USD có khởi đầu tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ, vì đâu nên nỗi?
Đồng USD dường như đã đánh mất đà tăng. Các quan điểm cứng rắn của Tổng Thống Mỹ Donald Trump cũng phần nào đó gây ra việc này, CNNMoney cho hay.
Lúc đầu, đồng bạc xanh đã nhảy vọt mạnh mẽ sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vì nhà đầu tư cho rằng các biện pháp cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã sụt 2.6% so với các đồng tiền chủ chốt khác trong tháng 1/2017, một phần là do ông Trump đã lên tiếng phàn nàn rằng đồng USD mạnh đang “giết chết” nền kinh tế Mỹ. Đây là tháng 1 tồi tệ nhất đối với đồng bạc xanh kể từ năm 1987.
Chưa hết, trong ngày thứ Năm (02/02), đồng USD còn rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2016 và giảm 4% so với đỉnh gần đây.
Vậy điều gì đang diễn ra? Thứ nhất, ông Trump và các cộng sự đã lên tiếng gây áp lực lên đồng USD. Rõ ràng, họ nhận thấy rằng một đồng bạc xanh cực mạnh sẽ cản trở việc thực hiện lời cam kết thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tại Mỹ và tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Ví dụ, đồng USD trượt dốc trong ngày thứ Ba sau khi cố vấn của ông Trump cho rằng Đức đang sử dụng đồng EUR định giá thấp nhằm làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.
Đức tiếp tục khai thác các quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU) cũng như Mỹ bằng đồng Mark Đức được định giá cực kỳ thấp, Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà trắng (NTC), cho biết.
Bên cạnh đó, trong suốt cuộc họp với Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty dược phẩm, ông Trump cho biết chiến lược định giá thấp đồng nội tệ của các quốc gia khác đã khiến các công ty dược phải chuyển việc làm ra nước ngoài.
Và ngay trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nói rằng các công ty Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc bởi vì đồng bạc xanh quá mạnh.
Ông Trump cho hay: “Đồng USD đang giết chết chúng ta”.
Trớ trêu thay, việc gây áp lực lên đồng nội tệ hay cho rằng các quốc gia khác đang làm giảm giá trị đồng tiền nước họ cũng được xem là một dạng của thao túng tiền tệ.
Dù vậy, điều này vẫn khá hợp lý khi ông Trump và các cố vấn muốn ngăn cản đồng USD trở nên quá đắt đỏ. Một đồng USD mạnh sẽ làm cho hàng hóa Mỹ, như iPhone, trở nên đắt đỏ hơn đối với những người sử dụng những đồng tiền khác, đồng thời sẽ khó thu hút các nhà sản xuất xe hơi như Ford và General Motors mang việc làm trở về nước Mỹ, một mục tiêu chủ chốt của Donald Trump.
Tuy nhiên, đà trượt dốc của đồng bạc xanh còn xuất phát từ nhiều lý do khác.
Ví dụ, đà bứt phá mang tên “Donald Trump” đã chững lại trong vài tuần gần đây khi nhà đầu tư không chắc chắn là liệu ông Trump có thực hiện sớm các biện pháp kích thích mà ông đã hứa hẹn hay không.
Cụ thể hơn, vẫn còn đó mối lo ngại cho rằng các kế hoạch gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế của Donald Trump sẽ không được thực hiện nhanh chóng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Nói cách khác, nền kinh tế và đồng USD sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào cả.
Các chuyên gia phân tích tiền tệ cũng chỉ ra một ẩn số rất lớn về chính sách thương mại của ông Trump. Nhiều nhà phân tích lo sợ nếu ông Trump chấp nhận lập trường bảo hộ thương mại bằng cách áp đặt thuế suất, thì điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, qua đó có thể gây tổn hại đến bức tranh kinh tế Mỹ. Ngoài ra, việc này còn tác động tiêu cực đến đồng USD.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không ưu ái đồng USD. Cụ thể, lời tuyên bố của Fed trong ngày thứ Tư hầu như không làm thay đổi kỳ vọng ngân hàng này sẽ không nâng lãi suất đủ nhanh để giúp đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực, đà sụt giảm của đồng USD sẽ tác động tích cực đến cổ phiếu của các công ty đa quốc gia tại Mỹ như Nike và Apple.
Giới phân tích tại Bespoke Investment Group nhận định: “Nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, hãy đầu tư vào các lĩnh vực chuyên về quốc tế”./.
|