Giá dầu có thể xuống mức 30 USD không?
Một giáo sư nghiên cứu thị trường năng lượng toàn cầu lên tiếng cảnh báo rằng giá dầu có thể trượt xuống mức 30 USD/thùng nếu OPEC không cắt giảm sản lượng dầu mạnh hơn, CNBC cho hay.
“Vấn đề ở đây là có quá nhiều dầu trên thị trường. Có quá nhiều dầu từ Mỹ, từ Libya cũng như Nigeria”, Fereidun Fesharaki, nhà sáng lập và Chủ tịch của công ty tư vấn về thị trường dầu khí FGE, cho biết.
“Mặc cho nhu cầu mạnh, nhưng vẫn tồn tại khả năng là giá dầu sẽ sụt xuống mức 30-35 USD/thùng vào năm tới và sẽ dao động ở mức này một thời gian”, ông cho biết bên lề Hội nghị Năng lượng Credit Suisse Australia ở Sydney trong ngày thứ Tư.
Ông Fesharaki, người nghiên cứu về thị trường năng lượng châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông kể từ những năm đầu thập niên 80, cho biết ông tin rằng mức sản lượng báo động đối với Ả-rập Xê-út là 9 triệu thùng/ngày, và bất kỳ thất bại nào trong việc giảm sản lượng xuống dưới mức này sẽ làm giá dầu trượt dốc.
“Phải cắt giảm thêm 700,000 thùng/ngày ngay lúc này, nếu không thì giá dầu sẽ trượt dốc”, ông nhận xét. “Ngay cả khi làm như thế thì vẫn phải cắt giảm nhiều hơn trong năm kế tiếp. Và điều này phụ thuộc vào mức độ cắt giảm mà Ả-rập Xê-út sẵn lòng thực hiện”.
Vào cuối tháng 5/2017, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày thêm 9 tháng nữa, sau khi thỏa thuận này không thể xóa bỏ hoàn toàn tình trạng dư cung toàn cầu và khiến giá dầu vẫn dao động ở mức khá thấp. Một số nhà sản xuất ngoài OPEC cũng tham gia vào thỏa thuận.
Ông Fesharaki cho biết giả thuyết của ông không chỉ dựa vào tình trạng dư cung dầu.
Bên cạnh đó, ông cho rằng sự sụt giảm của giá dầu sẽ dẫn tới sự sụt giảm của nhu cầu dầu.
“Đà giảm của giá dầu cũng giống với một cơn động đất hoặc một cơn sóng thần vậy”, ông nói thêm.
“Nếu giá dầu giảm nhẹ thì điều này thực sự tốt cho nhu cầu dầu và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lần trước khi giá dầu sụt giảm thì thị trường chứng khoán cũng giảm cùng với nó. Tôi nghĩ môi trường hiện tại khá đáng sợ khi đà lao dốc của giá dầu có thể thực sự tạo ra một sự suy thoái toàn cầu”.
Trước đó, các nhà phân tích khác cũng lưu ý rằng sự giảm mạnh của giá dầu có thể gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế của các nhà sản xuất dầu, qua đó làm giảm niềm tin tiêu dùng và chi tiêu tiêu dùng. Theo đó, nhu cầu dầu sẽ giảm sút.
Khủng hoảng ở Qatar
Ông Fesharaki cho rằng khủng hoảng ngoại giao ở Qatar dường như sẽ không gây tác động dài hạn hoặc tác động đáng kể nào lên giá dầu toàn cầu.
Vào đầu tháng này, Ả-rập Xê-út và một số quốc gia đồng minh đã cắt đứt mối quan hệ với Qatar./.
|