Thứ Ba, 16/05/2017 13:08

ĐHĐCĐ Ngân hàng: Những chuyến tàu muộn!

Tháng cao điểm mùa ĐHĐCĐ đã qua đi, nhiều ngân hàng đã tổ chức thành công Đại hội và chính thức bắt nhịp hành trình mới trên những chuyến tàu. Tuy nhiên, vẫn còn lác đác vài nhà băng chưa hoàn tất trọng sự này trên những chuyến tàu muộn!

Là một trong những tâm điểm chú ý thời gian qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) liên tục được nhắc đến liên quan đến tái cơ cấu và khâu chuẩn bị nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2017-2021. Sau một lần dời họp, Ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào 26/05 tới.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) và nhóm nhà đầu tư trong đó có ông Đặng Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank) đã từng “đánh tiếng” muốn tham gia rót vốn và tái cơ cấu Sacombank. Tuy nhiên, sau đó Novaland đã rút lui, ông Đặng Văn Thành cũng không có tên trong danh sách ứng viên HĐQT mà lại là cái tên khác không mấy xa lạ trong giới tài chính ngân hàng là ông Nguyễn Đức Hưởng. Ông Hưởng nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB), ông chỉ mới rút lui khỏi HĐQT LienVietPostBank vài ngày trước khi chính thức xuất hiện tên ứng cử vào Sacombank. Ngoài ông Hưởng còn có một thành viên khác liên quan đến họ “Liên Việt” là bà Nguyễn Thị Bích Hồng – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Liên Việt.

Ngoài ra còn có những ứng viên khác đến từ Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB). Đây có thể ngầm hiểu rằng là những ứng viên liên quan đến NHNN bởi NHNN cũng đã được ủy quyền thực hiện quyền cổ đông với đại diện là Công ty quản lý tài sản của các TCTD – VAMC (theo thông tin từ báo chí tỷ lệ VAMC nắm quyền là 51%). Hiện danh sách này đang được trình xin ý kiến của NHNN.

Trước đây, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê) tại Sacombank theo lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu Sacombank đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Theo kết quả kinh doanh mới cập nhật, Sacombank đạt hơn 210 tỷ đồng lãi ròng trong quý 1/2017, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khoảng thời gian gần đây, giá cổ phiếu STB liên tục tăng từ mức 7,500 đồng/cp vào gần cuối 2016 lên hơn 13,000 đồng/cp, và hiện đang quanh ngưỡng này. Thanh khoản của STB cũng tăng mạnh với bình quân từ đầu năm đến nay khoảng hơn 4.5 triệu cp/phiên (bình quân năm 2016 là hơn 1 triệu cp/phiên), thậm chí có phiên khối lượng giao dịch lên đến 26.3 triệu cp.

Diễn biến giá cổ phiếu STB từ đầu năm đến nay

Một nhà băng khác có quy mô khá lớn là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa công bố lịch họp ĐHĐCĐ thường niên 2017 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. PVcomBank sẽ bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang sở hữu 52% vốn Ngân hàng (tính đến cuối năm 2016).

PVcomBank cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu 2016 – 2020, tương tự tại Sacombank, NHNN đang tiếp nhận đại diện sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu.

* ĐHĐCĐ PVcomBank: Nguyên Chủ tịch Westernbank thôi nhiệm

Về kết quả hoạt động kinh doanh, PVcomBank chưa công bố BCTC năm 2016, riêng trong 9 tháng đầu năm này thì Ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế hơn 46 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2015.

Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, SGB) từng công bố dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 4/2017 nhưng đến thời điểm này đã là giữa tháng 5 nhưng chưa thấy có thông tin gì mới. Trước đó, Saigonbank vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bầu bổ sung ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017.

Trong năm 2016, Saigonbank đạt lợi nhuận sau thuế 139 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2015.

Cổ phiếu Saigonbank gần đây liên tục có biến động về chủ sở hữu. Ngoài các giao dịch thoái vốn của những đơn vị Nhà nước, vào cuối năm 2016, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) đã chuyển nhượng hơn 16.87 triệu cp Saigonbank, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10.4% xuống 4.9% vốn và không còn là cổ đông lớn. Sau đó 1 tháng, đến gần cuối tháng 1/2017, hàng loạt các vị trong Ban điều hành và người có liên quan đã bán bớt/hết cổ phần nắm giữ.

Mới đây, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) cũng vừa thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 rằng sẽ tập trung rút vốn tại các tổ chức tín dụng mà Vietcombank đầu tư, trong đó có Saigonbank (Vietcombank nắm 4.3% vốn).

Danh sách cổ đông lớn của Saigonbank tính đến 31/12/2016

Cổ đông lớn của Saigonbank gồm có Văn phòng Thành ủy TPHCM 18.18% vốn, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận 16.6%, Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa 16.35% và Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM 14% (tính đến cuối năm 2016).

Cũng cần nhắc lại thông tin vào giữa năm 2014 đến đầu năm 2015, báo chi từng đưa thông tin về khả năng Saigonbank về chung “một nhà” với Vietcombank. Nhưng thời điểm đó Ngân hàng cho biết mình được tự cơ cấu lại theo phương án đã được NHNN phê duyệt

Một trường hợp đặc biệt khác là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đã không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 trong năm vừa qua và cũng chưa có thông tin gì về ĐHĐCĐ 2017. Thời gian qua Ngân hàng đã hứng chịu nhiều “cú sốc” khi dàn lãnh đạo cao cấp vướng vòng lao lý. Theo đó, NHNN đã chỉ định ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, sang tham gia và làm Chủ tịch HĐQT DongABank nhiệm kỳ 2010-2015, ngoài ra còn có một số thành viên khác từ VietinBank và BIDV vào Ban lãnh đạo của Ngân hàng.

Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT đồng thời là vợ của ông Trần Phương Bình – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc DongABank tiết lộ “câu chuyện DongABank không kinh khủng, và thất thoát không lớn như người ta nói”. DongABank đã có giải pháp đầu ra, và chắc chắn không có chuyện mua DongABank 0 đồng.

Tuy nhiên, cổ đông của DongABank chắc cũng không “thoải mái” cho lắm khi không được chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng kể từ giữa tháng 8/2015 theo chỉ đạo của Ban kiểm soát đặc biệt tại DongABank.

Riêng Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank – MSB) cũng vừa công bố dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 26/05. Nhưng lạ lùng là tài liệu ĐHĐCĐ trên website Ngân hàng chỉ toàn là những trang giấy trắng và không hề có nội dung gì (trừ thông báo mời họp). Được biết, trong năm 2016, MaritimeBank đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1,900 tỷ nhưng phải trích lập dự phòng 1,740 tỷ đồng (hơn 90% lợi nhuận), kết quả lãi sau thuế đạt 140 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015.

Chưa biết sẽ còn những bất ngờ gì tại những nhà băng này bởi thông tin cuối cùng về tài liệu ĐHĐCĐ vẫn chưa được công bố. Với những chuyến tàu muộn này, sân ga vẫn hối hả hành khách, người trên tàu chờ xuống ga, kẻ dưới sân ga chờ lên tàu với đủ mọi cung bậc cảm xúc lo lắng, kỳ vọng…/.

Các tin tức khác

>   Tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm 1 đồng (16/05/2017)

>   Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4.8%/năm (15/05/2017)

>   Hà Nội: Khuyến khích cho vay vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (15/05/2017)

>   Tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt tại ngân hàng (15/05/2017)

>   Tỷ giá giảm 2 đồng, USD ngân hàng tiếp tục giảm (15/05/2017)

>   “Sợ” xử lý ngân hàng yếu kém, không ít cán bộ xin thôi việc (15/05/2017)

>   Ngân hàng Việt Nam trước triển vọng tái tạo hơn 600.000 tỷ (15/05/2017)

>   Mất tiền trong tài khoản: Lộ lỗ hổng bảo mật của ngân hàng (14/05/2017)

>   SHB: 16/05 sẽ lưu ký 100 triệu cp (14/05/2017)

>   “Hy vọng vào cơ hội dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu” (14/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật