Thứ Sáu, 02/06/2017 16:34

Đầu tư công không nên vì tăng trưởng kinh tế ngắn hạn

Nhiệm vụ của đầu tư công là cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu đường, sân bay, cảng biển, nghiên cứu cơ bản hoặc các dịch vụ liên quan đến giáo dục, y tế, nước và môi trường sạch,... nhằm làm tăng năng suất của khu vực tư nhân và chất lượng cuộc sống.

Trong thời kỳ suy thoái, khi khu vực tư nhân bi quan thì đầu tư công có thể được sử dụng để bù đắp sự sụt giảm chi tiêu từ khu vực tư nhân nhằm ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, việc làm này chỉ là tạm thời trong thời kỳ suy thoái. Đầu tư công không nên là công cụ thường xuyên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.

Đầu tư công, GDP và thâm hụt ngân sách

Chi tiêu đầu tư công nên xuất phát từ nhu cầu thực sự của nền kinh tế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội trong khả năng ngân sách, không nên vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngắn hạn. Nếu những khoản đầu tư công đó là thật sự cần thiết (cơ sở hạ tầng chứ không phải tượng đài) và ngân sách có khả năng đáp ứng một cách an toàn thì nên làm và đẩy nhanh tiến độ. Nếu chỉ vì để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra thì rất không nên.

Ở các nền kinh tế phát triển, các chính sách tiền tệ và/hoặc tài khóa thường đặt mục tiêu duy trì GDP quanh mức tự nhiên (hay tiềm năng) và một mức lạm phát vừa phải. Tức là, nếu nền kinh tế không gặp cú sốc nào thì họ sẽ không thúc đẩy đầu tư công, nền kinh tế sẽ hoạt động ở mức tự nhiên vốn có đúng với năng lực của nó. Chính sách tài khóa, thông qua các công cụ thuế và chi tiêu, chỉ tập trung vào việc tạo ra các khuyến khích để hướng khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà chính phủ mong muốn.

Ổn định kinh tế vĩ mô không phải là từ bỏ tăng trưởng mà trái lại nó chính là tiền đề để thu hút đầu tư tư nhân trong nước cũng như nước ngoài, tạo động lực cho tăng trưởng cao trong dài hạn. Gốc rễ của vấn đề nằm ở thâm hụt ngân sách.

Lâu nay Chính phủ Việt Nam, dù nói ra hay không, vẫn theo đuổi mục tiêu cao nhất là tăng trưởng GDP rồi từ đó đề xuất kế hoạch chi tiêu công với Quốc hội để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên con số mục tiêu đưa ra này là khá cảm tính. Cách làm này trói buộc Chính phủ vào mục tiêu tăng trưởng, ngay cả khi con số này là cao hơn nhiều so với năng lực vốn có (mức tự nhiên). Từ đó, nó gây sức ép thâm hụt ngân sách bởi chi tiêu công thường phải tăng mạnh nếu nền kinh tế vì bất kỳ lý do gì không đạt được con số tăng trưởng mục tiêu.

Chính phủ không nên theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Các khoản chi tiêu đầu tư công cần phải cẩn trọng, và phải là những khoản chi tiêu tạo được những hiệu ứng tích cực với năng suất và đầu tư trong dài hạn của khu vực tư nhân, chứ không phải vì mục tiêu tăng trưởng tạm thời.

Nhiệm vụ quan trọng của một chính phủ kiến tạo phát triển là ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh (tháo gỡ các rào cản) cho doanh nghiệp. Làm được như thế là Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, còn tăng trưởng là công việc của các doanh nghiệp, không nên là mục tiêu trực tiếp của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã xác định coi khu vực doanh nghiệp tư nhân là trọng tâm và thoái vốn mạnh khỏi khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Ổn định kinh tế vĩ mô không phải là từ bỏ tăng trưởng mà trái lại nó chính là tiền đề để thu hút đầu tư tư nhân trong nước cũng như nước ngoài, tạo động lực cho tăng trưởng cao trong dài hạn.

Để ổn định môi trường kinh tế vĩ mô

Để ổn định môi trường kinh tế vĩ mô thì Chính phủ cần kiên trì hai mục tiêu đó là: (i) giảm thâm hụt ngân sách xuống còn khoảng 2-3% GDP (nhằm đảm bảo tính bền vững của nợ công) và; (ii) giữ lạm phát ở mức thấp vừa phải (3%). Với mục tiêu thứ nhất thì dùng chính sách tài khóa. Nhưng để giảm thâm hụt ngân sách thì phải cắt giảm ở phía chi chứ không phải tăng thu hay lạm thu như thời gian vừa qua, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và làm xấu đi môi trường kinh doanh. Giảm chi, mà cụ thể là chi thường xuyên, là một bài toán cực kỳ khó do bộ máy hành chính cồng kềnh và chi tiêu lãng phí. Không ở một nước nào mà ngân sách lại phải gánh nhiều khoản chi từ duy trì bộ máy hành chính, đầu tư phát triển, văn hóa,thể thao, du lịch, hội hè, kỷ niệm...

Với mục tiêu lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo cung tiền không tăng quá 12-15% mỗi năm. Những năm vừa qua mặc dù có giảm so với trước đây nhưng tốc độ tăng trưởng cung tiền vẫn xấp xỉ trên 20% mỗi năm. Như thế là quá nhiều, sức ép lạm phát và nguy cơ mất giá tiền tệ luôn luôn thường trực trong nền kinh tế. Vì thế Chính phủ phải dùng các biện pháp hành chính với lãi suất và tỷ giá để ngăn chặn các nguy cơ đó. Doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài luôn nơm nớp lo sợ lạm phát và mất giá tiền tệ. Do vậy, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đầy rủi ro, doanh nghiệp chưa thể an tâm với các quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài.

Với môi trường kinh doanh ở cấp độ doanh nghiệp thì Chính phủ cần trực tiếp lắng nghe các doanh nghiệp hoặc thông qua các bên trung gian như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tháo gỡ những rào cản cho họ. Cần kiên quyết gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh, giấy phép không cần thiết hoặc mang tính lợi ích cục bộ của các bộ, ngành. Cần phải cải thiện tính cạnh tranh của tất cả các thị trường, đặc biệt là phải giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở thâm hụt ngân sách. Nếu giải quyết được điều này thì các mục tiêu về lạm phát hay giảm thuế, phí cho doanh nghiệp sẽ dễ dàng đạt được. Còn không, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phải hỗ trợ ngân sách một cách trực tiếp hay gián tiếp khiến cung tiền tăng mạnh, Bộ Tài chính tiếp tục phải nghĩ ra các loại thuế, phí mới để bù đắp cho các khoản thu mất đi do hội nhập quốc tế. Hậu quả là, môi trường kinh tế vĩ mô sẽ luôn bất ổn, khó mà thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để tạo ra sự tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế.

http://www.thesaigontimes.vn/160802/Dau-tu-cong-khong-nen-vi-tang-truong-kinh-te-ngan-han.html

Các tin tức khác

>   Phó Thủ tướng: Rà soát từng ngành để đạt tăng trưởng 6,7% (02/06/2017)

>   Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (01/06/2017)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Donald Trump (01/06/2017)

>   Việt Nam phải vay ODA với lãi suất cao từ tháng 7 (31/05/2017)

>   Băn khoăn việc gạt nợ DNNN ra khỏi nợ công (31/05/2017)

>   ‘Việt Nam xuất khẩu 100 USD, Mỹ hưởng lợi 78 USD’ (31/05/2017)

>   Quản nợ công: Ba cơ quan hay chỉ một? (30/05/2017)

>   Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên tờ Washington Times (30/05/2017)

>   Thủ tướng trả lời phỏng vấn Bloomberg về quan hệ hợp tác Việt-Mỹ (30/05/2017)

>   Thủ tướng lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay (29/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật