Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng kỷ lục 92 tỷ USD
Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới vừa ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong lịch sử khi chứng khoán Nhật Bản nhảy vọt và đà sụt giảm của đồng JPY làm gia tăng các khoản đầu tư nước ngoài sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bloomberg cho thấy.
Trong quý 4/2016, Quỹ Đầu tư Hưu Trí Chính phủ (GPIF) của Nhật Bản có tỷ suất sinh lợi 8%, tương ứng 10.5 ngàn tỷ JPY (92 tỷ USD), qua đó nâng tổng giá trị tài sản lên 144.8 ngàn tỷ JPY. Cổ phiếu nội địa có thêm 4.6 ngàn tỷ JPY sau khi chỉ số Topix chứng kiến quý có thành quả cao nhất kể từ năm 2013. Bên cạnh đó, các chứng khoán và trái phiếu nước ngoài cũng nhảy vọt khi đồng JPY giảm mạnh nhất so với đồng USD trong hơn 2 thập kỷ.
Đà tăng 2 quý liên tiếp của GPIF diễn ra ngay sau khi quỹ này ghi nhận mức thua lỗ, đồng thời xóa sạch mọi lợi nhuận đầu tư kể từ khi cải tổ chiến lược đầu tư trong năm 2014 thông qua việc mua nhiều cổ phiếu hơn và cắt giảm tỷ trọng trái phiếu. Vì có hơn 80% tỷ trọng là đầu tư chứng khoán theo chỉ số cổ phiếu nên GPIF sẽ hưởng lợi khi thị trường cổ phiếu tăng cao.
Các cổ phiếu Nhật Bản của quỹ có tỷ suất sinh lợi 15% trong 3 tháng cuối năm 2016, cũng trùng khớp với mức tăng 15% của chỉ số Topix. Còn các cổ phiếu nước ngoài thì tăng 16%, phần lớn là do đà sụt giảm 13% của đồng JPY so với đồng USD. Được biết, đồng JPY sụt giảm thì giá trị của khoản nắm giữ nước ngoài sẽ tăng cao.
“GPIF đầu tư với cái nhìn dài hạn chứ không bị tác động bởi các động thái ngắn hạn của thị trường”, Chủ tịch GPIF, Norihiro Takahashi, cho biết trong ngày thứ Sáu.
Trong khi đó, các trái phiếu nội địa của quỹ lại giảm 1.1%. Ngoài ra, quỹ này đã hạ tỷ trọng xuống chỉ còn 33% tổng tài sản khi chỉ số trái phiếu Chính phủ Nhật Bản giảm 1.6%. Ở chiều ngược lại, các trái phiếu nước ngoài thì lại leo dốc 8.8%. Được biết, trái phiếu nước ngoài chiếm tới 13% tỷ trọng đầu tư của GPIF vào thời điểm cuối năm 2016.
Được biết, các cổ phiếu Nhật Bản chiếm 24% tỷ trọng của quỹ GPIF, trong khi cổ phiếu nước ngoài thì lại chiếm tới 23%. Tỷ trọng mục tiêu của danh mục GPIF là 35% cho trái phiếu nội địa, 15% cho các trái phiếu nước ngoài và 25% đối với cả trái phiếu nước ngoài lẫn trái phiếu trong nước.
Trong khi đó, các tài sản khác chỉ chiếm gần 0.1% tỷ trọng của GPIF, thấp hơn mức giới hạn cho phép 5%. Trong tháng 2/2017, ông Takahashi cho biết việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Mỹ là có khả năng xảy ra, nhưng hiện giờ thì không./.
|