Thứ Ba, 21/02/2017 21:06

Phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Trong phiên họp thứ 7 diễn ra vào chiều 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về Báo cáo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với các nội dung cụ thể về tổng mức và cơ cấu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thông báo, hướng dẫn phân bổ chi tiết; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; đề xuất và rà soát phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; kế hoạch vốn đầu tư chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của bộ, ngành, địa phương...

Báo cáo thẩm tra phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng về cơ bản, các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chung, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ đã bám sát và cụ thể hóa các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội và các văn bản liên quan, góp phần định hình tổng thể cân đối, phân bổ nguồn lực đầu tư công trong trung hạn, cơ bản thu hồi nợ đọng, vốn ứng trước.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, mặc dù có thời gian chuẩn bị khá dài, song do đây là lần đầu thực hiện, phát sinh một số khó khăn do nguyên nhân khách quan, chủ quan nên việc xây dựng, đề xuất danh mục phân bổ vốn của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và tổng hợp, hoàn thiện danh mục của Chính phủ trình UBTVQH còn hạn chế, lúng túng, chưa kịp thời, dẫn đến khó khăn cho quá trình thẩm tra. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, trong đó chú ý nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu để giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số ý kiến cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương chuẩn bị, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm túc Luật Ngân sách; các nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên tinh thần phục vụ tốt nhất việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.

Nhấn mạnh việc xây dựng phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là một bước tiến quan trọng trong sắp xếp, phân bổ, cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô, an toàn nợ công và khắc phục trình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần đặc biệt quan tâm ưu tiên cân đối, bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án quan trọng, dự án ODA, các dự án theo hình thức hợp tác công-tư (PPP),... để phát huy tối đa được các nguồn lực và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, việc phân bổ vốn đầu tư công phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch, tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 1.120.000 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Trong tổng số vốn nêu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định: (1) 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; (2) 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia; (3) dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn gồm: (i) dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; (ii) các bộ, ngành Trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn dược phân bổ kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.


Đồng quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, phải sắp xếp thật kỹ, đưa ra thứ tự ưu tiên cho các chương trình, dự án, hạng mục đầu tư, nhất là những dự án có ý nghĩa quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của vùng hay của địa phương; hết sức quan tâm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư; phải bảo đảm các dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu theo quy định của Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, của Luật Đầu tư công...

Một số ý kiến đề xuất trong quá trình hoàn thiện, ban hành danh mục dự án đầu tư cần rà soát thận trọng, bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; bảo đảm sự hài hòa, công bằng giữa các vùng, miền; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua trong đầu tư công.

Chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ trong xây dựng phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vì đây là lần đầu tiên thực hiện, phát sinh một số khó khăn do nguyên nhân cả khách quan và chủ quan vì trong cân đối, phân bổ vốn vừa phải đáp ứng các yêu cầu của Luật Ngân sách, các nghị quyết của Quốc hội; vừa phải đáp ứng các yêu cầu chính đáng của địa phương..., Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần phải có những phương án phù hợp trong sắp xếp thứ tự các dự án, phân bổ ngân sách, nhất là những dự án còn “vênh” giữa Trung ương với các dự án mà địa phương đề xuất; giữa nguồn vốn còn chưa cân đối giữa sự bố trí Trung ương và đề xuất bố trí vốn của địa phương....

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Phat-huy-toi-da-hieu-qua-nguon-von-dau-tu-cong/299162.vgp

Các tin tức khác

>   TP.HCM muốn cơ chế đặc thù không phải để thành vương quốc riêng (21/02/2017)

>   "Hơn 1.000 ban quản lý dự án ODA, con số rất khủng khiếp" (17/02/2017)

>   Cơ hội bị bỏ lỡ và thách thức mới (16/02/2017)

>   Ổn định lãi suất 2017 – Nhiệm vụ có khả thi? (15/02/2017)

>   Xuất siêu 1.15 tỷ USD trong tháng 1/2017 (13/02/2017)

>   Vốn FDI từ Trung Quốc rót mạnh vào Việt Nam tháng đầu năm (12/02/2017)

>   Lạm phát lấy lại “phong độ”? (11/02/2017)

>   Chính phủ sẽ tạo thuận lợi thay vì hỗ trợ doanh nghiệp (09/02/2017)

>   Nợ, trả nợ và khủng hoảng (09/02/2017)

>   Australia hướng tới thỏa thuận “TPP-1” sau khi Mỹ rút lui (08/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật