Vì sao giới siêu giàu vẫn “lũ lượt” kéo tới Luân Đôn bất chấp tác động của Brexit?
Theo một báo cáo do Công ty môi giới bất động sản Knight Frank LLP công bố hôm thứ Tư, giới siêu giàu sẽ vẫn tiếp tục đổ xô tới Luân Đôn, cho dù có những lo ngại về kinh tế và chính trị xoay quanh ý định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh, hay còn gọi là sự kiện Brexit, Bloomberg đưa tin.
Báo cáo cho thấy số người siêu giàu – hay những người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên và là đối tượng được săn đón ở các ngân hàng tư nhân như UBS Group AG và Citigroup Inc. – đang sống ở thủ đô nước Anh được dự báo tăng thêm 30% lên 6,058 người trong thập kỷ tới.
Điều đó có thể làm xua tan những nghi ngờ về sự thu hút của thành phố này sau khi số lượng đơn xin visa của giới đầu tư đã giảm tới 80% trong năm ngoái, theo sau sự ra đời của các quy định chống rửa tiền trong năm 2014. Theo dữ liệu do Chính phủ Anh công bố hồi tuần trước, chỉ có 215 người giàu được cấp visa như vậy.
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 của Knight Frank, kèm theo trích dẫn nghiên cứu từ công ty tư vấn New World Wealth, New York hiện giữ vị trí số 1 trên thế giới vì những kỳ vọng dành cho tăng trưởng kinh tế Mỹ đang “lấn lướt” cả giai đoạn bất ổn dưới thời đại của ông Trump.
Số người có tài sản ròng siêu cao trên toàn cầu đã tăng lên hơn 193,000 trong năm 2016, nhờ những đợt leo dốc của thị trường chứng khoán. Theo bản báo cáo, con số này sẽ vượt mốc 275,000 vào năm 2026, và tăng rất nhanh ở các quốc gia như Việt Nam, Sri Lanka, Ấn Độ và Trung Quốc.
“Tăng trưởng kinh tế như vũ bão ở một số quốc gia đang cung cấp nhiều cơ hội cho việc tạo dựng tài sản”, Andrew Amoils, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại New World Wealth, cho biết trong một báo cáo. “Trung Quốc sẽ tăng trưởng thậm chí nhanh hơn nếu quốc gia này tạo ra được nhiều công ty công nghệ cao như Huawei Technologies Co.”, ông viết trong một email.
Báo cáo cho thấy, số lượng tỷ phú sẽ tăng vọt lên 3,000 trong 10 năm tới khi các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn như Trung Quốc và Ấn Độ tạo ra một lượng tài sản mới. Sự phát triển của các ngành công nghệ, dịch vụ tài chính, truyền thông và chăm sóc sức khỏe ở những quốc gia này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá trị tài sản cá nhân của những người sở hữu 1 tỷ USD trở lên tăng 48% tính trên toàn cầu.
Các thành phố châu Á như Pune, Hồ Chí Minh, Hyderabad và Bangalore được kỳ vọng sẽ nằm trong nhóm có tăng trưởng số lượng người siêu giàu nhanh nhất trong 10 năm tới. Đồng thời, Mumbai có thể cùng với Thượng Hải, Bắc Kinh, Singapore và Hồng Kông trở thành 1 trong 10 địa điểm hàng đầu dành cho giới siêu giàu.
Không phải tất cả các khu vực đều được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng tuyệt vời như thế. Theo bản báo cáo, số lượng người siêu giàu của Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng ảm đạm, với việc một số cá nhân giàu có được cho là sẽ rời khỏi châu Âu.
“Đó là do thuế suất tăng, nghĩa vụ về tiền hưu trí và chi phí chăm sóc sức khỏe công cao hơn, cộng với sự đánh mất các công việc đòi hỏi kỹ năng cao vào tay châu Á”, Amoils viết trong bản báo cáo.
Lượng người siêu giàu ở Nigeria đã giảm 20% trong năm 2016 vì “những căng thẳng chính trị và kinh tế” và không được kỳ vọng sẽ tăng trong 10 năm tới.
Theo bản báo cáo, những người di cư siêu giàu được kỳ vọng sẽ tập trung ở các quốc gia “trú ẩn an toàn” như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Monaco, Israel và Canada, những nơi mang lại sự hấp dẫn nhờ sự ổn định chính trị và tài chính, cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Chẳng hạn, sự phát triển của khu đô thị cao cấp Ras Al Akhdar ở thủ đô Abu Dhabi của UAE hiện là ngôi nhà cho gần 400 người có lượng tài sản ròng cực cao, Knight Frank cho biết./.
|