Châu Á sẽ dẫn đầu nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2017?
Mặc dù dự trữ dầu cao và việc đẩy mạnh sản xuất dầu ở Mỹ đang dần hủy hoại các tác động tích cực của thỏa thuận cắt giảm sản lượng cũng như nhu cầu dầu ngày càng tăng ở châu Á, nhưng thị trường dầu toàn cầu vẫn đang trong tiến trình tái cân bằng, một quan chức thuộc IEA cho hay trong ngày thứ Ba.
“Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC dường như đang được thực hiện khá tốt, trong đó mức độ tuân thủ thỏa thuận rất cao”, Keisuke Sadamori, Giám đốc Thị trường Năng lượng và Giám sát An ninh tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ở Paris, cho biết.
Tuy nhiên, ông Sadamori vẫn tỏ ra cẩn trọng khi đưa ra triển vọng về thị trường dầu, do mối lo ngại rằng hoạt động khai thác dầu từ đá phiến sẽ gia tăng nguồn cung một cách nhanh chóng và lượng dự trữ ngày càng tăng sẽ gây cản trở đến quá trình tái cân bằng thị trường dầu.
Thật vậy, việc đẩy mạnh hoạt động khoan dầu đã góp phần làm gia tăng đáng kể lượng dự trữ ở Mỹ trong năm 2016. Và trong tháng 1/2017, dự trữ dầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một nhóm bao gồm các quốc gia phát triển – đang ở mức đáng báo động với hơn 3 tỷ thùng, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, xét về chiều hướng tích cực, nguồn cung dầu đã giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2016 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu dầu, ông cho hay.
“Trong năm nay, chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong sản lượng dầu của OPEC. Tuy nhiên, vì chúng ta khởi đầu ở mức dự trữ cực cao nên dù có cắt giảm nhưng nguồn cung dầu vẫn còn ở mức khá cao. Vì vậy, xét về kỳ vọng của thị trường, vẫn rất khó để nói rằng quá trình tái cân bằng sẽ sớm diễn ra”, ông cho hay.
Được biết, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm gần 1.8 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2017.
Xét về nhu cầu dầu trên toàn cầu, khu vực châu Á sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng trong năm nay khi hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này suy yếu, ông cho hay.
Ông Sadamori nhận định: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu dầu cùng với việc nguồn cung ngày càng suy giảm sẽ đồng loạt làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu của khu vực châu Á”.
Các quốc gia châu Á cũng cần phải gia tăng năng suất lọc dầu để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của mình, ông nói thêm./.
|