Chuyển động dòng tiền tuần 06-10/03:
Thoát khỏi đầu cơ, dòng tiền quay lại hàng cơ bản
Trong một tuần mà hai chỉ số giao dịch khá giằng co, thanh khoản chung sụt giảm thì dòng tiền lại hướng đến nhóm cổ phiếu hàng cơ bản, đặc biệt là nhóm xây dựng và bất động sản.
Trong tuần giao dịch 06-10/03, thanh khoản thị trường trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 173.5 triệu đơn vị/phiên giảm 3.61% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 44.8 triệu cổ phiếu/phiên giảm 16.32%.
Đáng chú ý, điểm đến của dòng tiền trong tuần qua trên cả hai sàn có xu hướng tập trung vào nhóm bất động sản và xây dựng, đặc biệt những mã được đánh giá là kinh doanh tích cực. Trên HOSE, cổ phiếu NTL có khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 1.3 triệu cp/phiên, tăng gần 320% so với tuần giao dịch trước đó. Mới đây, HĐQT NTL đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 với doanh thu dự kiến 400 tỷ và lãi trước thế 110 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 17% so với kết quả năm 2016. Cổ tức 2017 dự kiến 10%.
Với khối lượng giao dịch bình quân tăng trưởng trên 300% so với tuần trước đó, NLG còn tạo ấn tượng mạnh với nhà đầu tư khi giá cổ phiếu bật tăng gần 11%, đóng cửa tuần qua tại 25,400 đồng/cp, ghi nhận mức cao nhất trong 1 năm qua. Tổng kết cả năm 2016, NLG đạt doanh thu thuần 2,533.8 tỷ đồng, gấp đôi so với kết quả trong năm trước và đạt 79% kế hoạch năm. Lãi ròng cả năm đạt 345 tỷ đồng, tăng trưởng 67% và đạt 86.5% chỉ tiêu đề ra. Kết quả ấn tượng của NLG là đến từ các dự án thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền (bàn giao các dự án Ehome và Flora Sakura) vốn đang có nhu cầu rất lớn hiện nay.
NLG chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2017 nhưng giá trị hợp đồng 2016 tăng 67% so với 2015 lên mức cao nhất từ trước đến nay với 2,500 căn trị giá 2,800 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ các thương hiệu căn hộ của Công ty được thị trường đón nhận tích cực như Ehome và Flora. Ban lãnh đạo NLG ước tính 70% giá trị hợp đồng vẫn chưa được ghi nhận. Do giá trị bán hàng chưa ghi nhận năm 2016 khá lớn nên triển vọng lợi nhuận của NLG năm 2017 rất sáng sủa.
Một ông lớn bất động sản khác cũng góp mặt trong nhóm 20 đơn vị tăng trưởng dòng tiền tuần qua nữa là DXG. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân cổ phiếu DXG tuần qua đạt gần 4.5 triệu cp/phiên, tăng 38% so với tuần trước đó nữa. Nhà đầu tư mạnh tay mua DXG trước thông tin HĐQT Tập đoàn này quyết định nâng cổ tức 2016 lên 18% cũng như đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 với doanh thu thuần 3,300 tỷ đồng và lãi ròng 700 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 30% so với kết quả đạt được năm 2016.
Ở nhóm ngành xây dựng, CTD với vai trò là đơn vị đầu ngành trong phân khúc xây dựng nhà cửa, cao ốc đã được nhà đầu tư đẩy mạnh giải ngân hàng khi giá cổ phiếu điều chỉnh giảm trong tuần qua. Kết quả là thanh khoản CTD tuần qua tăng 142%, đạt 245,000 cp/phiên. Được biết, từ đầu năm 2017, CTD đã trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị hơn 9,000 tỷ đồng.
Ông lớn REE cũng góp mặt trong nhóm cổ phiếu có thanh khoản tăng trên 100% trong tuần qua. Ngoài ra, phải kể đến nhiều đơn vị trong ngành bất động sản và xây dựng khác có dòng tiền tăng trưởng như DRH, C32, LCG, SJS, DIG, CTI, CII, ROS, TDH…
Trong tuần qua, khá nhiều mã lớn cũng bị suy giảm về dòng tiền như HBC, TDC, LHG, MSN, BVH, NBB…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên HNX, tăng trưởng mạnh nhất về dòng tiền cũng là một mã trong ngành bất động sản NDN. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân tuần qua của NDN đạt gần 745,000 cp/phiên, tăng 257% so với tuần trước đó. Hai ông lớn ngành xây dựng là VCG và HUT cũng nằm trong nhóm có dòng tiền tăng trưởng 100% so với tuần giao dịch trước đó.
Tuần qua cũng khá đặc biệt với mã HHG khi khối lượng giao dịch bình quân tăng 63% và giá tăng hơn 11% để chạm sát mốc 11,000 đồng/cp – cùng đỉnh cao nhất trong 1 năm qua. Năm 2017, HHG đặt chỉ tiêu doanh thu hơn 330 tỷ đồng, tăng 20% và lãi sau thuế ước đạt hơn 45 tỷ đồng, tăng 11%. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 15.5%.
Cũng trên sàn HNX, nhà đầu tư được chứng kiến dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm đầu cơ như DPS, KSK, ITQ, BII, KLF, PVX, SPI, SVN, VIG, PVL….
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
|