IMF nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 6.7% trong năm 2017
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lần thứ 2 trong năm nay, đồng thời cũng lên tiếng cảnh báo rằng cần có các cuộc cải cách sâu để phá vỡ sự tăng trưởng bắt nguồn từ nợ, Bloomberg cho hay.
Theo báo cáo từ đợt tham khảo theo Điều IV (Article IV consultation) công bố trong ngày thứ Tư, IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới sẽ tăng trưởng 6.7% trong năm 2017, cao hơn dự báo tăng trưởng 6.6% trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố hồi tháng 4/2017 và dự báo tăng trưởng 6.5% hồi đầu năm nay.
Việc IMF cập nhật lại dự báo bên ngoài chuỗi báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu quả là điều bất thường, mặc dù các quan chức đã báo hiệu là mức tăng trưởng mạnh trong quý 1 không được phản ánh hoàn toàn trong các báo cáo triển vọng trước đó. Trong một bản tuyên bố hôm thứ Tư, David Lipton, Phó Giám đốc IMF, cho biết Trung Quốc nên tận dụng đà tăng hiện tại để đẩy mạnh các cuộc cải cách.
“Mặc dù các rủi ro ngắn hạn đã giảm sút, nhưng tiến trình cải cách cần phải được đẩy nhanh để đảm bảo sự ổn định trong trung hạn và giải quyết rủi ro là quỹ đạo hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn tới một sự điều chính mạnh”, ông Lipton cho biết sau các cuộc họp với các nhà hoạch định chính sách hàng đầu. “Quan trọng là phải bắt đầu ngay lúc này, trong lúc tăng trưởng kinh tế còn mạnh và các tấm đệm an toàn còn đủ để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi”.
Với việc nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2017, Trung Quốc đã chứng minh những người nghi ngờ về nền kinh tế nước này đã sai. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng tiến hành kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản bằng các ràng buộc mới, qua đó khiến hoạt động đầu tư phát triển bất động sản bị chậm lại, dữ liệu trong ngày thứ Tư cho thấy.
Phản ứng của các cơ quan Chính phủ
Trong năm 2016, ông Lipton đã cảnh báo triển vọng trung hạn của Trung Quốc là khá ảm đạm bởi sự sai lầm trong việc phân bổ nguồn lực, mức độ nợ doanh nghiệp cao và ngày càng tăng, dư thừa công suất và các rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực tài chính. Đợt tham khảo theo Điều IV của IMF cho biết các cơ quan Chính phủ Trung Quốc đang đối phó với các thử thách trên.
Các phương hướng về chính sách của IMF bao gồm: “Chuyển đổi nhanh hơn từ đầu tư sang tiêu thụ, gia tăng vai trò của các lực lượng thị trường; thực hiện các kết hợp chính sách vĩ mô bền vững hơn, tiếp tục thắt chặt quy định; giải quyết các khoản nợ từ lĩnh vực phi tài chính; và cải thiện sâu hơn về khuôn khổ chính sách”./.
|