Đề xuất miễn thuế TTĐB linh kiện trong nước, tăng thuế xe bán tải
Bộ Công Thương đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị nội địa hóa của chiếc ô tô nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; đồng thời đề xuất áp mức thuế, phí xe bán tải nhập khẩu tương đương ô tô con, có thể khiến người mua phải chi nhiều tiền hơn để sở hữu loại xe này.
Đề xuất của Bộ Công Thương không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước như linh kiện, phụ tùng của chiếc ô tô. Trong ảnh là lốp xe ô tô được sản xuất trong nước -Ảnh minh họa: Hùng lê
|
Đây là hai trong số những đề xuất đáng chú ý trong báo cáo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô với một số đề xuất về giải pháp phát triển ngành này của Bộ Công Thương.
Không áp TTĐB có thúc đẩy nội địa hóa ô tô?
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất ba nhóm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp này.
Thứ nhất, tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, trong đó khuyến khích sử dụng xe sản xuất trong nước và có biện pháp bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại. Vì thế, theo Bộ Công Thương cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe với người tiêu dùng, tương tự với xe sản xuất trong nước.
Thứ hai, Bộ Công Thương đề xuất việc hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số sản phẩm chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước trong khu vực.
Điểm đáng chú ý là Bộ Công Thương đề xuất việc áp dụng mức thuế TTĐB phù hợp với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao và không đánh thuế TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng). Song song đó, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư.
Nếu được thông qua, đề xuất này được xem là ưu đãi rất lớn cũng như là sự hỗ trợ đáng kể của Nhà nước đối với các liên doanh, doanh nghiệp trong việc bảo hộ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Mặt khác, không ít ý kiến còn cho rằng đề xuất này cũng nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô.
Trên thực tế, đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi, hiện tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 7-10%. Đáng chú ý, hai doanh nghiệp có thị phần ô tô cá nhân lớn nhất là Thaco cũng chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-20%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova.
Để có cơ sở cho áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước, Bộ Công Thương sẽ ban hành quy định xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước với ô tô phù hợp cam kết quốc tế, quyền lợi doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng đề xuất không tính thuế TTĐB phần giá trị ô tô sản xuất trong nước nói trên có nguy cơ sẽ dẫn đến việc Việt Nam vi phạm nguyên tắc "không phân biệt đối xử" theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khi ưu đãi thuế TTĐB đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, trong khi linh kiện phụ tùng nhập khẩu lại áp thuế này.
Nhóm giải pháp thứ ba của Bộ Công Thương là đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn lớn và những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thuế ô tô nguyên chiếc trong nội khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam giảm xuống 0% vào đầu năm tới, liệu có doanh nghiệp ô tô lớn nước ngoài nào có thể rót vốn đầu tư vào Việt Nam, trong khi những tên tuổi hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực này đã có mặt từ lâu nhưng lại đang giảm dần sản xuất, chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc vì lo ngại không cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu?
Tăng thuế, phí xe bán tải nhập khẩu?
Bộ Công Thương cũng đề xuất áp dụng thuế suất TTĐB, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như với xe ô tô con dưới 9 chỗ, đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Bộ Công Thương kiến nghị áp dụng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và phí xe bán tải giống xe ô tô con -Ảnh minh họa: Hùng Lê
|
Hiện nay, xe bán tải khi nhập vào Việt Nam được nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và cả phí trước bạ.
Nếu áp dụng mức thuế, phí như áp với xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi theo đề xuất của Bộ Công Thương thì khả năng người mua loại ô tô này sẽ phải chi ra số tiền rất lớn so với hiện nay.
Bởi hầu hết các dòng xe bán tải đều được nhập khẩu từ Thái Lan. Nếu đề xuất trên được thông qua, thì thuế nhập khẩu cho dòng xe này sẽ tăng từ 5% lên 30% và phí trước bạ sẽ tăng lên 10% ở các tỉnh thành (riêng Hà Nội là 12%) so với mức ưu đãi hiện nay cho dòng xe này là 2%. Đồng thời thuế TTĐB cho loại xe này, từ 15-25% hiện nay sẽ tăng lên 40-110% tùy theo dung tích xi-lanh của xe.
Sang năm 2018, theo quy định, các dòng xe có xuất xứ từ các nước ASEAN sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% giống như xe con. Và một số dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 2,0 lít sẽ được giảm 5% thuế TTĐB so với năm nay, trong khi, loại trên 2,0 lít thì mức thuế lại tăng 5-20%.
... đọc tiếp tại đây
|