Nguyên nhân gì khiến đường tồn kho ở mức cao kỷ lục trong lịch sử?
Sức tiêu thụ đường trong nước thời gian gần đây bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đường gian lận thương mại đang hoành hành.
Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến lượng đường tồn kho ở mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành mía đường từ trước đến nay.
Tồn kho tăng cao kỷ lục
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 3/5 vừa qua, các nhà máy đường đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,04 triệu tấn đường; trong đó đường RE là 314.000 tấn.
Đáng chú ý, lượng đường tồn kho hiện đã ở mức trên 717.000 tấn, riêng tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn. Trong đó, đường trắng tồn kho 337.000 tấn, đường luyện 313.000 tấn và đường vàng thô gần 67.000 tấn.
Đông Nam Bộ là khu vực đang có lượng đường tồn kho lớn nhất với 235.500 tấn; tiếp đó là miền Trung 222.000 tấn, miền Bắc 154.000 tấn và Đồng bằng sông Cửu Long là 61.000 tấn. Không những vậy, hiện vẫn còn 21/38 nhà máy đang tiếp tục sản xuất.
Theo VSSA, lượng tồn kho năm nay là không bình thường, quá cao so với năm 2016 chỉ tồn kho 500.000 tấn và nhiều năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho biết việc tiêu thụ đường của các nhà máy hiện đang rất chậm do tình trạng đường lậu đang hoành hoành khắp cả nước và gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến lượng đường tồn kho tăng cao kỷ lục như hiện nay.
Theo ông Hải, nếu như những năm trước đây, đường lậu Thái Lan đi vào Việt Nam chủ yếu qua khu vực biên giới Tây Nam, thế nhưng đến nay tình hình này ngày càng phức tạp và đang lan rộng trên cả nước.
Các trùm buôn lậu đường hiện đã mở rộng địa bàn sang các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước và còn ra tới khu vực biên giới giáp Lào, nhất là khu vực Quảng Trị ra đến Nghệ An.
Ngoài vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, còn một nguyên nhân nữa đang được nghi vấn liệu có phải đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp găm hàng, chờ giá lên cao?
Sở dĩ điều này được đề cập tới là do trong năm 2016, khi tồn kho đường tại các nhà máy đường còn khá, đã có hiện tượng khan hiếm giả tạo và giá đường được đẩy lên cao không phù hợp với mặt bằng thị trường.
Một số doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát khi đó đã phản ánh lên Bộ Công Thương là không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra ở một số nhà máy đường và phát hiện một số doanh nghiệp đã tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gây sự khan hiếm giả tạo.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hải cho rằng hiện vẫn chưa xác định được có hiện tượng găm hàng hay không, tuy nhiên vào thời điểm này doanh nghiệp muốn bán hàng ra cũng không được do lượng đường buôn lậu trên thị trường hiện rất lớn...
http://www.vietnamplus.vn/nguyen-nhan-gi-khien-duong-ton-kho-o-muc-cao-ky-luc-trong-lich-su/445292.vnp
|