Đã đến lúc mua dầu?
Giá dầu đang dao động gần mức 50 USD/thùng một lần nữa, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dường như đã đánh mất khả năng ảnh hưởng lên giá và một lượng dầu mới từ Texas cho đến Libya chuẩn bị đổ vào thị trường. Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng đây là thời điểm tuyệt vời để mua dầu, Bloomberg cho hay.
Jeffrey Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs Group, cho hay thị trường dầu toàn cầu đang tái cân bằng nhanh chóng bất chấp đà bán tháo trong tuần trước.
Theo Neil Atkinson, Trưởng Bộ phận thị trường và ngành dầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu OPEC kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2017 thì nhu cầu dầu sẽ vượt nguồn cung trong tương lai.
“Liệu tôi có muốn mua dầu? Câu trả lời chắc chắn là có, bởi vì chúng ta chuẩn bị bước vào thị trường thiếu hụt nguồn cung”, ông Currie cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh S&P Global Platts Global Crude hôm thứ Tư.
Giá dầu Brent – dầu tiêu chuẩn quốc tế, rơi xuống đáy 5 tháng tại 46.64 USD/thùng trong tuần trước khi nhà đầu tư nghi ngờ về tính hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, vốn được ký kết giữa các nhà sản xuất chủ chốt trong và ngoài OPEC. Các tín hiệu từ Ả-rập Xê-út và Moscow (Nga) cho thấy họ có thể kéo dài thỏa thuận đến năm 2018. Tuy nhiên, những tín hiệu này vẫn không thể khiến giá dầu hồi phục. Trong lúc sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ tiếp tục gây ra sự nghi ngờ về tình trạng dư cung toàn cầu thì các ngân hàng như Goldman Sachs và Citigroup cho biết thị trường dầu đang thu hẹp và giá chuẩn bị tăng trở lại.
Những nhà đầu tư giá lên đã kiếm được một vài thông tin tích cực từ báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ về dự trữ dầu thô. Trong tuần trước, nguồn cung dầu thô tại Mỹ giảm 5.2 triệu thùng, mức lao dốc mạnh nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, giá dầu WTI đã leo dốc 3.3% lên 47.40 USD/thùng ngay sau khi dữ liệu được công bố. Tính đến lúc 12h43 giờ Singapore, giá dầu WTI tiến 0.6% lên 47.59 USD/thùng, còn dầu Brent tăng 0.6% lên 50.50 USD/thùng.
Dự trữ ngày càng giảm
Đà lao dốc của nguồn cung dầu toàn cầu sẽ được đẩy nhanh trong quý này, ông Currie cho biết. Ông nói thêm khối lượng dầu đang dự trữ ở các tàu chở dầu – thường là chỉ báo quan trọng về tình trạng dư cung – đang tụt dốc nhanh chóng.
Mục tiêu của thỏa thuận OPEC là thu hẹp nguồn cung dầu, và nếu xét trên phương diện này thì thỏa thuận này đang tỏ ra hiệu quả, Bassam Fattouh, Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay.
OPEC và các đồng minh của mình dường như muốn kéo dài thỏa thuận đến hết năm 2017, nhưng không ai cho rằng những nhà sản xuất này sẽ duy trì được mức độ tuân thủ “gần như hoàn toàn” như vài tháng gần đây.
Các mối lo ngại
Trước đó, Libya và Nigeria là 2 thành viên của OPEC được miễn tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì các cuộc xung đột nội bộ đã tác động quá tiêu cực đến sản lượng của các quốc gia này.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Libya hiện đã tăng lên 800,000 thùng/ngày khi các mỏ dầu bắt đầu hoạt động trở lại. Còn đường ống dẫn dầu Forcados của Nigeria, vốn vận chuyển 200,000 thùng/ngày, cũng sẵn sàng xuất khẩu trở lại sau khi đóng cửa hoạt động liên tục kể từ tháng 2/2016.
Dẫu vậy, ông Fyfe vẫn cho rằng dự trữ dầu sẽ tiếp tục lao dốc ngay cả khi mức độ tuân thủ thỏa thuận của OPEC giảm đi một chút.
Goldman Sachs còn dự báo giá dầu WTI sẽ tiến lên mức 55 USD/thùng và giá dầu Brent sẽ lên ngưỡng 57 USD/thùng trong quý 4/2017.
“Nếu mục tiêu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng là chuyển từ tình trạng dư cung sang tình trạng thiếu hụt nguồn cung thì điều này đang diễn ra một cách từ từ”, ông Atkinson cho hay./.
|