Thứ Hai, 27/03/2017 13:18

Cổ phiếu ngành hàng không: Những cuộc chạy đua trên bầu trời

Không chỉ gặt hái con số lợi nhuận tích cực, những cuộc chạy đua đổ bộ lên sàn chứng khoán hay cuộc chiến gia tăng thị phần ghi đậm dấu ấn trong bức tranh ngành hàng không năm 2016.

Lợi nhuận cất cánh

Năm 2016 là một năm thành công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, UPCoM: HVN) nhờ những thuận lợi đến từ sự tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không, đặc biệt là thị trường nội địa. Doanh thu thuần hợp nhất của hãng và các công ty thành viên đạt trên 70,000 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ghi nhận con số kỷ lục, xấp xỉ 2,600 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ và vượt 12% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế vượt mức 2,100 tỷ đồng, tăng 161%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 2,000 tỷ đồng.

Khối lượng vận chuyển của Vietnam Airlines đạt 20.6 triệu lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và 264 ngàn tấn hàng hóa, vượt gần 10% kế hoạch năm.

CTCP Hàng không VietJet (VietJet Air, HOSE: VJC) cũng ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế 2016 ấn tượng lên tới 2,395 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,290 tỷ đồng, tăng trưởng 96%; trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 2,292 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2017.

Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận cho tập đoàn Pháp Aeroports de Paris (ADP) mua lại 20% cổ phần ACV, qua đó trở thành đối tác cổ đông chiến lược.

Với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) - “gã khổng lồ” độc quyền trong khai thác cảng, lãi ròng hợp nhất tính riêng trong quý 4 (1,995 tỷ đồng) đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm (1,203 tỷ đồng). Trước đó, quý 2/2016 ACV lỗ gần 62 tỷ đồng, còn quý 3 lãi 756 tỷ đồng.

Tổng doanh thu công ty mẹ năm 2016 đạt mức 14,504 tỷ đồng, tương đương 120% kế hoạch năm; trong đó doanh thu đạt 13,394 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 4,078 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lợi nhuận trước thuế 2,277 tỷ đồng năm trước.

ACV dự kiến doanh thu thuần hợp nhất sẽ cán mốc 10,485 tỷ đồng vào năm 2020, tương đương với mức tăng trưởng bình quân 3%/năm. Lãi ròng ước đạt 1,216 tỷ vào năm 2017, 1,372 tỷ đồng năm 2018, chạm mức 1,626 tỷ năm 2019 và cán mốc 1,923 tỷ đồng năm 2020; tỷ lệ cổ tức dự kiến 5%.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2016 của các DNNY ngành hàng không
Đơn vị tính: Tỷ đồng
(*) Kỳ báo cáo từ 01/04 đến 31/12/2017

Bước tăng trưởng ấn tượng của các “ông lớn” ngành hàng không cũng kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ.

Điển hình như CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, UPCoM: SGN) - Công ty do ACV sở hữu hơn 48% vốn ghi nhận 883 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016, tăng 46% so với thực hiện năm 2015 và vượt 29% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 171 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và vượt kế hoạch 51%.

Giải trình về kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2016, Ban lãnh đạo SGN cho biết chi nhánh Cam Ranh chính thức đi vào hoạt động và có doanh thu từ tháng 7/2016, các hãng hàng không quốc tế bắt đầu khai thác thương mại, đồng thời VietJet Air đưa thêm máy bay mới vào khai thác, mở rộng đường bay góp phần làm tăng tần suất và doanh thu phục vụ chuyến bay quốc nội và quốc tế. Năm 2017, SGN đặt kế hoạch doanh thu 1,006 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 195 tỷ đồng (giảm so với mức 215 tỷ đưa ra hồi cuối năm 2016), tỷ lệ chia cổ tức 30%.

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, HNX: MAS) cũng có một năm kinh doanh khởi sắc với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tương ứng 30%, 19% lên 296 tỷ và 45 tỷ đồng. Hiện Masco là công ty liên kết của Vietnam Airlines với tỷ lệ nắm giữ 36.07%.

Hai công ty con của Vietnam Airlines - CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) và CTCP Dịch vụ Hàng không Nội Bài (Nasco, UPCoM: NAS) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng quanh mức 10% so với năm 2015, lần lượt đạt 68 tỷ và 29 tỷ đồng.

Ngược lại với NCS và NAS, một công ty con khác của Vietnam Airlines - CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) lại ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2016 cùng giảm xấp xỉ 14% xuống gần 690 tỷ và 270 tỷ đồng. Sở dĩ kết quả sản xuất kinh doanh của NCT giảm so với năm trước do tổng sản lượng phục vụ hàng hóa quốc tế giảm, sản lượng nội địa tuy tăng nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp. Được biết, NCT là doanh nghiệp ưa thích và chi trả cổ tức rất mạnh tay, cổ tức dự kiến năm 2016 là 106%. Giai đoạn 2011-2015 mức cổ tức luôn trên 100% mà đỉnh điểm là năm 2013 lên tới 236%.

Hạ cánh “sàn chứng khoán” an toàn

Lợi nhuận cất cánh đi cùng với sự ổn định của tỷ giá và giá dầu thô ở mức thấp đã hậu thuẫn tích cực cho cuộc đổ bộ lên sàn chứng khoán đầy “chấn động” của các ông lớn ngành hàng không thời gian qua.

Đầu tiên là đợt đốt nóng UPCoM của gần 2.2 tỷ cp ACV chào sàn hồi nửa cuối tháng 11/2016 với giá tham chiếu 25,000 đồng/cp. Không ngoài dự đoán của giới đầu tư, ngày đầu tiên lên sàn, cổ phiếu ACV đã mau chóng tăng kịch trần lên 35,000 đồng/cp với dư mua gần 2 triệu đơn vị tại giá trần. Hiện cổ phiếu này đã tăng hơn 50% lên giao dịch quanh ngưỡng 51,100 đồng/cp chốt phiên giao dịch 24/03/2017.

Diễn biến giá cổ phiếu ACV, HVN và VJC
từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Với tổng giá trị đăng ký giao dịch là 21,771 tỷ đồng, ACV đã vượt Tài nguyên Masan (Masan Resources Corporation, UPCoM: MSR) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL, UPCoM: TVN) trở thành công ty có quy mô vốn lớn nhất giao dịch trên UPCoM. Được biết, ACV cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE vào cuối năm 2017.

Dư âm chưa nguội, đầu tháng 1/2017, hơn 1.22 tỷ cp, tương ứng tổng giá trị 12,275 tỷ đồng của Vietnam Airlines (HVN) chính thức góp mặt trên UPCoM với giá tham chiếu 28,000 đồng/cp. Tương tự ACV, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HVN đã tăng kịch trần lên 39,200 đồng/cp. Trong phiên, chỉ có 700 cp được rao bán và lập tức thành "hàng nóng" bởi có tới 1,266,500 cp được đặt mua, trong đó có 1,165 cp được đặt mua ở mức giá trần.

Được biết, đại diện chủ sở hữu Nhà nước là Bộ GTVT đang sở hữu 86.16% vốn tại Vietnam Airlines; cổ đông chiến lược là tập đoàn ANA Holdings Inc. sở hữu 8.77% vốn và các cổ đông khác giữ 5.07% vốn.

Đến ngày 28/02/2017, hơn 300 triệu cổ phiếu VJC của VietJet chào sàn HOSE với giá khởi điểm 90,000 đồng. VietJet được định giá 27,000 tỷ đồng căn cứ theo kết quả của tổ chức tư vấn là CTCK Bản Việt (VCSC), tương đương 1.2 tỷ USD, chiếm khoảng 1.5% vốn hoá của HOSE và nằm trong danh sách 30 doanh nghiệp lớn nhất sàn HOSE. Sau niêm yết, cổ phiếu VJC tăng trần 4 phiên liên tiếp, tương đương mức tăng 53% và cán mốc 137,400 đồng/cp vào ngày 06/03/2017. Đây cùng là thời điểm vốn hoá thị trường của VietJet vượt mặt Vietnam Airlines. Tuy nhiên, “khoảnh khắc” này không duy trì lâu khi giá cổ phiếu VJC quay đầu giảm trong những phiên sau đó và hiện đang giao dịch quanh mức 129,700 đồng/cp.

Trước đó, ngày 16/01/2017, NAS được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM với hơn 8.3 triệu cp, tương ứng tổng mệnh giá hơn 83 tỷ đồng. Còn SGN, HĐQT cũng đưa kế hoạch chuyển giao dịch từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE trong năm 2017 nhằm mở rộng kênh huy động vốn.

Cuộc chiến thị phần: Vietnam Airlines – VietJet Air

Trong khi ACV nắm giữ vị trí độc quyền ở lĩnh vực của mình thì Vietnam Airlines và VietJet Air lại phải cạnh tranh từng chút để có thêm thị phần.

Với 5 hãng hàng không trong nước, Air Mekong đã ngừng bay từ đầu năm 2013, còn Jestar Pacific Airlines và VASCO đều là công ty con do Vietnam Airlines sở hữu lần lượt 69% và 100% vốn. Như vậy, thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam có thể xem là cuộc đối đầu giữa Vietnam Airlines và VietJet Air.

Tương tự các hãng hàng không full-service khác, Vietnam Airlines đang chịu áp lực lớn về thị phần giảm sút, nhất là thị trường nội địa khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình của hãng hàng không giá rẻ VietJet luôn ở mức 50% trong 3 năm gần đây.

Kể từ khi khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011 và thị phần chỉ đạt vỏn vẹn 8% vào năm 2012, đến nay con số này tại VietJet Air đã tăng gấp hơn 5 lần trong khi thị phần của Vietnam Airlines giảm gần một nửa. Năm 2016, VietJet Air thâu tóm được tới 41% thị phần hàng không trong nước, so với 42% của Vietnam Airlines. Cú lội ngược dòng về thị phần vẫn chưa dừng lại khi VietJet còn triển khai kế hoạch mở rộng cả đường bay và đội bay giai đoạn sắp tới.

Thị phần của các hàng hàng không Việt Nam 2011 - 6T2016
Nguồn: ACCV

Đến hết năm 2016, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 55 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, mạng đường bay nội địa gồm 41 đường bay đến 21 điểm. Đội tàu bay của tổng công ty hiện đang có 88 tàu bay, trong đó có 42 máy bay thuê ngoài và 46 máy bay sở hữu. Theo kế hoạch, hãng sẽ tiếp nhận 10 chiếc máy bay A350 và 8 chiếc B787 trong giai đoạn 2016-2019, nâng tổng số lượng tàu bay dự kiến là 115 chiếc trong 2019. Tổng công ty cũng sẽ thuê thêm 20 chiếc máy bay A321 NEO trong giai đoạn 2016-2020, để tăng năng lực khai thác và thay thế dần các dòng máy bay đã khai thác lâu.

Còn VietJet, tính đến 31/12/2016 đang khai thác 37 đường bay nội địa, 23 đường bay quốc tế và nhiều tuyến bay thuê chuyến. VietJet dự kiến sẽ tăng số đường bay nội địa lên 45 vào năm 2019 và tăng số đường bay quốc tế lên 36 vào năm 2018. Đội máy bay của Công ty gồm 41 máy bay với độ tuổi trung bình là 3.03 tuổi, trong đó gồm 30 máy bay Airbus A320-200 và 11 máy bay Airbus A321-200.

Cuối năm 2016, VietJet đặt hàng thêm 77 tàu Airbus dòng A320/A321 với quyền chọn thuê thêm và 100 tàu 737MAX 200, được giao từ 2019-2023. Trước đó, tháng 9/2016, Công ty đã ký hợp đồng với Airbus mua thêm 20 máy bay, thời gian bàn giao dự kiến 2017-2020. Số lượng máy bay của VietJet dự kiến sẽ tăng từ 41 lên 78 vào năm 2019, và tăng lên khoảng 200 máy bay đến năm 2023 sau khi đơn hàng với Airbus và Boeing được hoàn tất, gấp đôi số lượng tàu bay hiện tại của Vietnam Airlines.

Số liệu của IATA cho thấy thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới với tỷ lệ trung bình 16.6%/năm trong giai đoạn 2001-2014. Trong báo cáo triển vọng năm 2016, IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Nhân tố chính của sự tăng trưởng ấn tượng này là: (i) hạ tầng hàng không đã có sự cải thiện đáng kể, (ii) ngành du lịch trên đà tăng tốc mạnh mẽ, dẫn đến việc xây dựng hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các cơ sở liên quan đến du lịch, giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và ngành hàng không phát triển nhanh chóng, và (iii) tốc độ đô thị hóa tăng cao.

Các tin tức khác

>   HAS: BCTC Hợp nhất năm 2016 (27/03/2017)

>   HAS: BCTC năm 2016 (27/03/2017)

>   QSP: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (27/03/2017)

>   UDJ: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (27/03/2017)

>   VC1: Báo cáo thường niên 2016 (27/03/2017)

>   TPC: Chi 22 tỷ đồng lập công ty con mở rộng quy mô (27/03/2017)

>   MWG: Báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2017 (27/03/2017)

>   TMT: Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi người đại diện chi nhánh và xin ý kiến ĐHĐCĐ phát hành cổ phiếu (27/03/2017)

>   ADS: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 08 (27/03/2017)

>   LIX: Báo cáo thường niên năm 2016 (27/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật