Thứ Bảy, 17/06/2017 09:06

Giá gạo xuất khẩu khó đột biến

Thời gian qua, ngành lúa gạo đã từng bước chuyển đổi các mặt hàng gạo xuất khẩu từ cấp thấp sang cao cấp hơn. Tuy nhiên, nhìn vào những diễn biến trên thị trường, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam khó có những thay đổi đáng kể trong thời gian tới.

Trong tương lai gần, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng tăng dần giống lúa chất lượng cao khó có thể được như kỳ vọng, ngoại trừ có những đột biến nào đó. Ảnh: T.L

Ngày càng phụ thuộc thị trường châu Á

Hai tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh đã ký gia hạn bản ghi nhớ về thương mại gạo có hiệu lực đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm, tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn.

Đầu năm nay, Bộ Công Thương cũng đã đạt được thỏa thuận về gia hạn xuất khẩu gạo cấp chính phủ sang Philippines. Theo đó, từ nay đến hết ngày 31-12-2018, Philippines sẽ nhập khẩu tối đa 3 triệu tấn gạo của Việt Nam.

Với thị trường Trung Quốc, do vị trí địa lý, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Trong khoảng năm năm vừa qua, đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Hiện giữa chính phủ hai nước chưa có những động thái chính thức nào, nhưng theo ông Phạm Quang Diệu, một chuyên gia trong ngành hàng lúa gạo, để đảm bảo an ninh lương thực, ngoài việc nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc sẽ “làm ngơ” để cho gạo Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang nước họ.

Trong bốn tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm tới 47,5%, tương đương 815.400 tấn, trị giá 376,2 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 16% về lượng và 16,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Philippines, chiếm 11,4%, tương đương 236.600 tấn, thu về hơn 90 triệu đô la Mỹ, tăng 24% về lượng và gần 11% về giá trị. Những con số này cho thấy giá gạo xuất sang Trung Quốc tương đương cùng kỳ năm trước, còn giá gạo xuất sang Philippines giảm (so với cùng kỳ).

Về tổng thể, giá gạo bình quân trong bốn tháng của năm 2017 là 445 đô la Mỹ/tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, những số liệu thống kê về giá gạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong năm năm qua không cho thấy sự biến động nào đáng kể và luôn dao động quanh mức 430-460 đô la Mỹ/tấn.

Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất

Sau khi Bộ Công Thương ký biên bản ghi nhớ với Bangladesh, cũng trong tháng 5-2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong buổi gặp các đại sứ Việt Nam trước khi họ đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài, đã “đặt hàng” các đại sứ tìm thị trường cho nông sản. Theo ông Cường, thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, bây giờ mà không bán được hàng có nghĩa là sản xuất bị thụt lùi và ngành nông nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao trong việc tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên trên thực tế, mong muốn của vị tư lệnh ngành cũng mới chỉ dừng lại ở sự “gửi gắm”. Châu Á vẫn là thị trường đầu ra cho hạt gạo Việt Nam.

Nhìn vào những diễn biến thực tế, có thể dự đoán phần nào cơ hội xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong vài năm tới vẫn chủ yếu là những sản phẩm gạo cấp thấp cho một số thị trường châu Á cần gạo giá rẻ nhằm giải quyết bài toán an ninh lương thực của họ. Do đó, trong tương lai gần, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng giảm dần những giống lúa cấp thấp, tăng dần giống lúa chất lượng cao cũng khó có thể được như kỳ vọng của ngành nông nghiệp, ngoại trừ có những đột biến nào đó.

Làm sao mở rộng thị trường?

Nếu muốn thay đổi thực trạng gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn chỉ gắn với thị trường châu Á, Việt Nam cần phải có một kế hoạch cho sự thay đổi.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, nguyên là trưởng đại diện đầu tiên của tập đoàn Toepfer International - tập đoàn lớn thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực mua bán nông sản, cho biết hiện nay, một mùa vụ ngắn ngày chỉ kéo dài 3-4 tháng nên có thể thay đổi giống lúa chất lượng thấp sang lúa chất lượng cao một cách dễ dàng. Vấn đề là phải hướng theo nhu cầu thị trường, theo đơn đặt hàng. Ví dụ thị trường Trung Đông vốn ưa chuộng gạo hạt tròn, còn thị trường Indonesia và các nước Tây Phi thì cần gạo đồ, để xuất khẩu, chúng ta cần có cơ cấu sản xuất tương ứng cho đơn đặt hàng từ những vùng này.

Một ví dụ khác, Trung Quốc rất ưa chuộng gạo và nếp ở vùng đồng bằng sông Hồng, như Tám Xoan, Hải Hậu, Nàng Hương..., vì thế, ta nên quy hoạch và tranh thủ những đơn hàng dài hạn từ thị trường này.

Một điều nữa, theo ông Lâm, là để thâm nhập thị trường Nhật, Mỹ hay các nước châu Âu, các công ty trong nước nên tính tới việc kết hợp với các công ty nước ngoài ở những thị trường này lập ra công ty cổ phần.

Như vậy, phía Việt Nam có thể tận dụng ưu thế của đối tác về sự am hiểu thị trường, mối quan hệ với các hệ thống phân phối ở nước sở tại để sản xuất những sản phẩm mà thị trường đang cần.

... đọc tiếp tại đây

Các tin tức khác

>   Phía sau hào quang xuất khẩu rau quả (16/06/2017)

>   Xuất khẩu cà phê, hồ tiêu sang Ấn Độ giảm mạnh (14/06/2017)

>   Trung Quốc tiêu thụ rau quả Việt Nam nhiều nhất thế giới (13/06/2017)

>   Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 13.7 tỷ USD trong 5 tháng đầu (29/05/2017)

>   Xuất khẩu gạo: Còn nhiều ngộ nhận (27/05/2017)

>   HNG: Cao su đã có lãi nhưng mảng bò lại thua lỗ (22/05/2017)

>   Chỉnh lại “thước đo” xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (20/05/2017)

>   Nông dân chỉ được hưởng 1% giá trị nông sản - gỡ cách nào? (18/05/2017)

>   Phát hiện 50 tấn đường nghi nhập lậu (16/05/2017)

>   Nguyên nhân gì khiến đường tồn kho ở mức cao kỷ lục trong lịch sử? (10/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật