Tại sao Nga hạ dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng?
Dường như Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) nắm được một bí mật gì đó mà thế giới không hề hay biết, Bloomberg cho hay.
Trong lúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh chuẩn bị tiến tới cuộc họp để xem xét lại về thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào cuối tuần này thì Ngân hàng Trung ương của nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã hạ dự báo giá dầu xuống gần 40 USD/thùng.
Mặc dù các nhà phân tích tham gia vào cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo giá dầu Brent sẽ tăng 16% so với mức hiện tại vào thời điểm cuối năm 2017, nhưng nỗi ám ảnh về đà sụt giảm 10% trong tháng này đã khiến thị trường lo lắng không nguôi. Nga, đối tác quan trọng trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng và là một thành phần trong cuộc đàm phán ở Kuwait, có thể chỉ làm gia tăng thêm những mối lo lắng đó.
“Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và BoR dường như đang tỏ ra khá thận trọng khi dự báo về tốc độ tăng trưởng, vốn được chi phối phần lớn bởi giá dầu”, Piotr Matys, Chiến lược gia tiền tệ thị trường mới nổi tại Rabobank, cho biết. “Tốt hơn là nên tỏ ra bảo thủ và tỏ ra ngạc nhiên về sự gia tăng của giá dầu, còn hơn là quá tự tin để rồi phải thất vọng”.
Trong ngày thứ Sáu (24/03), các nhà hoạch định chính sách ở Moscow dự báo giá dầu sẽ rớt xuống mức 40 USD/thùng vào thời điểm cuối năm 2017 và rồi dao động gần mức đó trong giai đoạn năm 2018-2019. Bên cạnh quyết định hạ dự báo của mình, BoR cũng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời chỉ ra sự bất ổn trên thị trường dầu như là một yếu tố minh chứng cho các dự báo “bảo thủ” của mình.
Tương tự, Bộ Tài chính Nga cũng nhấn mạnh đến mức 40 USD/thùng trong tháng 1/2017. Lúc đó, cơ quan này đã tuyên bố rằng BoR sẽ bắt đầu mua ngoại hối trên danh nghĩa của Bộ Tài chính nếu giá dầu vượt mức 40 USD/thùng. Quyết định trên là nhằm bảo vệ tỷ giá khỏi bị tác động bởi sự biến động của giá dầu.
Bên cạnh đó, quốc gia này còn sử dụng mức 40 USD/thùng để tính toán ngân sách cho giai đoạn năm 2017-2019.
Phòng ngừa trước sự đảo chiều của giá dầu
Ngay cả khi giá dầu đã hồi phục, nhưng Nga vẫn tuân thủ với kịch bản mang tính bảo thủ nhiều hơn để phòng khi sự đảo chiều bất ngờ xảy ra, Viktor Szabo, Nhà quản lý quỹ trái phiếu tại Aberdeen Asset Management, cho hay.
Việc BoR tỏ ra thận trọng khi dự báo về giá dầu cũng khá hợp lý vì những bài học được rút ra trong năm 2014-2015. Cụ thể, chính đà trượt dốc 65% của giá dầu trong năm 2014-2015 đã gần như hủy hoại đồng rúp, đồng thời buộc Nga phải nâng lãi suất khẩn cấp vào lúc giữa đêm và còn đẩy quốc gia này rơi vào tình trạng suy thoái. Được biết, doanh thu dầu khí chiếm tới 36% trong nguồn thu ngân sách năm 2016.
Ngay cả khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử - do OPEC đề xuất - đã góp phần chấm dứt đà sụt giảm của giá dầu, đồng thời đẩy giá nhiên liệu này lên 55 USD/thùng và giúp nền kinh tế Nga bước vào giai đoạn hồi phục, nhưng BoR vẫn tỏ ra nghi ngờ về giá dầu.
Mối tương quan giữa đồng Rúp và giá dầu đã giảm sút trong năm nay, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2015, dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg cho thấy. Cụ thể, khi giá dầu rớt mốc 50 USD/thùng trong tuần này, đồng tiền của Nga chỉ giảm nhẹ với gần 1%, vì sự hấp dẫn về phương thức kinh doanh tiền tệ (carry trade) đã bù đắp phần lớn cho triển vọng năng lượng ảm đạm.
Trong bối cảnh OPEC vẫn chưa chính thức quyết định có kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không thì các quan chức sẽ họp mặt vào cuối tuần này ở Kuwait để bàn luận về mức độ tiến triển của thỏa thuận. Một trong những nhà sản xuất dầu nổi tiếng ở Mỹ dự báo giá dầu sẽ rơi xuống mức 40 USD nếu OPEC quyết định không kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Elina Ribakova, Chuyên gia kinh tế ở Deutsche Bank AG, cho hay: “BoR và Bộ Tài chính Nga đang đi theo kịch bản bảo thủ với giá dầu ở mức 40 USD/thùng vì họ muốn có sự chuẩn bị và còn để bảo vệ đất nước khỏi các trường hợp xấu nhất”./.
|