Xuất khẩu gạo: Còn nhiều ngộ nhận
Dự thảo nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương công bố ngày 9-4-2017 được nhiều người trong ngành đánh giá có nhiều điểm tích cực nhưng vẫn còn những điểm có thể gây ngộ nhận, theo saigontimes đưa tin.
Đối với thị trường Việt Nam, gạo là món hàng nông sản chiến lược, nhưng khi đưa gạo ra thương trường, người chấp bút nghị định chưa làm toát lên được đâu là kinh doanh gạo như là một thương phẩm, đâu là đặc sản.
Nếu không phân biệt đặc điểm của thị trường, nông dân sản xuất lúa gạo đặc sản (giá thành cao) dễ bị các nhà kinh doanh lừa giá. Ảnh: Duy Khương
|
Lối tiếp cận thị trường và cách kinh doanh khác nhau dẫn đến hoạt động mua bán và giá các mặt hàng gạo cũng hoàn toàn khác nhau, trong khi đó dự thảo lại chưa phân biệt rạch ròi, có thể gây nên những ngộ nhận, hiểu lầm không đáng có.
Phần phát biểu quan trọng nhất của dự thảo
Tại điều 4 khoản 1 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, dự thảo nêu rõ:
1. Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Có kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và cơ sở xay, xát thóc, gạo phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.
- Có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với người sản xuất lúa, được lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với người sản xuất lúa xác nhận bằng văn bản...”.
Các khoản 2, 4 và 5 đều liên quan đến kinh doanh gạo “đặc sản”. Riêng khoản 3 nhấn mạnh về các bên liên quan chuẩn bị ra các quy định về quy mô, phương thức xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo.
Chỉ nên ràng buộc nơi đáng ràng buộc
Cần phân biệt rõ hai loại hình thị trường gạo xuất khẩu: thị trường gạo hàng hóa thương phẩm (commodity) gọi tắt là “GTP” và thị trường gạo hàng hóa đặc sản (specialty) gọi tắt là “GĐS”. Trên thực tế, ít có thương nhân giỏi ở cả hai nhánh thị trường này mà ai mạnh thế trên thị trường nào sẽ mua bán nghiêng về loại hình ấy. Thương nhân trên GTP thường kinh doanh số lượng lớn - vài chục, vài trăm ngàn, thậm chí đến vài triệu tấn mỗi năm. Thường những công ty kinh doanh với doanh số lớn nằm ở nhóm này.
GĐS là nơi hoạt động của nhóm thương nhân có vùng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm đặc biệt. Đối với nhóm này, tùy theo nhu cầu của các thị trường riêng biệt về chất lượng, số lượng, bao bì đóng gói..., thương nhân cung ứng gạo thỏa các yêu cầu về hương thơm, độ dẻo, tỷ lệ tấm, gạo mùa mới hay cũ... một cách đều đặn, có khi không thay đổi trong suốt khoảng thời gian 5-10 năm. Do là đặc sản, giá gạo bán trên GĐS thường được người mua trả giá cao gấp nhiều lần so với GTP, và thương nhân phải xây dựng vùng nguyên liệu riêng để bảo đảm việc cung ứng. Theo đó, nông dân liên kết sản xuất với nhà kinh doanh GĐS cũng được hưởng giá bán cao.
Nếu không phân biệt đặc điểm của thị trường, nông dân sản xuất lúa gạo đặc sản (giá thành cao) dễ bị các nhà kinh doanh lừa giá. Ngược lại, khi đã cam kết cung ứng hàng hóa loại này (thường ít có hàng thay thế), nông dân phải bảo đảm cung ứng đúng chất lượng, số lượng, dù “giá thế giới” có tăng đến mấy.
GTP khác hoàn toàn với GĐS. Thương nhân trên GTP yêu cầu chất lượng chỉ cần đúng như hợp đồng ký kết, gạo giao theo hợp đồng dù có chất lượng cao hơn cũng không tăng giá. Nhà kinh doanh thường chọn nơi cung cấp gạo cùng chất lượng nhưng giá rẻ hơn vài xu mỗi tấn, bù lại, họ mua số lượng lớn.
Chính vì không nắm được các khái niệm và cách vận hành giá của hai loại hình thị trường vừa nêu, nhiều người trách các nhà kinh doanh đã ép giá nông dân và đôi khi gán ghép cho họ những “tội không đáng tội”.
Chưa phân định được chuỗi cung ứng
Thương hiệu gạo trên thị trường gạo hàng hóa thương phẩm là chỉ dẫn địa lý. |
GTP không nhất thiết buộc nhà kinh doanh phải có kho. Nhà kinh doanh trên GTP không nhất thiết phải trở thành chủ kho hay nhà chế biến. Dịch vụ cho thuê kho và chế biến là một mảng quan trọng trong chuỗi kinh doanh gạo. Khi cần kho hay cần chế biến lại hàng cho đúng yêu cầu của hợp đồng đã ký, thương nhân sẽ ký hợp đồng thuê kho để trữ hay thuê cơ sở chế biến làm theo yêu cầu của mình. Tại nhiều nước Âu Mỹ, thậm chí ngay cả Trung Quốc, chủ dịch vụ cho thuê kho và nhà chế biến thường là các cơ sở vệ tinh cho nhà kinh doanh. Vì nếu nhà kinh doanh phải đổ một lượng tiền lớn vào việc xây kho và lập cơ sở chế biến thì còn đâu vốn để kinh doanh?! Đây cũng là yếu tố để nhiều nước trên thế giới làm nên những “thiên đường tài chính”, kéo các nhà kinh doanh về làm ăn lớn. Chính nhà nước hay các doanh nghiệp khác sẽ phục vụ kho bãi và dịch vụ chế biến.
Còn ở Việt Nam, dự thảo nghị định nêu trên thậm chí quy định nhà kinh doanh phải có tới “kho chuyên dùng”! Lâu nay, sở dĩ chi phí hạt gạo xuất khẩu cũng như nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam cao một phần lớn là do các quy định ngặt nghèo như vậy gián tiếp đẩy chi phí lên cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Vấn đề thương hiệu và chất lượng
Có thể có người nêu những thắc mắc xung quanh chuyện thương hiệu và chất lượng gạo. Chất lượng hàng trên GĐS không đáng ngại vì đó là sản phẩm đặc thù. Các doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm xây dựng và phát huy thương hiệu gạo của mình, ví dụ gạo hữu cơ A, gạo đồ B, gạo dược liệu C...
Thương hiệu gạo trên GTP là chỉ dẫn địa lý. Cho đến nay, khi nói tới mặt hàng gạo mua bán số lượng lớn trên thế giới, nhà kinh doanh gạo nào cũng biết Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu có tên tuổi. Nhà nước cần lập hàng rào kiểm soát chất lượng gắt gao dựa trên bộ tiêu chuẩn đã có hay phát triển thêm; đưa ra các hình thức thưởng phạt công minh như phạt nặng nhà xuất khẩu gạo chất lượng kém, thậm chí thu hồi giấy phép xuất khẩu nếu bị nước nhập khẩu kiện hay không nhận hàng; thưởng cho nhà xuất khẩu, kể cả xuất khẩu lượng lớn, bảo vệ được uy tín và chất lượng gạo.
Thời gian qua, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng giảm là do thiếu tính cạnh tranh. Có những cuộc tranh luận về giá cả, về thị trường bởi không phân biệt rạch ròi hoạt động khác nhau của các mảng thị trường khác nhau. Dự thảo nghị định về xuất khẩu gạo lần này tuy đã có một số điểm tích cực nhưng vẫn còn những điểm có thể gây ngộ nhận. Hy vọng cách giải thích trên phần nào giúp giải tỏa những hiểu lầm của các bên tham gia thị trường.
http://www.thesaigontimes.vn/160399/Xuat-khau-gao-con-nhieu-ngo-nhan.html
|