc chặn lại. Đó là lý do dẫn đến tình trạng giá lợn hơi rớt thảm hại hiện nay.
Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, diện tích chuyên canh tác dưa hấu cả tỉnh khoảng 600 ha, nhưng nông dân thường trồng lên tới 700-800 ha, thậm chí có năm hơn 1.000 ha.
"Trước thực trạng dưa hấu ế ẩm do lượng cung tăng mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo bà con giảm diện tích gieo trồng, nên chia đều trong năm để tránh dồn vào một mùa nhưng nông dân vẫn ồ ạt trồng, không nghe theo khuyến cáo”, ông Tô cho biết.
Để ổn định trong trồng trọt và chăn nuôi, xóa hẳn cảnh “trồng-chặt” làm khổ sở người nông dân trong nhiều năm qua với sản xuất thường bấp bênh, nhu cầu cấp bách cần thiết phải phát triển nhanh đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thị; ký kết hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước theo kế hoạch và thông qua đó đặt hàng ổn định cho người nông dân; hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản phẩm.
Doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện thông thạo công nghệ thông tin, internet... có đủ kinh phí xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để có thể tiếp thị bán sản phẩm tới tận các công ty đa quốc gia, thay vì người nông dân phải rất khó khăn mới có thể bán hàng được.
Thông qua các sàn giao dịch nông sản phẩm, vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp có quyền chủ động mua vật tư giá thấp nhất (cạnh tranh nhất), đồng thời bán được nông sản thành phẩm giá tốt nhất.
Trên cơ sở mô hình công ty, doanh nghiệp nông nghiệp từng bước tiến hành mua bảo hiểm từng vụ, từng mặt hàng nông sản phẩm của mình, bảo đảm giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh triền miên của ngành sản xuất nông sản phẩm từ nhiều năm nay.
Doanh nghiệp nông nghiệp cần Nhà nước giúp gì?
Để có thể phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng một hệ thống chính sách rõ ràng, minh bạch và nhất quán: Ưu đãi về thuế; ưu đãi về vay ngân hàng với lãi suất thấp theo chu kỳ sản xuất; thủ tục đất đai nhanh gọn, doanh nghiệp nông nghiệp không sợ bị mang tiếng là đầu cơ đất đai, dễ bị cơ quan chức năng làm khó dễ. Nói gọn lại là Nhà nước cần đối mặt giải quyết vấn đề chính sách hạn điền gây khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và thể chế hóa bằng luật, tạo điều kiện cho việc thành lập công ty cổ phần khác (mô hình doanh nghiệp nông nghiệp) cho phép công ty sở hữu diện tích tổ chức sản xuất từ 100 ha trở lên đến 500 ha, và hơn thế nữa phù hợp cho quy mô áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Phat-trien-doanh-nghiep-nong-nghiep-duoc-loi-gi/307736.vgp
|