CPI giảm mạnh, liệu có dư địa để NHNN hạ lãi suất?
Rõ ràng những điều kiện vĩ mô hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất. Tuy nhiên, sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất yếu…
CPI có thể sẽ giảm lần đầu tiên trong năm 2017
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4-2017 không thay đổi so với tháng trước và chỉ tăng 0,9% so với tháng 12-2016 và tăng 4,3% so với cùng kỳ của tháng 4-2016.
Với việc giá thịt heo đang ở mức thấp kỷ lục, giảm tới 40% so mức giá bình quân của năm 2016, chỉ số CPI trong tháng 5-2017 được dự báo sẽ giảm so với tháng 4-2017, qua đó, có thể kéo CPI (so với cùng kỳ năm trước) xuống dưới 4% do quyền số của nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa được sử dụng để tính toán CPI, lên tới 42,85%.
Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác có thể hỗ trợ cho CPI giảm trong tháng 5, như giá dầu thế giới đã quay đầu giảm liên tục từ cuối tháng 4-2017 đến nay, chỉ số giá lương thực thế giới (FAO Food Price Index) tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm 2017 đến nay hay phương án điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết bao giờ mới hoàn thiện.
Có hay không cơ hội để NHNN giảm lãi suất huy động?
Giảm lãi suất huy động làm tiền đề để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay đã, đang và sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hiện tại và cả trong tương lai. Đặc biệt, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4-2017, Thủ tướng đã nhấn mạnh quan điểm tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017, ngay cả khi GDP trong quí 1-2017 chỉ tăng 5,1% khiến cho áp lực tăng trưởng trong ba quí sắp tới là rất lớn.
Hạ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm động lực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mang lại hiệu ứng dây chuyền tích cực cho cả nền kinh tế. Để hạ mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1, NHNN hoàn toàn có thể hạ trần lãi suất huy động, hoặc hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO). Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động đang được neo ở mức 5,5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng và lãi suất mua bán vốn trên OMO ở mức 5%/năm. Như vậy, chênh lệch giữa các mức lãi suất điều hành hiện tại và chỉ số CPI (so với cùng kỳ năm trước) có thể lên tới 1-1,5%/năm nếu như CPI giảm giá trong tháng 5-2017. Do đó, NHNN hoàn toàn có dư địa để hạ lãi suất thêm khoảng 0,25-0,5% vào thời điểm hiện tại mà vẫn đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương của người gửi tiền.
Còn nhớ, trước kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vào năm ngoái, NHNN cũng đã có “chỉ đạo mềm” khi yêu cầu bốn NHTM gốc Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,3% đối với các khoản huy động dưới sáu tháng và duy trì mức ngang bằng nhau kể từ ngày 26-9-2016 đến nay...
http://www.thesaigontimes.vn/159910/CPI-giam-manh-lieu-co-du-dia-de-NHNN-ha-lai-suat.html
|