Tại sao 2017 là một năm khó đoán?
Các nhà chính trị và doanh nghiệp hàng đầu vẫn còn nhiều trăn trở về tương lai của nền kinh tế toàn cầu sau Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos. 4 ngày thảo luận tại WEF chỉ mang lại một bức tranh mơ hồ về những gì đang được trông đợi cho năm 2017, theo hãng tin CNN.
Những điều không thể dự đoán trước trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với cách đáp trả của Nga và Trung Quốc đối với ông Trump đã tạo ra nhiều căng thẳng cho nhiều nhà đầu tư. Trong khi đó, mối lo lắng tại châu Âu thì xoay quanh sự kiện Brexit và một loạt các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại một số quốc gia.
2017 hẳn là 1 năm đầy bất ổn với những lý do sau:
Những điều mơ hồ trong chính sách của Tổng thống Donald Trump
Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày thứ Sáu (20/01), nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về chương trình nghị sự chính sách của ông. Nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền của ông Trump vẫn còn trống..
Những gì ông Trump nói trước đó cho thấy ông sẽ định hình lại mối quan hệ với các đồng minh cũng như những kẻ thù của Mỹ. Ông cam kết sẽ đặt lợi ích của Mỹ trước tiên và đe dọa các đối tác giao thương lớn nhất của Mỹ thông qua các hàng rào thuế quan.
Một số tuyên bố hùng hồn đó liên quan đến sự dàn xếp thương mại…Tôi hy vọng điều đó không có trong chính sách. Chính sách đó sẽ đe dọa cả những cử tri đã bầu cho ông”, Larry Fink, CEO của BlackRock, đánh giá.
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Davos cảm thấy vui mừng khi nhận thấy định hướng ủng hộ hoạt động kinh doanh của ông Trump. Quan điểm này đã được phản ánh qua giá cổ phiếu cùng với đà tăng mạnh của chỉ số niềm tin tiêu dùng.
Những người khác thì lo lắng về sự bất ổn chính sách và khả năng các chính sách của Donald Trump sẽ phản tác dụng.
“Mức độ bất ổn đã chạm đỉnh, và đó thật sự là kẻ thù của việc đầu tư dài hạn”, tỷ phú George Soros, Chủ tịch của quỹ Soros Fund Management, đánh giá.
Vai trò lớn hơn của Trung Quốc
Trung Quốc đã và đang định hình vai trò quan trọng hơn nhiều của mình trên toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết xúc tiến quá trình toàn cầu hóa ngay cả khi các nước phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đối mặt với một năm 2017 nhiều bất ổn.
Thách thức Brexit
Chính phủ Anh đã đưa ra thông điệp rõ ràng trong trong tháng 1 khi muốn rút hoàn toàn khỏi EU. Điều này sẽ đem lại nhiều bất ổn cho các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Anh và có giao dịch với quốc gia này.
Các ngân hàng và định chế tài chính khác đã bắt đầu kế hoạch di dời hàng ngàn việc làm tới các nước khác ở châu Âu để có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh với EU.
Thủ tướng Anh Theresa May kỳ vọng thương lượng được cả 2 việc là Anh rời khỏi EU và ký kết mối quan hệ thương mại mới với EU trong 2 năm. Các chuyên gia đánh giá kế hoạch đó quá tham vọng vì việc thương lượng các thỏa thuận thương mại phức tạp thường sẽ mất thời gian nhiều hơn.
Bà May cần phải hoàn tất quá trình tách khỏi EU trong 2 năm hoặc là sẽ gặp nguy cơ thoát khỏi EU mà không có thỏa thuận nào hết.
Dường như Nga đang cảm thấy cơ hội cải thiện mối quan hệ với Mỹ khi Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng. Nền kinh tế Nga được cho là sẽ hồi phục trong năm nay và có thể được thúc đẩy thêm nhờ đà tăng của giá dầu.
Mối đe doạn từ chủ nghĩa dân túy
Pháp, Đức và Hà Lan – 3 thành viên chủ chốt của EU - sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay.
“Có rất nhiều bất ổn nên chúng tôi thật sự không biết rủi ro địa chính trị là gì. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với các hoạt động thương mại”, Wolfgang Schaeuble, Bộ trưởng Tài chính Đức, cho hay.
Với việc chống lại chủ nghĩa dân túy ở châu Âu gia tăng, tương lai của châu Âu và thiện chí hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế là điều không chắc chắn.
Chủ nghĩa dân túy là yếu tố rủi ro quan trọng nhất… chúng tôi cũng thấy chủ nghĩa bảo hộ dân chủ nhiều hơn và có thể là cả các hợp đồng thương mại sẽ bị đảo lộn”, Ray Dalio, nhà sáng lập và Chủ tịch quỹ đầu cơ Bridgewater Associates nhận định./.
|