Châu Á-Thái Bình Dương có nên dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa?
Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương phải là nhóm dẫn dắt việc đẩy mạnh thương mại tự do khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu suy giảm, các chuyên gia thương mại cấp cao cho biết trong một báo cáo công bố trong ngày thứ Hai.
* Hai câu chuyện đối lập về châu Á
* Các quỹ đổ vốn vào thị trường nào ở châu Á?
“Chỉ vì Mỹ hiện đã không còn ủng hộ hoạt động giao thương như trước đây và toàn cầu hóa cũng không có nghĩa là toàn thế giới phải làm theo Mỹ”, Kevin Rudd, Chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI), cho biết. Với các chính sách đúng đắn và các hợp đồng thương mại có tiêu chuẩn cao, ông nhận định: “Tăng trưởng châu Á có thể tiếp tục đem lại lợi ích cho thế giới”.
Với tiêu đề “Mô tả Quá trình Hội nhập Thương mại và Kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, báo cáo từ Ủy ban Độc lập về Chính sách Thương mại của ASPI đã đưa ra một vài nguyên tắc về việc thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực.
“Đà bứt phá ấn tượng của châu Á không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là kết quả trực tiếp của chính sách mở cửa thị trường và cuộc cải cách kinh tế khác. Trong đó, một số thì hành động mang tính đơn phương từ một quốc gia nào đó và một số khác thì xuất phát từ các cam kết theo thỏa thuận thương mại. Chìa khóa đem lại đà tăng mạnh mẽ là tính mở cửa thương mại”, báo cáo cho thấy.
Ngoài ra, báo cáo đề cập rất nhiều lần đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như là một khuôn mẫu cho thỏa thuận thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, đồng thời lưu ý TPP có tiêu chuẩn rất cao và là một trong những thỏa thuận đầu tiên giải quyết vấn đề thương mại kỹ thuật số. Mặc dù TPP dường như đã lãnh án tử khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi các cuộc đàm phán hồi tháng 1/2017, nhưng ASPI vẫn kêu gọi Mỹ cân nhắc lại vị thế của mình.
Một số khuyến nghị khác thì nhấn mạnh đến nhu cầu về tiêu chuẩn cao trong các thỏa thuận thương mại khác, tập trung vào các xu hướng như giao thương dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số, và cho biết về những lợi ích của hoạt động thương mại tới người tiêu dùng. Ủy ban này cũng liệt kê ra lợi ích kinh tế của chính sách thương mại ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thỏa thuận thương mại tự do ở các nước đang trong quá trình thiết lập cũng rất quan trọng đối với sự phát triển “khỏe mạnh” của nền kinh tế toàn cầu, báo cáo cho biết.
“Nếu thương mại trở thành lĩnh vực hứng chịu mọi thách thức của quá trình toàn cầu hóa thì các quốc gia sẽ gặp nguy cơ mất đi một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng và cuộc cải cách kinh tế trọng yếu. Các chính sách thương mại trong quá trình chuyển tiếp có thể là một động lực để cải cách nội địa, qua đó có thể giúp các quốc gia hiện đại hóa và mở cửa nền kinh tế”, trích một đoạn trong báo cáo./.
|