Thứ Hai, 06/03/2017 20:05

Chứng khoán liên tục phá kỷ lục có phải là lý do tốt để Fed nâng lãi suất?

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho hay các quyết định về chính sách lãi suất của họ đều dựa vào dữ liệu kinh tế Mỹ chứ không phải xuất phát từ thị trường tài chính, Business Insider cho hay.

* Vì sao một số quan chức Fed ủng hộ nâng lãi suất nhanh hơn? 

* 70% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 3

Trước đó, họ đã liên tục đánh giá thấp tác động của sự biến động ngắn hạn của thị trường trong các động thái chính sách của mình, với mục đích duy trì một thị trường lao động mạnh mẽ và mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn.

Tuy nhiên, lần này thì lại hoàn toàn khác. Mặc dù không có sự thay đổi đáng kể trong dữ liệu kinh tế, nhưng các quan chức Fed lại đồng thời báo hiệu rằng sẽ có một đợt nâng lãi suất xảy ra trong tháng này. Nhà đầu tư cũng theo đó mà điều chỉnh xác suất Fed nâng lãi suất vào tháng 3/2017 lên tới mức gần như là chắc chắn chỉ trong vòng 2 tuần.

Vậy điều gì đã thay đổi? Đó là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá kỷ lục mới dù không có nhiều động lực thúc đẩy từ phía kinh tế Mỹ.

Khi công bố biên bản họp tháng 1/2017, Fed cho thấy các thành viên đã bày tỏ mối lo ngại rằng mức độ biến động thấp trên thị trường cổ phiếu dường như không ăn khớp với mức độ biến động đáng kể trong triển vọng của họ. Thông thường, Fed luôn đưa ra nhận định về bức tranh thị trường tài chính Mỹ, nhưng việc tập trung nhiều vào sự biến động của chứng khoán thì lại hơi bất thường.

Trong ngày 03/03/2017, Chủ tịch Fed Janet Yellen và cả Phó Chủ tịch Stanley Fischer dường như đều muốn hướng đến việc nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 14-15/03. Trong đó, bà Yellen cho biết một đợt nâng lãi suất sắp xảy ra trừ khi báo cáo việc làm tháng 2/2017 quá ảm đạm.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen

Trong khi đó, nhận định của ông Fischer cũng khá mập mờ.

“Nếu tồn tại một nỗ lực để gia tăng kỳ vọng nâng lãi suất thì tôi cũng muốn tham gia vào nỗ lực đó”, ông Fischer cho biết tại hội nghị chính sách tiền tệ ở New York.

Có nên nâng lãi suất khi chứng khoán Mỹ liên tục phá kỷ lục?

Kể từ khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán đã bứt phá dữ dội, và điều này thì trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng trước đó của một số nhà đầu tư. Trên thực tế, giá cổ phiếu đã phá kỷ lục liên tiếp trong thời gian hậu bầu cử, qua đó gia tăng rủi ro xuất hiện tình trạng bong bóng trên thị trường.

Đa số các nhà hoạch định chính sách Fed đều nhất trí rằng các đợt nâng lãi suất không nên dùng để ngăn chặn tình trạng bong bóng trên thị trường tài chính, vì những đợt thắt chặt tiền tệ như thế sẽ gây ra nhiều thiệt hại đến nền kinh tế hơn là đem lại lợi ích.

Tuy nhiên, với việc giữ lãi suất ở mức gần 0 trong 7 năm qua, các quan chức đã cho biết họ vẫn đang dõi theo rủi ro xảy ra tình trạng bong bóng trong giá tài sản.

Dẫu vậy, vẫn còn một lập luận kinh tế hợp lý để chống lại việc nâng lãi suất quá nhanh. Trên thực tế, mặc dù giá tiêu dùng đang tăng trưởng không ngừng, nhưng nhìn chung lạm phát Mỹ vẫn dao động dưới mục tiêu 2% của Fed.

Bên cạnh đó, một số quan chức vẫn nhận thấy các rủi ro làm lạm phát suy giảm, theo biên bản họp của Fed. Charles Evans, Chủ tịch Fed khu vực Chicago, cũng cho rằng rủi ro lạm phát rơi xuống mức cực thấp là một trong những mối lo ngại của ông. Mặc dù lạm phát thấp có vẻ là một điều tốt đẹp cho nền kinh tế, nhưng nếu chỉ số này ở mức quá thấp thì sẽ cho thấy nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng.

Hơn nữa, dự báo tăng trưởng kinh tế vẫn chưa vượt mốc 2% bất chấp tâm lý lạc quan về triển vọng cắt giảm thuế suất doanh nghiệp và một biện pháp kích thích tài khóa mạnh của Donald Trump.

Vẫn còn đó nhiều yếu tố khác đã hỗ trợ thêm cho chính sách lãi suất thấp của Fed. Chẳng hạn như số lượng người đang trong độ tuổi lao động không tham gia vào thị trường việc làm.

Ở chiều ngược lại, các quan chức Fed có thể chỉ ra các yếu tố bên ngoài thị trường chứng khoán để hỗ trợ cho quan điểm nâng lãi suất. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong lịch sử và nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, với việc bị phân tán từ tâm lý phấn khích trên Phố Wall, Fed có nguy cơ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế chưa thực sự sẵn sàng đón nhận. Khi mức độ bất ổn xoay quanh chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng cao, thì việc chờ đợi thêm các thông tin chi tiết về triển vọng kinh tế dường như là một điều khôn ngoan mà Fed cần phải làm./.

Các tin tức khác

>   Deutsche Bank rục rịch lên kế hoạch huy động 8.5 tỷ USD (06/03/2017)

>   3 lý do Fed muốn nâng lãi suất trong tháng 3 (04/03/2017)

>   Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng kỷ lục 92 tỷ USD (04/03/2017)

>   Các nền kinh tế nào đang trở nên tồi tệ hơn trong năm nay? (04/03/2017)

>   Vàng ghi nhận đà sụt giảm hơn 2% trong tuần qua (04/03/2017)

>   Dầu giảm hơn 1% trong tuần qua (04/03/2017)

>   Giá đồng Bitcoin vượt qua giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử (03/03/2017)

>   Chính quyền Donald Trump có thể ngó lơ các quy định của WTO (03/03/2017)

>   Dầu xuống mức thấp nhất trong 3 tuần (03/03/2017)

>   Vàng chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay (03/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật