Quản nợ công: Ba cơ quan hay chỉ một?
Chính phủ muốn giữ nguyên ba cơ quan cùng quản lý nợ công, nhưng nhiều đại biểu lại có ý kiến khác, khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) trong phiên thảo luận tổ chiều 30/5.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh phát biểu góp ý sửa Luật Quản lý nợ công.
|
Những bất cập trong quản lý nợ công, theo nhiều đại biểu Quốc hội là có nguyên nhân từ đầu mối quản lý còn phân tán.
Nhưng, lần sửa đổi này, Chính phủ vẫn trình Quốc hội giữ nguyên quy định như hiện hành tại Luật Quản lý nợ công 2009 nhằm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của ba cơ quan cùng quản lý nợ công.
Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cụ thể (trừ các thỏa thuận vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thống nhất quản lý vốn vay ODA, trong đó chủ trì vận động, điều phối, đàm phán ký kết các hiệp định khung về ODA và vay ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò chủ trì đàm phán ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á).
“Chỉ nên giao một đầu mối”
Quan điểm này của Chính phủ lại không được cơ quan thẩm tra đồng tình.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị quy định theo hướng chỉ nên giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay...
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại tổ thảo luận gồm các đoàn Thái Bình, Đồng Nai, Cao Bằng đều đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Đại biểu Trần Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị chỉ giao cho một cơ quan để làm rõ trách nhiệm, tránh tình trạng ông này đổ trách nhiệm cho ông kia.
“Chính phủ cần mạnh dạn sắp xếp lại và nên giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng thể từ lập kế hoạch, vay nợ, lộ trình trả nợ...”, đại biểu Xuyền góp ý.
“Mỗi ông theo dõi một lĩnh vực thì cũng không giúp được Chính phủ”, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng cơ chế ba bộ ngành cùng quản lý nợ công như hiện nay là bất hợp lý. “Tôi nghiêng về phương án thu về một mối, một trong ba bộ ngành hiện nay quản, hoặc thành lập một cơ quan mới, không nên để một người đàm phán, một người đem phân bổ và một người trả nợ như hiện nay”.
Không phân tích nhiều nhưng một số vị khác cũng thống nhất chỉ nên giao cho một đầu mối.
“Kiểm soát lẫn nhau thì tốt hơn”
Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng không nên xáo trộn vì hiện nay ba cơ quan cùng quản lý cũng không có vướng mắc gì.
Đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam thì “cơ chế các cơ quan kiểm soát lẫn nhau thì tốt hơn, vấn đề là phân chia trách nhiệm rõ ràng”.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) khẳng định trong quản lý nợ công thì vai trò Chính phủ là quan trọng nhất. Nếu về chuyên môn sâu thì ba bộ ba lĩnh vực là chuẩn, còn Văn phòng Chính phủ phải tập hợp, tham mưu, chứ mình Bộ Tài chính cũng không làm được.
“Quốc hội chỉ xem xét trách nhiệm của Chính phủ chứ không xem xét trách nhiệm của bộ ngành”, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Đồng tình với lập luận này, đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) cho rằng Chính phủ phải chịu trách nhiệm còn Chính phủ giao cho bộ ngành nào quản lý thì không cần can thiệp quá sâu.
“Đề nghị chỉ rõ trách nhiệm cá nhân”
Bên cạnh nội dung nói trên, nhiều đại biểu còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, liên quan đến nợ của doanh nghiệp Nhà nước vàn nợ của địa phương.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhìn nhận: “Doanh nghiệp Nhà nước vừa qua hoạt động rất kém hiệu quả, để lại nợ lớn. Nhất là nếu vay nước ngoài thì lại càng nguy hiểm, trước sau nhà nước cũng phải thanh toán để bảo vệ uy tín quốc gia”.
“Tương tự, khoản vốn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại thì hầu hết các địa phương này cũng khó khăn, được điều tiết ngân sách từ trung ương, thế thì suy cho cùng Trug ương vẫn trả”.
Đại biểu Gia cũng cho rằng, dự thảo luật cần chú trọng quy định về trách nhiệm cá nhân sao cho khả thi, vì “vay ODA thường là đời cha vay đời con trả, đến lúc không trả được thì người đứng đầu ký vay ngày trước đã nghỉ rồi, quy trách nhiệm thế nào?”.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) lo ngại: “Nợ công cao trong tình hình như hiện nay (GDP không đạt) thế này thì có thể vượt trần bất kỳ lúc nào, nợ Chính phủ thì đã vượt trần rồi. Đề nghị chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của người ký bảo lãnh vay, nội dung này trong dự luật hãy còn sơ sài”.
http://vneconomy.vn/thoi-su/quan-no-cong-ba-co-quan-hay-chi-mot-2017053004271844.htm
|