Giải mã con sóng tăng giá tại CVT
Sau 5 năm lặng lẽ kể từ lúc chào sàn, đến giữa năm 2014, cổ phiếu CTCP CMC (HNX: CVT) đã bắt đầu đợt sóng tăng lớn, tuy có muộn màng nhưng kéo dài kỷ lục mãi cho đến tận bây giờ. Theo đó, thị giá tăng hơn 555% từ 8,800 đồng (18/07/2014) lên mức 57,700 đồng/cp (14/03/2017); chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017 mức tăng tương ứng đạt 23% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chào sàn vào ngày 05/11/2009, cổ phiếu CVT dường như không thực sự hấp dẫn nhà đầu tư khi khối lượng giao dịch ở mức rất thấp và giá cũng không có gì nổi bật. Đáng nói hơn khi thời gian về sau (kéo dài suốt gần 5 năm) giá cổ phiếu CVT chỉ dao động đâu đó quanh 4,000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh), khối lượng giao dịch cũng không hề cải thiện.
Song, bước sang năm 2014, giá cp tại CVT bắt đầu rục rịch chuyển mình, đầu tháng 8 năm này là cột mốc đánh dấu cho những tháng ngày thăng hoa sau đó, giá cp liên tục leo dốc, lượng giao dịch cũng sôi động hơn hẳn, có lúc đạt đến 800,000 cp/phiên. Với những kỳ tích về bước giá trên thị trường như vậy, CVT ngay lập tức lọt vào mắt xanh của giới phân tích khi liên tiếp là cái tên được nhắc đến trong khuyến nghị đầu tư của các công ty chứng khoán.
Một trong số đó, theo nhận định của CTCP Chứng khoán MB (MBS) lúc bấy giờ, động lực tăng giá của CVT chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh nổi bật, khi mà chỉ sau 9 tháng đầu năm 2014 Công ty đã nhẹ nhàng hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Kết quả là xu hướng tăng điểm của cổ phiếu CVT tiếp tục gia tăng và không ngừng kéo dài cho đến ngày nay, đạt 55,000 đồng/cp, tương ứng tăng 1,209% so với thời mới niêm yết. Một tỷ lệ tăng trưởng “siêu khủng”!
Giao dịch cổ phiếu CVT trong 8 năm tham gia thị trường chứng khoán
|
Động lực tăng trưởng từ bộ đôi Nhà máy CMC
CMC có tiền thân là nhà máy bê tông Việt Trì được thành lập từ những năm 1960 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng – Bộ Xây dựng, chuyên sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng (gạch ngói, các loại tấm lợp…), đường ống thoát nước và phụ kiện nước, thiết bị gia công chế biến gỗ dân dụng và gỗ xây dựng,…
Tỷ lệ sở hữu của HĐQT
|
|
Khoảng 4 năm đầu lên sàn, kết quả kinh doanh CVT không những không duy trì được mức tăng trưởng mà còn suy giảm dần. Đến năm 2010, nhờ đầu tư xây dựng thêm nhà máy gạch CMC2 giai đoạn 1 tại khu công nghiệp Thụy Vân với công suất đạt khoảng 5 triệu m2/năm, đi vào sản xuất từ cuối năm 2012 và bắt đầu chạy hết công suất từ năm 2013, kết quả kinh doanh CVT bắt đầu khởi sắc từ năm 2013 với doanh thu đạt hơn 607 tỷ đồng, tăng gấp hai lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 19 tỷ đồng, trong khi năm 2012 thu về chỉ 11 tỷ đồng.
Có thể nói, giai đoạn 2013 – 2015 là thời kỳ bứt phá của CVT khi doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Chưa dừng lại, tại ĐHĐCĐ năm 2015, cổ đông CVT đã thông qua kế hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy CMC2 giai đoạn 2, bằng việc lắp đặt thêm 1 dây chuyền sản xuất gạch với công suất dự kiến khoảng từ 3 – 5 triệu m2/năm và vốn đầu tư đâu đó gần 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư nâng cấp Nhà máy CMC1, đồng thời xây dựng mới Xí nghiệp bao bì công suất 20 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư lên đến 108 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, dây chuyền gạch ốp nung 2 lần cùng với dây chuyền gạch mài bóng tại nhà máy CMC2 đã đi vào hoạt động và dần ổn định chất lượng cũng như năng suất. Đồng thời, tại nhà máy CMC1, Công ty cũng đã cải tạo dây chuyền số 1 xưởng 1 (sản xuất gạch thẻ), cải tạo sây chuyền số 1 xưởng 2 (từ 2 đai lên 4 dây đai) và một số thiết bị máy móc khác.
Và sự đầu tư này tiếp tục mang lại hiệu quả lớn cho CVT trong năm 2016. Doanh thu CVT nhảy vọt lên 1,118 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 153 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 1.5 và 2.5 lần so với năm 2015. Trong đó, tính riêng quý 4/2016, doanh thu đạt hơn 361 tỷ; lãi ròng đạt 64 tỷ đồng, tăng đến 46 tỷ so với con số 18 tỷ thu về cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình từ phía Công ty, sở dĩ lãi ròng tăng mạnh là do dây chuyền công nghệ mới đi vào sản xuất ổn định với công suất cao và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2009 – 2016
Đvt: Tỷ đồng
|
Ở CVT còn một điểm khá hấp dẫn nhà đầu tư nữa chính là về vấn đề cổ tức. Năm đầu tiên lên sàn, CVT trả cổ tức 30% cho cổ đông. Và con số này giảm dần theo kết quả hoạt động của CVT đến năm 2012. Tuy nhiên, trong năm đạt mức lợi nhuận thấp nhất là 2012 thì CVT vẫn trả cổ tức cho cổ đông một tỷ lệ 10%.
Bắt đầu từ năm 2013 trở lại đây thì tỷ lệ cổ tức CVT đã tăng trở lại, lên mức 25% cho năm 2015. Bước sang năm 2016, với thành tích vượt bậc về hiệu quả kinh doanh, Công ty đã quyết định tăng tỷ lệ cổ tức lên gấp đôi so với kế hoạch ban đầu, đạt đến 50%, một con số khá hiếm hoi trên thị trường hiện nay.
Ngày vui còn dài?
Cũng nói thêm về hoạt động của CVT trong năm 2016, dù giá bán của đa số các loại gạch ốp lát trên thị trường bị sụt giảm khoảng 10-15% so với năm trước, do đa số các doanh nghiệp trong ngành đã tận dụng sự phục hồi của thị trường bất động sản để nâng công suất, chiếm thị phần. Nhưng riêng CVT, nhờ đẩy mạnh tiêu thụ được một số loại gạch có kích thước đặc biệt, song song với lợi thế cạnh tranh trong phân khúc gạch ốp lát bình dân cùng dây chuyền công suất 3 triệu m2/năm, kết quả là biên lợi nhuận tại CVT tăng cao hơn, ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong kỳ.
Theo chia sẻ từ CVT, dù cạnh tranh trong thị trường gạch ốp lát các năm tới được dự báo sẽ tiếp tục gay gắt khi tổng cung hiện nay khoảng 650 triệu m2/năm đã vượt nhu cầu 500 triệu m2/năm, đồng thời, các đối thủ của CMC cũng đang có kế hoạch nâng cao công suất. Tuy vậy, CVT dự báo sẽ tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh trong phân khúc gạch ốp lát bình dân nhờ quy mô vừa phải, linh hoạt chuyển đổi sản xuất các dòng sản phẩm phù hợp định hướng kinh doanh trong từng giai đoạn.
Từ mức năng lực sản xuất chỉ 5 triệu m2/năm năm 2011, hiện nay CVT đã đầu tư nâng cao công suất tại hai nhà máy CMC1 và CMC2 đạt 16 triệu m2/năm. Theo một báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (BVS), sắp tới CVT sẽ đầu tư thêm dây chuyền mới với công suất là 3 triệu m2/năm tại nhà máy CMC2, sản xuất gạch granite thấm muối tan, dự kiến khởi công trong quý 1/2017 và hoàn thành vào quý 4 cùng năm. Theo kế hoạch, sản phẩm mới hướng đến phân khúc cao cấp với giá bán đến đại lý cấp 1 khoảng hơn 200,000 đồng/m2, lợi nhuận gộp vào khoảng 25%. Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ năm 2017 ước đạt hơn 13 triệu m2 gạch với 9 triệu m2 từ nhà máy CMC2 và 4 triệu m2 từ nhà máy CMC1.
Được biết, năm 2017, CVT sẽ tiếp tục chi hơn 267 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng cũng như đẩy mạnh công tác quảng cáo bán hàng, theo đó sản lượng dự phóng tăng hơn 15% lên 1,170 tỷ đồng, song song với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6.5 tỷ đồng, tương ứng tăng 8%. Kế hoạch chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt ở mức 1,300 tỷ và 170 tỷ đồng. Cổ tức 2017 dự kiến trong khoảng 30-35%./.
|