Tại sao mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam cao hơn nhiều nước?
Việt Nam là nước đang phát triển, các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp và vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,..
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ thông tin một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp là vì lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp và vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD.
Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11.9%/năm, Thái Lan là 6.3%/năm, Singapore là 5.4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.
Thống đốc cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0.3-0.5%/năm lãi suất huy động, giảm 0.5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay.
Trước đó, tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội ngày 8/11/2016 đã chỉ đạo giao ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Thời gian tới, Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đặc biệt quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế./.
|